Sự "khai sinh" hố đen, kim cương hồng hiếm gặp

Mũm, Theo Mask Online 10:49 22/02/2012

Cùng các cập nhật: Lý giải vì sao da hổ có sọc, Google kỉ niệm ngày sinh nhật của nhà vật lý đại tài, hành tinh mới đầy nước...

Lý giải vì sao da hổ có sọc?


Lần đầu tiên các nhà khoa học đã tìm được bằng chứng thực tế cho lý thuyết mà nhà toán học nổi tiếng người Anh Alan Turing đưa ra 60 năm trước về cơ chế tạo nên những mô hình sinh học như các sọc trên lông hổ hay đốm trên da. Turing cho rằng những mô hình lặp lại trên da, lông động vật được tạo thành bởi một cặp tạo hình kết hợp với nhau như một chất hoạt hóa và một chất ức chế.


Để thử nghiệm lý thuyết này, các nhà nghiên cứu ở Đại học Hoàng gia London (Anh) đã nghiên cứu sự phát triển của vết gợn trên mũi chuột. Khi nghiên cứu trên tế bào phôi thai chuột, họ phát hiện một cặp tạo hình kết hợp với nhau để quyết định vị trí tạo thành các vệt gợn. Những hóa chất này kiểm soát hoạt động của nhau, kích hoạt và ức chế việc tạo ra mô hình các vết gợn.

(Nguồn tham khảo: Datviet)

Phát hiện mới về việc hình thành hố đen


Các nhà khoa học gần đây đã đưa ra tuyên bố rằng việc phát hiện ra một hố đen có kích thước trung bình được bao phủ bởi một nhóm các ngôi sao trẻ là bằng chứng cho thấy các hố đen đã từng “lang thang” trong các thiên hà khác.

Được phát hiện năm 2009, hố đen HLX-1 có kích thước gấp 20.000 lần Mặt trời, nằm ở vùng ngoại biên của thiên hà xoắn ốc ESO 243-49, cách trái đất 290 triệu năm ánh sáng. Đây là hố đen có kích cỡ trung bình lần đầu tiên được tìm thấy. Theo nghiên cứu được công bố tuần này, hố đen, được biết với cái tên HLX-1, được bao phủ trong một cụm sao trẻ, có độ tuổi ước tính thấp hơn 200 triệu năm tuổi. Các nhà khoa học tin rằng các cụm sao được hình thành là kết quả của một vụ va chạm giữa thiên hà lùn và thiên hà xoắn ốc ESO 243-49. Điều đó có nghĩa hố đen HLX-1 có thể đã từng là lõi của một thiên hà lùn.


Nghiên cứu này rất có ý nghĩa trong việc tìm hiểu về việc các thiên hà và các hố đen có kích cỡ siêu lớn, chẳng hạn như những hố đen nằm ở trung tâm của thiên hà Milky Way, được hình thành như thế nào. Theo Discovery, Mathieu Servillat, Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên, chúng tôi có bằng chứng về sự "khai sinh" của hố đen có kích thước trung bình này”.

Trong khi sự sụp đổ của những ngôi sao khổng lồ có thể hình thành các hố đen có kích cỡ gấp 10 lần Mặt trời, các nhà khoa học vẫn không chắc chắn được các hố đen có kích thước siêu lớn được hình thành như thế nào. Một trong những lý thuyết mà họ xây dựng lên là chúng được hình thành theo thời gian bằng cách sáp nhập với các hố đen nhỏ hơn và các hố đen có kích thước trung bình – như hố đen HLX-1.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Tìm thấy viên kim cương hồng hiếm gặp ở Australia


Được đặt tên là Argyle Pink Jubilee, viên kim cương thô khổng lồ (12,76 cara ) được nhà khai mỏ Rio Tinto tìm thấy ở khu vực Kimberley, miền Tây Australia. Những người tìm thấy viên kim cương đã phải mất 10 ngày để cắt gọt và đánh bóng nó. Đây được coi là viên đá quý lớn nhất từng được phát hiện ở đất nước giàu tài nguyên này.


Những viên kim cương hồng có chất lượng đặc biệt cao có thể được bán với giá hơn 1 triệu USD/cara. (khoảng 20,8 tỷ VNĐ). Điều này có nghĩa là viên kim cương có giá ít nhất 10 triệu USD (khoảng 208 tỷ VNĐ). Tuy nhiên, hiện tại, giá trị thực sự của viên kim cương vẫn chưa được công bố.

Trước đây, cũng có một viên kim cương màu hồng Williamson Pink, 24 cara được phát hiện tại Tanzania (năm 1947) và được xếp vào hàng những viên kim cương hồng sáng nhất hiện nay. Nó là viên kim cương lớn thứ 9 thế giới.
(Nguồn tham khảo: ABC)

Có một hành tinh đầy nước


BBC cho biết: một hành tinh bên ngoài Thái Dương Hệ tên là GJ 1214b có thể chứa nhiều nước hơn cả Trái đất vừa được phát hiện (khoảng tháng 12/2009). Nhưng thời điểm đó, họ chỉ biết nó lớn hơn địa cầu và nhỏ hơn sao Mộc. GJ 1214b nằm trong chòm sao Ophiuchus, cách trái đất 40 năm ánh sáng.


Zachory Berta (nhà nghiên cứu của trung tâm Vật lý thiên văn Smithsonina - Đại học Harvard, Mỹ) nói: "GJ 1214b không giống bất kỳ hành tinh nào mà chúng ta từng biết. Có thể một phần khá lớn trong vật chất của nó là nước".

Đường kính của GJ 1214b gấp 2,7 lần đường kính Trái đất, khối lượng gấp 7 lần khối lượng Trái đất. Nó xoay quanh một ngôi sao lùn đỏ ở khoảng cách chừng 2 triệu km. Với khoảng cách đó nhiệt độ bề mặt của hành tinh có thể lên tới 200 độ C.

Vào năm 2010, kết quả nghiên cứu bầu khí quyển GJ 1214b cho thấy bầu khí quyển của nó chứa một chất giống như hơi nước. Chất đó có thể là hơi nước hoặc một dạng khói mù.

GJ 1214b xoay quanh một ngôi sao lùn đỏ ở khoảng cách 2 triệu km.

Nhiệt độ quá cao và áp suất cực lớn của hành tinh này có thể dẫn tới sự hình thành của những dạng vật chất mà con người chưa từng biết như băng nóng và nước siêu lỏng. GJ 1214b có thể là đại diện của một kiểu hành tinh hoàn toàn mới đối với loài người.
 
(Nguồn tham khảo: BBC)

Kiến nhớ mùi của kẻ địch


Các chuyên gia Đại học Melbourne (Úc) đã theo dõi hành vi của một loài kiến nhiệt đới có tên khoa học là Oecophylla smaragdina, vốn làm tổ trên cây. Mỗi tổ có thể chứa 500.000 kiến thợ. Họ phát hiện khi một con kiến đánh nhau với kẻ xâm nhập từ tổ kiến khác, nó sẽ nhớ kỹ mùi của địch thủ và truyền lại cho tất cả thành viên còn lại của tổ, giống như một dạng “kiến thức tập thể”.


Theo báo cáo đăng trên chuyên san Naturwissenschaften, điều này giúp đồng đội của chúng ngay lập tức vạch mặt một con kiến khác từ phe đối thủ. Đối với nhiều loài kiến, hóa chất là điểm chủ chốt để chúng hoạt động như một xã hội. Côn trùng nhận dạng thành viên cùng tổ bằng các hóa chất đặc trưng bao phủ cơ thể chúng.

Theo nghiên cứu của Đại học Melbourne, điều này cho phép côn trùng có thể ngửi được bất cứ kẻ nào có ý định lăm le xâm nhập vào tổ chúng.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Google kỉ niệm ngày sinh nhật của nhà vật lý học đại tài Heinrich Rudolf Hertz


Heinrich Rudolf Hertz (22/2/1857 - 1/1-1894) là một nhà vật lý người Đức - người làm sáng tỏ và mở rộng lý thuyết điện từ của ánh sáng đã được đề ra bởi James Clerk Maxwell. Ông cũng là người đầu tiên chứng minh thỏa đáng sự tồn tại của sóng điện từ bằng cách chế tạo một thiết bị để phát và thu sóng vô tuyến VHF hay UHF.


Qua các cuộc thử nghiệm, ông đã chứng minh rằng sóng điện từ là sóng ngang và có thể truyền được trong chân không với tốc độ ánh sáng. Điều này đã được dự đoán bởi James Clerk Maxwell và Michael Faraday. Năm 1892, Hertz đã bắt đầu thử nghiệm và chứng minh rằng tia âm cực có thể xâm nhập lá kim loại rất mỏng (như nhôm). Philipp Lenard, một học sinh của Heinrich Hertz, đã tiếp tục những nghiên cứu về hiệu ứng tia sáng.

Năm 1892, Hertz được chẩn đoán nhiễm trùng và phải trải qua một số hoạt động để chữa trị các bệnh tật. Ông chết vì bệnh u hạt wegener ở tuổi 36 tại Bonn, Đức vào năm 1894 và được chôn cất tại Ohlsdorf, Hamburg tại nghĩa trang của người Do Thái.

(Nguồn tham khảo: Google, Wikipedia)


Dê thay đổi tiếng kêu theo môi trường


Cho đến hiện tại, các chuyên gia cho rằng phần lớn “tiếng nói” được quyết định bởi di truyền chứ không phải môi trường xung quanh. Những ngoại lệ được cho là chỉ giới hạn ở con người, voi, cá heo, cá voi và dơi. Một nhóm chuyên gia thuộc Đại học London đã thu âm tiếng be be của 4 nhóm dê con vào thời điểm chúng được 1 tuần tuổi và 5 tuần tuổi. Vào thời điểm 5 tuần tuổi, các con dê hình thành các nhóm xã hội với các con dê “đồng trang lứa” khác.


Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Animal Behaviour cho thấy, giọng kêu của dê thay đổi khi chúng di chuyển vào các bối cảnh xã hội khác nhau, qua đó bác bỏ nhận định rằng chất lượng tiếng nói và ngữ điệu hoàn toàn mang tính di truyền.

Trưởng nhóm nghiên cứu Elodie Briefer nói, “Điều này cho thấy những con dê con thay đổi tiếng kêu của chúng theo môi trường xung quanh và phát triển giọng kêu na ná nhau”. Khi được hỏi liệu điều này có xảy ra ở các loài động vật có vú khác hay không, bà Briefer không dám khẳng định chắc chắn. Nhưng bà tin rằng nếu các con dê thay đổi giọng kêu theo môi trường thì giọng kêu của các loài có vú khác cũng có thể bị môi trường tác động.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Tokyo có thể bị động đất lớn trong những năm tới


Thủ đô Tokyo của Nhật Bản và các vùng ngoại ô thành phố này được dự báo có nhiều khả năng phải hứng chịu động đất lớn trong vài năm tới.

Đài TNHK dẫn lời chuyên viên Shinichi Sakai của Đại học Tokyo cho biết: “Hoạt động của lớp vỏ Trái Đất đã tăng từ 6 đến 7 lần. Vào thời điểm này, chúng tôi dự đoán 98% sẽ có động đất (ở Tokyo) trong vòng 30 năm tới, còn trong vòng 4 năm tới thì khoảng 70%."



Các chuyên viên cũng dùng máy tính để tiên liệu nguy cơ thiệt hại của Tokyo khi có một trận động đất. Kết quả cho thấy nếu gặp động đất 7,3 độ, sẽ có khoảng 11.000 người chết và 850.000 nhà cửa bị phá hủy.

Trước những cảnh báo trên, chính quyền thành phố Tokyo đang tích cực chuẩn bị để đối phó và giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra.

Tại Công ty Shimizu, các chuyên viên đang nghiên cứu các công nghệ xây dựng tiên tiến để chống động đất, ví dụ như móng tòa nhà làm bằng chất cao su đặc để có thể chịu đựng sức lắc của động đất, hoặc cho tòa nhà nổi một phần trên mặt nước để giảm tác động của sức lắc.

(Nguồn tham khảo: TTXVN)