Với những người yêu mến điện ảnh, dường như
sự ra đi của nam diễn viên Robin Williams là một mất mát to lớn với họ. Qua điều tra, các cảnh sát nhận định rằng, ông đã
tự tử tại nhà riêng. Cuộc điều tra ban đầu cho thấy, trước khi mất, Robin Williams đã cố gắng để chữa căn bệnh trầm cảm nhưng cuối cùng ông không thành công.
Về mặt tâm lý, mỗi người trong chúng ta có ngưỡng cảm xúc khác nhau cũng như sức chịu đựng trước những biến cố. Tùy vào mức độ mà mỗi người có phản ứng về cảm xúc trước hành vi của mình. Và khi không thể chịu đựng được trước những áp lực tâm lý, nhiều người thường tìm đến con đường chết thông qua việc "tự tử".
Vậy liệu rằng tiến trình tâm lý của những người tự tử sẽ diễn ra như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đi tìm lời giải cho thắc mắc đó.
1. Rơi vào tuyệt vọng
Hầu hết những người có ý định tự tử đều có chất lượng cuộc sống cao hơn mức trung bình. Tỷ lệ tự tử ở những nước giàu cao hơn nước nghèo, hay nói cách khác những nước càng đề cao tự do cá nhân, càng phát triển thì có tỷ lệ tự tử cao. Một thống kê khác cũng chỉ ra, những người có học vấn cao, được nhiều người kì vọng thì rất dễ có nguy cơ tự sát.
Nguyên nhân được các nhà tâm lý học lý giải là do khi có cuộc sống quá đầy đủ, con người thường đặt ra những tiêu chuẩn quá mức về "hạnh phúc". Vì vậy, họ dễ dàng bị suy sụp khi gặp phải rắc rối không lường trước được.
Nhiều bằng chứng thực tế cho thấy, ý nghĩ tự tử xuất hiện do con người thất vọng trước hoàn cảnh, tình huống hiện tại không đúng như mình mong muốn... Sự nghèo khó không phải là yếu tố dẫn đến tự tử, nhưng sự tụt dốc từ cuộc sống giàu có bỗng chốc trở thành túng thiếu có thể tác động mạnh mẽ tới ý nghĩ tự sát.
Cũng giống như hầu hết các vụ tự tử trong tù hay bệnh viện tâm thần đều xảy ra trong vòng một tháng đầu đối tượng bị giam giữ. Thời gian này họ phải đấu tranh tâm lý kịch liệt để thích ứng với sự mất tự do.
Rõ ràng rằng, chính khoảng cách giữa kì vọng, tiêu chuẩn của con người và điều kiện thực tế là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến quá trình tự tử.
2. Tự trách bản thân
Không chỉ vì tuyệt vọng do rơi xuống từ đỉnh vinh quang mà có thể dẫn bạn tới tự sát, tự trách cứ bản thân cũng là một mẫu số quan trọng khiến bạn có hành động tiêu cực như vậy.
Những người có lòng tự trọng thấp thường hay chỉ trích người khác chứ không phải bản thân, vì vậy, những người có lòng tự trọng cao mới là đối tượng dễ tự vẫn.
Họ hay có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và sai lầm cho rằng, mọi người đều tốt trong khi chính họ lại chẳng ra gì. Cảm giác bất lực, sự tủi hổ, tội lỗi, hay cảm giác bị xâm phạm, nhục mạ và bị chối bỏ khiến những người tự tử chán ghét bản thân; từ đó tự đẩy mình ra khỏi xã hội.
Bản thân cảm thấy bị ghét bỏ, không còn có cơ hội được thay đổi sẽ làm cho tâm hồn dần mục ruỗng.
Đây chính là lý do tại sao những thanh niên hay người lớn thuộc giới tính thứ ba thường phải chịu đựng sự tẩy chay của xã hội - là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương và dẫn tới tự tử.
3. Tự ý thức cao về bản thân
Điểm cốt yếu của sự tự ý thức là so sánh bản thân với các tiêu chuẩn. Chính sự so sánh khắc nghiệt không ngừng với một "cái Tôi" tốt hơn (một "cái Tôi" trong quá khứ hạnh phúc hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn) đã đẩy con người ta càng gần đến với con đường tự sát.
Những ý nghĩ kích thích tiêu cực này thực chất có thể đo lường được, ít nhất là trực tiếp thông qua việc phân tích ngôn ngữ được sử dụng trong "thư tuyệt mệnh".
Edwin Shneidman - nhà tâm lý học nổi tiếng nghiên cứu về tự sát đã từng viết: "Con đường ngắn nhất để chúng ta có thể hiểu về tự sát không phải qua nghiên cứu cấu trúc bộ não, cũng không phải qua số liệu thống kê xã hội hay những căn bệnh thần kinh mà là trực tiếp qua chính cảm xúc được mô tả lại bằng từ ngữ của người đã tự vẫn".
Việc sử dụng chương trình phân tích để phân loại và đếm các loại từ ngữ mà người tự tử đã sử dụng được các nhà khoa học cho là có hiệu quả nhất. So với những bức thư tuyệt mệnh giả, những bức thư thật rõ ràng sử dụng đại từ ngôi thứ nhất số ít nhiều hơn, chứng tỏ sự tự ý thức cao về bản thân.
Và không giống như thư tuyệt mệnh của những người bị sát hại, những người tự tử rất hiếm khi sử dụng những từ ngữ chung chung như đại từ số nhiều "chúng tôi", "chúng ta".
Khi họ nhắc đến những người đặc biệt nào đó, sẽ thường là những người đã bị chia cắt, những người không hiểu họ hay bị họ chống đối. Bạn bè hay người thân, thậm chí cả người mẹ yêu dấu thường không được nhắc đến.
4. Ảnh hưởng tiêu cực
Nhiều người cho rằng, tự sát xảy ra do con người phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực trong một thời gian dài. Tuy nhiên, rõ ràng hầu hết những người phiền muộn không có ý định tự sát và không phải những người nào có ý định tự sát cũng đều bị trầm cảm.
Theo hầu hết những số liệu nghiên cứu về các loài động vật cho thấy chúng ta là giống loài duy nhất trên hành tinh có khả năng đánh giá, chỉ trích lẫn nhau mà có thể khiến đối phương tủi hổ đến mức tự vẫn.
Đây là hệ quả của quá trình tiến hóa "học thuyết suy nghĩ". Con người thường mải mê phân vân xem những người khác đang nghĩ gì, bao gồm cả những suy nghĩ của họ về bạn và có lẽ quan trọng hơn là những gì bạn đang nghĩ về chính bạn.
Một số nhà tâm lý học cho rằng, những người tự tử cảm thấy có lỗi và tìm kiếm sự trừng phạt cho lỗi lầm của mình. Nhưng một số người khác lại nghĩ, người có ý định tự tử có nghĩa là họ đã mất sự nhận thức về bản thân.
5. Suy giảm nhận thức
Bước thứ năm trong tâm lý dẫn đến tự tử là giai đoạn thể hiện rõ nhất sự khác biệt đến đáng sợ trong suy nghĩ của người tự tử.
Ở giai đoạn này, những thứ trong nhận thức của con người bắt đầu sụp đổ. Ví dụ, viễn cảnh thời gian của người tự tử thay đổi khiến cho thời khắc hiện tại dường như kéo dài vô tận. Đó là bởi họ cảm thấy vô cùng chán ghét và lo lắng về hiện tại (có thể là cả về tương lai).
Bằng chứng cho thấy những người tự tử thường thấy khó khăn khi nghĩ về tương lai. Họ lựa chọn cách dùng nỗi sợ cái chết để thoát khỏi những suy nghĩ đó. Đây là một cơ chế phản kháng tự động giúp cho con người có thể thoát khỏi sự nhận thức về suy nghĩ lỗi lầm trong quá khứ hay tương lai mờ mịt, tuyệt vọng.
6. Mất phản xạ có điều kiện
Đây là giai đoạn cuối cùng tách biệt ý định tự tử với hành động tự tử thật sự. Sự mất phản xạ có điều kiện xảy ra khi người ta vượt qua nỗi sợ hãi đặc biệt khi phải trải qua cái chết. Đây là một kết quả khác của sự suy giảm nhận thức.
Một nghiên cứu cho thấy, trong khi có rất nhiều người đã từng có suy nghĩ tự sát thì thực tế số lượng những vụ tự tử lại rất ít. Điều này chủ yếu là do ngoài mong muốn tự kết liễu, con người cần đạt được "năng lực" để tự sát, bao gồm: thoát khỏi nỗi sợ cái chết và tăng khả năng chịu đau.
Tiền sử chịu đựng nỗi đau thể chất cũng làm tăng khả năng dẫn đến tự sát. Một đứa trẻ từng phải chịu bạo lực gia đình hay bị lạm dụng tình dục có thể khiến nó quen dần với nỗi đau, tạo thành nhân tố giúp nạn nhân đối mặt với cái chết.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Scientific American, Livescience, Wikipedia...