Sự thật về việc thiên thạch khổng lồ sắp va chạm Trái đất

, Theo Trí Thức Trẻ 10:38 10/12/2014

Các chuyên gia NASA đã khẳng định, tiểu hành tinh 2014 UR116 khó có thể tiếp cận Trái đất, nếu có thì ít nhất cũng phải 150 năm nữa.

Vào ngày 27/10/2014, kính thiên văn của trường ĐH Moscow (Nga) đã phát hiện ra một tiểu hành tinh có khả năng va chạm vào Trái đất trong tương lai. Tiểu hành tinh này có tên gọi khoa học là 2014 UR116, đường kính khoảng 400m.

Sự thật về việc thiên thạch khổng lồ sắp va chạm Trái đất 1

Nếu vụ va chạm này xảy ra sẽ tạo nên vụ nổ mạnh lớn hơn 1.000 lần so với vụ nổ thiên thạch xảy ra ở Chelyabinsk vào năm 2013.

Vụ nổ thiên thạch ở thành phố Chelyabinsk của Nga hồi tháng 2/2013 được ước tính tương đương với 300 - 500 kiloton (1.000 tấn) chất nổ TNT. 

Tuy nhiên, đường kính của thiên thạch tại vụ nổ này chỉ là 17m, nhỏ hơn rất nhiều so với kích thước tiểu hành tinh 2014 UR116 này. Do đó, các chuyên gia cho rằng, nếu 2014 UR116 va chạm với Trái đất, một vụ nổ "kinh hoàng" sẽ xảy ra.

Tuy nhiên sau khi nghiên cứu, các chuyên gia của NASA cho biết, thiên thạch khổng lồ 2014 UR116 sẽ khó có thể tiếp cận Trái đất, nếu có thì ít nhất cũng phải 150 năm nữa.

Sự thật về việc thiên thạch khổng lồ sắp va chạm Trái đất 2

Để đưa ra được kết luận này, các chuyên gia dựa vào sự tính toán đường đi của 2014 UR116. Theo đó, quỹ đạo bay của 2014 UR116 có thể dao động do tiểu hành tinh này bay gần Sao Hỏa và Sao Kim nên lực hấp dẫn của các hành tinh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ đạo bay đó.

Vladimir Lipunov - giáo sư tại Đại học Quốc gia Moscow cho biết: "Thật khó có thể tính toán chính xác đường đi của 2014 UR 116 vì quỹ đạo bay của tiểu hành tinh này liên tục thay đổi bởi lực hấp dẫn của các hành tinh xung quanh. 

Chúng tôi luôn theo dõi thường xuyên hành tinh này bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ trong tính toán cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, với những tính toán này, tiểu hành tinh 2014 UR 116 khó có thể vượt qua được quỹ đạo Trái đất để có thể gây nguy hại cho chúng ta".

Nguồn: Telegraph