Người Kalasha được biết đến là dân tộc có bộ DNA hiếm và độc đáo nhất thế giới, dù không mang DNA của người châu Âu, song với hình dáng bên ngoài, thật khó phân biệt họ với những người Nga, Pháp, Mỹ…
Người Kalasha thích đời sống đầy niềm vui và sự lạc quan.
Cộng đồng ngươi Kalasha có khoảng trên dưới 3.000 người, tương truyền, họ là hậu duệ của quân đội Alexandre Đại đế. Tuy vậy, những người Kalasha không hề thiện chiến, ngược lại, họ rất hòa bình, yêu đời và luôn vui vẻ, lạc quan.
Cuộc sống hàng ngày của người Kalasha theo phương thức “điền viên” và có sự phân công lao động rõ ràng. Nam giới phụ trách việc quản lí vật nuôi, họ thường mặc chiếc áo choàng dài của người Pakistan chăn dê núi. Trong khi đó, người phụ nữ, với trang phục truyền thống rực rỡ đầy màu sắc, chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình (gồm người già và trẻ em), vào rừng lấy củi, nấu nướng…
Sự thật là người Kalasha rất nghèo vì họ chủ yếu là những người nông dân. Dịch tả vẫn thường xuyên đe dọa cuộc sống của họ.
Những ngôi nhà của họ thường được làm từ thân cây bách hương xếp chồng lên nhau trên nền đá ong vững chắc, nằm rải rác ở sườn đồi dốc.
Trong làng của người Kalasha có một ngôi nhà gọi là “bashelini”, mỗi khi có người phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, họ sẽ được gửi đến ngôi nhà ấy và đợi bao giờ lấy lại sự “tinh khiết” thì sẽ được trở về nhà cùng chồng con.
Ngôi nhà "bashelini".
Người Kalasha rất “thoáng” trong quan niệm về tình yêu, hôn nhân, họ coi trọng tự do trong đời sống tình cảm cũng như đời sống tình dục. Họ có thể tự chọn chồng/vợ cho mình. Nếu như người chồng đối với vợ không tốt hoặc cả hai bên không thể hòa hợp được nữa, họ có thể ly hôn và ngay lập tức tìm đối tượng mới.
Điều này với người phương Tây không còn xa lạ nhưng đối với một đất nước với 95% là người Hồi giáo - nơi có những bộ luận được cho là vô cùng khắt khe và nghiêm khắc như Pakistan, quả thực quan niệm trên là một bước tiến đáng kể. Đây cũng chính là lý do khiến bộ tộc này được mệnh danh là bộ tộc hạnh phúc nhất Pakistan, theo chuyên trang du lịch CNNGo.
Mặc dù sống trong khu vực Hồi giáo chiếm đa số nhưng những người dân Kalasha không theo tôn giáo này, vì vậy lễ hội của họ cũng mang bản sắc rất khác so với các lễ hội ở Pakistan.
Những ngày nghỉ lễ tết là một phần không thể thiếu được trong đời sống của người Kalasha vì trong dịp này, các cô gái sẽ thể hiện những điệu hát, nhảy tập thể vô cùng hào hứng.
Một trong những hoạt động nhảy múa trong lễ hội Joshi kéo dài trong 3 ngày.
Lễ hội Joshi vào tháng 5 hàng năm là một trong những lễ hội lớn nhất của người Kalasha. Vào ngày này, phụ nữ cùng nhau hát hò, nhảy múa, trong khi đó, những người đàn ông sẽ đánh trống, thổi sáo, vỗ tay cổ vũ cho họ.
Nhảy múa cũng là một trong những cách chúc mừng của họ vào mỗi dịp lễ hay ngày kỉ niệm. Vào ngày lễ Chaumos, được tổ chức trong vòng 10 ngày liên tục ở thời điểm đông chí (giữa tháng 12), những người đàn ông trong làng sẽ làm bánh mì hình con dê.
Trong khi đó, người phụ nữ sẽ hát những ca khúc truyền thống ca ngợi thần Balomain. Người Kalasha tin rằng, những bài hát như là lời mời các vị thần linh ghé xuống ngôi làng và ban phước lành cho họ.
Dù còn nhiều khó khăn và nghèo đói vây quanh, cuộc sống của những người Kalasha vẫn tràn ngập tiếng cười và điệu nhảy.
Bạn có thể xem thêm: