Cùng với sự phát triển của xã hội, mạng sống của chúng ta ngày càng được đảm bảo bởi khoa học công nghệ, sự hiện đại tiên tiến của y học. Tuy vậy, những
tai nạn như đuối nước, bị nghẹn, bỏng, nhiễm trùng… vẫn có nguy cơ gây ra nhiều cái chết thương tâm cho nhiều người.
Cùng tìm hiểu 7 kỹ năng cơ bản để cứu người dưới đây để tự cứu lấy bản thân và giúp đỡ người xung quanh khi xảy ra sự cố, tai nạn.
1. Hô hấp nhân tạo như thế nào?
Mỗi khi gặp những tình huống khẩn cấp, hô hấp nhân tạo là biện pháp đầu tiên mà phần lớn mọi người chúng ta nghĩ tới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thực hành hô hấp nhân tạo chính xác và có hiệu quả.
Theo khuyến cáo và hướng dẫn của các chuyên gia, có thể chia quá trình hô hấp nhân tạo thành 3 bước cơ bản: ấn tay lồng ngực, mở miệng nạn nhân và thổi ngạt.
Bước đầu tiên, đan hai tay vào nhau và đặt vào giữa lồng ngực nạn nhân cần cấp cứu. Ấn xuống sâu khoảng 5cm, làm liên tục với nhịp độ nhanh, cỡ khoảng 100 lần/phút.
Bước thứ hai, đặt một tay lên trán, một tay lên cằm nạn nhân, kéo về phía sau sao cho miệng nạn nhân mở ra. Điều này giúp đảm bảo có không khí ra vào bên trong phổi.
Cuối cùng, lấy hai ngón tay bịt mũi nạn nhân, thổi ngạt từ từ để không khí từ miệng bạn dần đi vào phổi nạn nhân. Thực hành việc thổi ngạt này 2 lần trước khi tiếp tục ấn tay lồng ngực như bước một cho tới lúc các bác sĩ tới cấp cứu.
2. Sơ cứu người bị đau tim
Đau tim là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn trong thực tế. Cứ 7 người tử vong ở Mỹ thì có một người qua đời vì lên cơn đau tim. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sơ cứu cho những nạn nhân bị gặp sự cố như trên.
Trong những trường hợp như vậy, bước đầu tiên cần làm là gọi cấp cứu. Tiếp đó, hãy tiến hành thực hiện hô hấp nhân tạo như trong mọi trường hợp khẩn cấp khác. Ngoài ra, nếu có thể hãy cho nạn nhân lên cơn đau tim dùng thuốc aspirin. Thuốc này sau khi vào cơ thể sẽ tương tác, giúp giảm tổn thương và nguy hại cho tim của nạn nhân.
3. Sơ cứu người bị nghẹn
Một thực tế đáng ngạc nhiên là nghẹn được xếp trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Dấu hiệu đặc trưng của người bị nghẹn là không thể nói chuyện, thở, hai tay nắm chặt vào cổ họng, khuôn mặt bỗng trở nên xanh xao... Vậy nếu gặp một người bị nghẹn, bạn cần thực hiện những điều sau:
Đầu tiên, để người bị nghẹn hơi cúi thấp xuống. Về phần mình, bạn dùng lòng bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng nạn nhân, phần giữa hai bả vai. Hãy vỗ từng cái một và tăng dần sức mạnh qua mỗi lần vỗ.
Nếu nạn nhân vẫn chưa đỡ, tiếp tục thực hiện phương pháp khác gọi là Heimlich. Theo đó, bạn dùng hai tay mình ôm eo nạn nhân từ đằng sau. Điều lưu ý là phải để hai tay phía dưới phần khung xương sườn, hai bàn tay nắm chặt và đặt trên rốn, dưới ức.
Cuối cùng, đẩy mạnh vào bên trong và hướng lên trên để đẩy vật khiến nạn nhân bị nghẹn ra. Làm cho tới khi nạn nhân nhổ ra được vật gây nghẹn và bạn đã thành công khi cứu sống một mạng người.
4. Sơ cứu người bị đuối nước
Tai nạn sông, hồ, ao mà nhất là đuối nước chính là nguyên nhân căn bản gây ra hàng triệu cái chết mỗi năm trên toàn cầu. Khi rơi vào trường hợp đó, không chỉ nạn nhân mà ngay cả những người xung quanh cũng hoảng loạn. Nếu không có hiểu biết đúng, bạn sẽ khó có thể cứu được nạn nhân.
Lời khuyên của các chuyên gia chính là: “Gậy, phao, thuyền, bơi”. Cụ thể, chúng ta cần căn cứ theo tình hình gặp nạn của người đuối nước để đưa ra cách giúp đỡ phù hợp nhất.
Nếu người đuối nước ở không quá xa bờ, hãy sử dụng “Gậy” hay bất cứ vật nào dài để kéo, đưa nạn nhân lại bờ.
Nếu có “phao” cứu sinh, đừng ngần ngại ném ra cho người bị nạn.
Nếu có “thuyền” ở gần đó, hãy sử dụng thuyền để cứu nạn nhân và đảm bảo an toàn cho chính mạng sống của bản thân.
Trường hợp cuối cùng khi không có bất cứ dụng cụ gì xung quanh, “bơi” ra cứu nạn nhân sẽ là biện pháp duy nhất. Tuy nhiên, phải tuyệt đối cẩn thận bởi cách này đôi khi gây ra nguy hiểm cho chính bản thân bạn nếu như không phải người bơi lội giỏi.
5. Sơ cứu chảy máu
Những vết xước rỉ máu đôi khi không được mọi người chú ý nhiều. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì một vết xước nhỏ cũng có thể gây ra nhiễm trùng máu, thậm chí dẫn tới tử vong.
Đối với những vết thương chảy nhiều máu, điều đầu tiên cần làm là cho nạn nhân nằm xuống, giơ cao vị trí chảy máu để làm giảm tốc độ chảy. Nếu có chăn, hãy đắp cho nạn nhân để giữ thân nhiệt ổn định.
Tiếp theo, ta dùng những vật sạch để loại bỏ bụi bẩn, các mảnh nhỏ ở khu vực vết thương. Điều này giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng máu.
Sau đó, bạn cần tìm kiếm bông, gạc sạch áp vào vết chảy máu liên tục trong ít nhất 20 phút. Nạn nhân cần được giữ bất động cho tới khi máu ngừng chảy.
Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, bạn cần tìm ngay “điểm áp lực” của động mạch chính, ấn chặt để làm máu ngừng chảy. Có hai điểm ở tay là mặt trong khuỷu tay và dưới nách, trong khi ở chân là phía sau đầu gối và bên trong háng.
6. Sơ cứu bỏng
Bỏng là một trong những tai nạn nhạy cảm, đòi hỏi sự chính xác trong khâu sơ cứu để vừa hạn chế sự đau đớn cho nạn nhân, vừa tránh làm vết bỏng càng nặng thêm. Dưới đây là lời khuyên sơ cứu bỏng được tiến sĩ Matthew Hoffman đưa ra trên trang WebMD:
Ngay sau khi bị bỏng, lập tức xối nước mát vừa phải vào vùng bỏng trong 10 phút. Sau đó, dùng một miếng gạc ẩm để thấm nhẹ lên vết bỏng rồi làm sạch bằng xà bông với nước máy.
Cũng theo tiến sĩ Hoffman, tuyệt đối không nên bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng nếu không có chuyên môn để tránh làm vết bỏng nặng hơn. Sau khi sơ cứu như trên, hãy chuyển bệnh nhân tới bệnh viện để được chữa trị đúng cách.
7. Sơ cứu người bị thương, ngất nhưng nặng hơn mình
Trong nhiều trường hợp khẩn cấp, điều quan trọng là phải khẩn trương đưa nạn nhân tới vị trí an toàn. Nhưng nếu người đó nặng hơn bạn rất nhiều thì sao?
Câu trả lời không khó như bạn tưởng. Đầu tiên, hãy đặt nạn nhân đối diện trước mặt bạn, sau đó vòng tay họ ra sau vai mình.
Tiếp đến, bạn hãy cúi hoặc quỳ xuống để phần thân giữa người nạn nhân tì đúng lên vai bạn.
Cuối cùng, đứng thẳng dậy và cố gắng không chúi người về phía trước để tránh nguy cơ trượt ngã, vô tình gây tổn thương cả bạn lẫn nạn nhân.
Tạm kết: Đây là những kiến thức sinh tồn căn bản mà ai cũng cần phải biết. Thực tế trong cuộc sống, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ bản thân, cẩn thận trong từng hành động, suy nghĩ để tránh rơi vào những tai nạn đáng tiếc như trên.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Wikihow, Depts.Washington, Netdoctor, Mayoclinic...