Tìm hiểu hai loài cá "vừa xấu xí vừa quái dị"

Chuột Bi, Theo 00:00 22/10/2011

Đã bao giờ bạn nghe thấy thông tin về loài cá bé chuyên đi nuốt cá lớn và loài cá piranha có thể trò truyện với nhau???

Cá bé nuốt... cá lớn!

Tưởng chừng điều vô lý này không thể xảy ra nhưng đó lại là sự thật với loài cá kỳ lạ ở khu vực biển Ca-ri-bê.

Bác McPherson Wright, một ngư dân ở đảo Grand Cayman là người đầu tiên phát hiện ra cảnh tượng kinh hoàng: Con cá thu thân dẹt chết ngắc trong bụng một địch thủ có kích thước bằng 1/4 cơ thể của nó.


Hình ảnh con cá thu thân dẹt xấu số.

"Tôi không tin nổi vào mắt mình khi nhấc con cá lên khỏi mặt nước. Nó vừa mới chết, có lẽ là do bụng đã trương phềnh lên vì không thể tiêu hóa nổi"  - bác Wright nhớ lại khoảnh khắc lúc vớt được cái xác cá nhân chuyến đi câu ngoài bờ biển phía Nam đảo Grand Cayman.

Sự kiện khó tin này khiến bác Wright quyết định đem nó cho Ủy ban Bảo vệ Môi trường nghiên cứu. Sau đó, Ủy ban này đã nhờ đến sự giúp đỡ của Viện Hải dương học Harbor Branch, Mỹ.


Chuyên gia Tracey Sutton thuộc Viện Hải dương học Harbor Branch cho biết, loài cá săn mồi này có tên là Great Swallower, có nghĩa là “Kẻ nuốt chửng kinh hoàng” (Thật đúng như những gì nó thể hiện phải không các bạn?).

Loài cá săn mồi với hình dáng khá xấu xí này có bộ răng thưa và cơ hàm co giãn siêu khỏe. Thường ngụy trang dưới lớp nước sâu ở đáy đại dương thuộc vùng biển Ca-ri-bê, Great Swallower thực sự là kẻ thù đáng gờm của các loài cá có kích thước trung bình.

Các nhà nghiên cứu hải dương học cho biết, loài cá này có cấu tạo dạ dày đặc biệt như của loài trăn - có thể nuốt chửng con mồi to hơn kích thước cơ thể nó nhiều lần.



Nhưng cũng xin nói thêm, con cá Great Swallower được bác Wright tìm thấy ngoài biển phía Nam đảo Grand Cayman chỉ dài đúng 19cm, trong khi con mồi mà nó nuốt chửng vào bụng dài 86cm - tức là to hơn những 4 lần.

Phát hiện cá Piranha có thể trò chuyện với nhau


Chắc hẳn, các bạn đã biết đến loài cá piranha, loài cá ăn thịt nguy hiểm và hung hãn nhất thế giới. Loài cá này không chỉ được biết đến trong các chương trình thế giới động vật mà còn xuất hiện trong nhiều bộ phim kinh dị gần đây.

Nghiên cứu mới nhất cho thấy, loài cá xấu xí và đáng sợ này không chỉ có những cú cắn chết người mà còn có thể… trò chuyện với nhau. Sử dụng hệ thống ghi nhận âm thanh tí hon đặt trong bể cá, các nhà khoa học ở Anh đã thu được một tổ hợp âm thanh hết sức ấn tượng gồm những tiếng "đánh trống", tiếng “sủa gắt” và cả tiếng “rên rỉ”. Đằng sau mỗi một âm thanh này lại hàm chứa một thông điệp khác nhau.


Việc lắp đặt hệ thống ghi nhận âm thanh trong bể cá piranha đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra cách chúng "trò chuyện" với nhau.

Cũng giống như một số loài cá khác, piranha phát ra âm thanh bằng cách siết nhanh các cơ xung quanh bong bóng. Chúng thay đổi cao độ của âm thanh bằng cách thay đổi tần suất co cơ.


Cá piranha sẽ sử dụng cơ miệng tạo ra các bong bóng, chứa đựng thông tin giao tiếp.

Trong phần lớn thời gian, cá piranha di chuyển và săn mồi trong im lặng. Nhưng khi gặp phải rắc rối (chẳng hạn như giành thức ăn với con khác hay khi bị các nhà khoa học vớt lên để nghiên cứu), chúng sẽ phát ra tiếng “sủa gắt”.


Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng các loài động vật sử dụng sóng âm để giao tiếp và tán tỉnh “nửa kia” của mình, nhưng lại không hề hay biết về khả năng tạo âm phong phú của cá, cũng như không hiểu được ý nghĩa từ những âm thanh này.


Tiến sĩ Eric Parmentier thuộc Đại học Liege, Bỉ - một chuyên gia “phiên dịch” ngôn ngữ của các loài động vật - cho rằng: “Chúng sủa lên để cảnh báo về trận chiến sắp nổ ra. Chúng gây ra tiếng động dồn dập như tiếng trống khi đuổi theo con khác, rên rỉ khi cắn một con Piranha đồng loại”.

Cũng theo tiết lộ của tiến sĩ Parmentier, nghiên cứu về loài cá hung thần piranha là một trong những công trình khoa học nguy hiểm nhất. “Chúng tôi thường xuyên phải vào viện vì bị cá cắn. Ngón tay của một đồng nghiệp thậm chí còn suýt bị cắn đứt lìa”.


Cận cảnh hàm răng sát thủ của cá piranha.

Tiến sĩ Parmentier dự định trong giai đoạn sau của cuộc nghiên cứu, nhóm của ông sẽ “nghe lén” các cuộc trò chuyện của cá piranha trong đầm bởi quy mô của bể cá khá nhỏ. Nhiều khả năng, cá piranha sẽ “tích cực giao tiếp” nhiều hơn trong môi trường sống tự nhiên.