Ra đời từ giai đoạn cuối của thế kỷ XIX, trải qua hơn 200 năm phát triển, tới nay
poster đã trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau mục đích quảng cáo, thương mại, có những tấm poster đã trở thành biểu tượng, không chỉ cho một vài người mà còn là hình ảnh quốc gia, biểu trưng cho một giai đoạn lịch sử…
1. “Chú Sam muốn bạn!”
Có thể khi nghe cái tên poster này không mấy ai biết, nhưng chỉ cần nhìn tấm hình dưới đây thôi thì tin chắc gần như ai cũng thấy quen. Đó là chú Sam (Uncle Sam) biểu tượng của nước Mỹ.
Đây là phiên bản poster nguyên gốc về hình tượng chú Sam của người Mỹ. Nó đươc thiết kế bởi họa sĩ người New York - James Montgomery Flagg. Bức poster này được vẽ khi nước Mỹ bắt đầu tham gia Thế chiến I, xuất hiện lần đầu ngày 6/7/1916.
Nội dung poster nhằm kêu gọi thanh niên Mỹ nhập ngũ và lên đường chiến đấu. Trong vòng 1 năm từ 1917 tới 1918, hơn 4 triệu bản đã được in ra và dán khắp nơi. Tầm ảnh hưởng của nó giúp James trở thành họa sĩ vẽ poster nổi tiếng nhất thế giới.
Bức poster đã truyền cảm hứng cho bức "Uncle Sam wants you". Đây là poster ra đời ở Anh, cũng trong thời kỳ Thế chiến I
Chuyện đáng nói ở đây là hình tượng chú Sam có nguồn gốc rất thú vị. Chú Sam là một nhân vật có thật, tên là Sam Wilson, sống vào thời kỳ chiến tranh 1812. Khi đó, Sam là người đóng thịt hộp, được cử làm viên chức kiểm tra thịt cho lực lượng quân đồn trú của Mỹ ở New Jersey. Nhà thầu cung cấp thịt là Elbert Anderson, nên thịt hộp đều được đóng dấu EA - US (Elbert Anderson - United States).
Một hình ảnh chế về Uncle Sam sau này.
Tuy nhiên, khi thống đốc New York - Tompkins tới thăm nhà máy thịt và hỏi về những chữ viết tắt trên, một công nhân lại nói chữ US là tên viết tắt của Uncle Sam Wilson. Từ đó, các binh sĩ Mỹ truyền tai nhau rằng, thịt họ ăn đều do chú Sam tiếp tế.
Trò đùa này nhanh chóng lan rộng khắp nơi, các lính canh còn tự gọi mình là “con của chú Sam” và cho rằng toàn bộ tài sản chính phủ thuộc về chú Sam. Đó cũng là lúc biệt hiệu của một người bán thịt từ lúc nào đã trở thành biểu tượng của quốc gia.
2. “Cứ bình tĩnh và tiếp tục”
Nguyên gốc tiếng Anh của cụm từ này là “Keep calm and carry on”. Chúng xuất hiện trên tấm poster nổi tiếng nhất của người Anh và ra đời trước khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra.
Tấm poster ra đời năm 1939, do nhóm binh lính Waterfield thiết kế. Nó là một phần trong bộ ba tấm poster mang tên “Your courage” (tạm dịch: sự dũng cảm của bạn). Ban đầu, poster mang một ý nghĩa và sứ mệnh cao cả là trấn an tinh thần của người dân đảo quốc sương mù khỏi rối loạn trước khi Thế chiến thứ II nổ ra.
Nguyên tác bộ ba tấm poster "Your courage". Trái - Hãy bình tĩnh và tiếp tục; Giữa - Tự do là khi sống giữa hiểm nguy. Hãy chống trả với tất cả sức mạnh của bạn;
Phải - Sự dũng cảm, sự động viên và sự quyết tâm của bạn
sẽ mang đến chiến thắng cho chúng ta.
Trải qua chiến tranh, vào những năm 2000, một lần nữa tấm poster lại trở nên nổi tiếng. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện Anh để động viên tinh thần bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Thời báo kinh tế Anh Economist đã tự nhận xét rằng, tấm poster đã thể hiện được "tinh thần Anh" - "sự dũng cảm không phô trương đến mức vẫn có thể nhẩn nha uống một ngụm trà khi bom rơi”.
Dù thế nào, cũng hãy bình thản và hành động như một quý ông. Tầm ảnh hưởng của poster đã vượt biên giới nước Anh, trở thành một hiện tượng “Keep calm and…” trên toàn cầu. Ngày nay, chỉ cần trỏ chuột, bạn sẽ tìm được vô vàn những phiên bản khác nhau của tấm poster đơn giản mà tinh tế này.
3. "Chúng ta làm được!" - "We can do it"
Đây là một tấm poster, biểu tượng khác của nước Mỹ, nhưng tấm poster này ra đời muộn hơn bức chú Sam. Tác giả - J.Howard Miller đã thiết kế tấm poster này vào năm 1943 cho Westinghouse Electric.
Nó ra đời sau sự kiện Trân Châu Cảng, mang ý nghĩa ban đầu là cổ vũ tinh thần của các nữ công nhân trong nước tích cực sản xuất các nhu yếu phẩm phục vụ chiến tranh thay cho những người đàn ông đã ra trận. Nó được đặt theo tên một bài hát cùng thời, gọi là Rosie the Riveter.
Song nó chỉ thực sự nổi tiếng trên toàn thế giới vào thập niên 1980. Khi đó, poster “Chúng ta làm được” nhanh chóng trở thành biểu tượng của phái nữ, là hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong các cuộc đấu tranh bình quyền tại công sở lúc bấy giờ.
Nhân vật người phụ nữ trong bức ảnh là Geraldine Hoff Doyle. Bức poster lấy cảm hứng từ bức ảnh chụp cô công nhân trẻ 17 tuổi năm 1942 tại nhà máy cạnh máy dập kim loại.
Bức poster và bức ảnh nguyên tác .
Điều ít ai biết đó chính là Doyle làm công việc trong bức ảnh chỉ hai tuần và nghỉ việc vì cô sợ chấn thương tay và sẽ không chơi được đàn cello nữa. Cô thậm chí còn không hề biết mình chính là hình mẫu cho bức poster, cho tới khi một bài báo năm 1984 tìm ra sự liên hệ này.
Geraldine Hoff Doyle thời còn xuân sắc. Bà đã qua đời năm 2010, thọ 86 tuổi.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Listverse, 99designs, Loc, Wikipedia...