Cuộc sống công nghiệp hóa tại các nước đang phát triển vô tình tạo ra khoảng cách về sự phân hóa giàu nghèo ngày một lớn. Cùng khám phá cuộc sống của "một phần thế giới" tại những khu vực này ngay tại Thủ đô Jakarta của Indonesia và Thủ đô Hà Nội ở Việt Nam nhé!
Từ Jakarta, Indonesia...
Không khí bốc mùi ẩm mốc, rác thải bừa bãi sát đường tàu là những cảm nhận chung đầu tiên về khu ổ chuột lọt thỏm giữa một thành phố công nghiệp hiện đại. Đây là một khu dân cư tạm bợ, bất hợp pháp, là nơi cư trú chủ yếu của những người lao động tứ phương nghèo khổ không có nhà. Họ kiếm sống bằng việc lượm đồng nát, thu nhặt rác từ khu tái chế gần đường tàu Senen.
Hiểm họa tới hàng ngày với những chuyến xe lửa đi qua nhưng cuộc sống bấp bênh vẫn diễn ra tự nhiên. Giặt giũ, nấu ăn, phơi phóng, giải trí, chơi đùa ngay trên đường ray, tàu đến họ rời đi, tàu qua họ lại quay lại.
Theo thống kê của các nhà chức trách, có tới 70% lều ở đây là tự xây dựng từ tranh tre, vách nứa, đồ bỏ đi, trong đó hơn 32% không đủ diện tích tiêu chuẩn cho người sống (<7m2). Thêm vào đó, sự ô nhiễm rác thải, tiếng ồn, thiếu điều kiện y tế - giáo dục, tình trạng mất vệ sinh đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và tính mạng của không ít cư dân địa phương.
Tuy nhiên, một nghịch lý là những người sống nơi đây không mấy khó chịu về điều kiện sinh hoạt. Đơn giản là vì mức thu nhập của họ không đủ trang trải cho những chi phí điện, nước huống chi là nhà ở.
Sống ở đây, những đứa trẻ vẫn có thể hồn nhiên đùa nghịch, vui chơi với những gì mà chúng tìm được, các cụ già hàng ngày bày cờ đánh bên hành lang đường sắt, vài hộ dân tranh thủ buôn bán đồ cũ ngay trên nơi tàu hỏa đi qua... mà không biết mối nguy hiểm đang kề ngay bên cạnh.
Video "Chỉ có ở Jakarta" (Only in Jakarta) mang đến góc nhìn về xóm đường tàu nơi đây. (Nguồn: digunoa/Youtube).
… đến Hà Nội
Trở lại với thủ đô xinh đẹp của chúng ta, những đường tàu hỏa chạy ngang qua khu dân cư từ thời Pháp thuộc chắc không hề xa lạ gì với người Hà thành. Chúng hợp thành các “xóm đường tàu” nổi tiếng như ở phố Khâm Thiên, Điện Biên Phủ, Long Biên...
(Nguồn: Daumaytoaxe forum).
Đường tàu hỏa phải cách nhà dân từ 2,5 - 3m theo quy định nhưng một điểm chung tại các “xóm đường tàu” hầu hết nhà dân đều lấn chiếm ra sát đường ray, rất nguy hiểm.
(Nguồn: Daumaytoaxe forum).
Một điểm giống với ở Jakarta, sinh sống ở đây không chỉ là người Hà Nội mà còn có rất nhiều người tứ xứ. Họ là những người bán hàng rong, làm thuê, thợ hồ, đánh giầy... Dẫu vậy, chất lượng cuộc sống ở những nơi thế này có vẻ tốt hơn so với ở Jakarta mà chúng ta vừa tìm hiểu.
Ảnh một người phụ nữ đang chuẩn bị đồ nấu lẩu phục vụ hàng ăn trên phố Phùng Hưng. (Nguồn: Daumaytoaxe forum).
Cuộc sống tại các “xóm đường tàu” diễn ra không theo một giờ giấc nhất định. Đường ray gắn liền với họ như một thói quen, một nét không thể thiếu. Từ già, trẻ, lớn, bé ai ai cũng thuộc vanh vách giờ tàu chạy kiểu: “ngày 3, tối 7, lẻ đi, chẵn về”. Đôi khi với những thổ cư lâu năm ở đây, một ngày không được nghe tiếng tàu hỏa rú còi có lẽ thật khó chịu, thậm chí còn khó ăn, mất ngủ nữa.
(Nguồn: Afamily).
Mọi sinh hoạt, công việc làm ăn đều diễn ra ngay trên đường ray. Họ giặt giũ, phơi phóng sát đường tàu, bày đồ bán trên đường ray thậm chí có những người ngang nhiên đỗ dừng phương tiện chắn ngang đường sắt.
(Nguồn: Afamily).
Trẻ em sinh ra và lớn lên vẫn hồn nhiên đùa nghịch, vui chơi thật vô tư mà không hề hay biết sự nguy hiểm mà chúng phải đối mặt. Dù đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra do sự mất cảnh giác của người dân nhưng dường như, vì hoàn cảnh mưu sinh, họ vẫn phải chấp nhận “sống chung với lũ”.
Video "Xóm đường tàu" ở Hà Nội, Việt Nam. (Nguồn: kiemchacsu/Youtube).