Rắn đuôi chuông được coi là một trong những loài động vật độc nhất thế giới, là “hung thủ” gây nên rất nhiều trường hợp tử vong của con người. Rất khó để có thể tìm ra được kẻ thù tự nhiên của chúng. Nhưng chỉ cần đến với bang Texas vào một ngày mùa xuân nhất định trong năm, bạn sẽ phải suy nghĩ lại điều này bởi đây là nơi diễn ra sự kiện... thảm sát rắn đuôi chuông.
Đây thực chất là một lễ hội lớn diễn ra thường niên từ năm 1958, bao gồm một chuỗi các sự kiện là các cuộc thi, hội chợ, triển lãm thương mại và tất cả chúng đều liên quan đến rắn đuôi chuông. Mỗi năm, lễ hội đã thu hút khoảng 30.000 khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới. Kỉ lục được xác lập vào năm 2006 khi số lượng rắn đuôi chuông bị bắt để phục vụ cho lễ hội lên tới 1% dân số loài bò sát này trên toàn nước Mỹ. Kinh ngạc hơn, từ khi thành lập cho tới nay, sau hơn 54 năm, lễ hội này đã thu tổng cộng 136.000kg rắn đuôi chuông, tương đương khoảng 100.000 nghìn con rắn trưởng thành.
Kẻ săn mồi thường sử dụng khí gas lỏng để làm choáng váng và đánh bại những con rắn.
Sự dã man đối với loài vật này bắt đầu từ những khâu chuẩn bị của sự kiện. Các tay săn rắn chuyên nghiệp lùng sục khắp Trung và Tây Nam nước Mỹ để săn mồi. Họ sử dụng khí gas lỏng để làm choáng váng và đánh bại chúng. Tuy nhiên, loại chất này rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận sẽ gây chết rắn và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Lũ rắn bắt được bị cho vào các tải lớn, chật hẹp, đè lên nhau, không có thức ăn hay nước uống và được chở tới bán cho ban tổ chức. Với mỗi 5 USD (khoảng 105.000 VNĐ) cho một con rắn sống, đây sẽ là một khoản “kếch xù” dù cho có rất nhiều con đã chết trước khi được bán. Lũ rắn sống sót sẽ bị vứt vào một hố lớn, chờ đợi sự định đoạt số phận tại lễ hội sắp tới.
Một số con rắn được đem nhốt vào lồng để trưng bày cho mọi người tham quan.
Người trong hội chợ còn khuyến khích và chỉ cho du khách bao gồm cả người lớn và trẻ em cách cầm một con rắn mà không bị nó làm hại.
Tại lễ hội, rắn đuôi chuông trở thành trò tiêu khiển của tất cả du khách ở các hoạt động khác nhau. Một số con được đem nhốt vào lồng để trưng bày cho mọi người tham quan. Người ta còn khuyến khích và chỉ cho du khách bao gồm cả người lớn và trẻ em cách cầm một con rắn mà không bị nó làm hại.
Số khác sẽ được đem tới khu thu nọc độc công khai cho mọi người thưởng lãm. Tại đây, bằng kĩ thuật chuyên nghiệp, người ta ép răng nanh của loài rắn này tiết nọc độc ra và cho vào một cái lọ. Theo ban tổ chức, họ sẽ dùng nó để bán cho các hiệp hội nghiên cứu nhằm mục đích chế tạo vắc-xin chống lại nọc độc rắn. Tuy nhiên, theo Carl M.Barden - giám đốc phòng thí nghiệm nọc độc rắn ở Deland, Florida (Mỹ) cho biết, để có được nọc rắn hữu ích thì cần phải tiến hành lấy nọc trong điều kiện vô trùng và giữ lạnh ngay, trái ngược hẳn với cách mà người ta làm ở lễ hội.
Những con rắn bị treo dọc người lên...
... bị giết chết...
Những con rắn sau khi bị lấy nọc vì lí do không xác định thì bị chuyển tới một khu vực gọi nôm na là nơi chế biến. Tại đây, chúng bị treo dọc người lên, giết chết, lột da và lọc xương. Tại lễ hội, công việc này diễn ra ngay trước mắt người dân, thay vì lên tiếng phản đối sự dã man, nhiều người lại hiếu kì mà ủng hộ.
Da của những con rắn bị lột được sử dụng làm đồ lưu niệm như ví da hay thắt lưng bán ngay tại hội chợ, thịt được lọc đem nấu làm đồ ăn bán phục vụ du khách như một đặc sản. Theo Hội Nhân đạo địa phương khuyến cáo, thịt rắn nếu không được chế biến cẩn thận và sạch sẽ thì dễ nhiễm khuẩn salmonelia có hại cho cơ thể. Đặc biệt, người ta chặt đầu rắn đuôi chuông cho vào một cái lọ, đem làm vật phẩm bán cho những du khách thập phương đến từ xa nhằm thu lợi.
Da rắn được sử dụng làm ví, thắt lưng... bán ngay tại hội chợ.
Những chiếc đầu của rắn đuôi chuông cũng được đem ra để kinh doanh.
Hoạt động cuối cùng trong chuỗi sự kiện của lễ hội chính là cuộc thi Miss “rắn đuôi chuông”. Tiêu chí của cuộc thi này là những phụ nữ trẻ xinh đẹp và gan dạ, dám cầm nắm hay đùa giỡn với loài sinh vật độc bậc nhất thế giới này.
Miss "rắn đuôi chuông" năm 2009.
Có thể nói dù cho đây có là một hoạt động thường niên đem lại nhiều lợi nhuận đi chăng nữa thì xét theo phương diện môi trường và sinh thái, nó không khác gì một lễ hội thảm sát bừa bãi loài vật này.