Phương pháp đo tình yêu đích thực thời xưa

Việt Anh, Theo Mask Online 00:01 14/06/2012

Cận cảnh cách "đong đếm tình yêu" bằng những phương pháp kiểm tra lạ kì.

Tình yêu giống như một loại xổ số đặc biệt, không ai biết và dự đoán được nó sẽ diễn ra theo chiều hướng ra sao. Tuy nhiên, bản thân con người luôn nghĩ tới một tình yêu cao thượng, tình yêu thông minh và bền chặt mãi mãi thông qua hôn nhân. 

Ngay từ những năm đầu thế kỉ XX, các phương pháp đo lường kiểm tra sự phù hợp giữa hai người sắp cưới đã trở thành một đề tài cực kì nóng bỏng. Những "cỗ máy đo tình yêu" ra đời từ đó như một minh chứng cho khoa học giải mã thứ tình cảm phức tạp nhất của con người. 



Hiểu một cách đơn giản thì "cỗ máy đo tình yêu" chính là những thiết bị tiến hành kiểm tra giữa một cặp đôi sắp cưới hay đang yêu. Mục đích là thông qua kết quả của một loạt thí nghiệm này, nhà khoa học căn cứ vào đó để đưa ra câu trả lời xem đôi này có nên cưới nhau, liệu họ có hạnh phúc không? 

Tháng 4/1924, trên tạp chí Science and Invention, ông Hugo Gernsback đã đăng tải một bài báo tập hợp các phương pháp khoa học khác nhau giúp đo được mức độ “hợp” giữa hai người, nhằm xác định tương lai của một cuộc hôn nhân dưới góc độ khoa học thường thức.

1. Sức hấp dẫn

Bài thử nghiệm trước tiên liên quan tới sức hấp dẫn thể chất của cơ thể. Rõ ràng, sự hấp dẫn của một chàng đẹp trai hay một cô gái đẹp là không thể phủ nhận, cũng như đặc điểm sinh lý là yếu tố quyết định quan trọng trong sự duy trì một mối quan hệ lâu dài. Theo Gernsback, thí nghiệm của ông giúp ta kiểm chứng rõ nhất sự hợp nhau về cơ thể giữa hai con người ở mức độ nào. 


Để tiến hành, người ta quấn quanh ngực và cổ tay cả hai người những vòng dây có đầu ống cao su. Đây gọi là thiết bị đo lường sự phản ứng, ghi lại nhịp thở và quá trình hô hấp của hai người yêu nhau.

Về bản chất, khi một đôi hôn hoặc là ôm nhau, nhịp thở của họ sẽ tăng lên một cách đáng kể và biện pháp đo nhịp thở trên là cách để xác định được sự phù hợp đó. Nó đóng vai trò rất lớn cho sự thành công của cuộc sống trong tương lai: nếu hai người thấy quyến rũ thì thực sự họ sinh ra để dành cho nhau.

2. Mức độ cảm thông


Thí nghiệm thứ hai được Gernsback đưa ra là một bài kiểm tra mức độ cảm thông giữa hai đối tượng. Trong mô tả của ông, người phụ nữ sẽ được chứng kiến cảnh “người ấy” của mình bị chảy máu, hoặc đâm bị thương nhẹ vào cánh tay. Xung quanh cô gái vẫn sẽ được quấn quanh bởi các dụng cụ đo chuyên dụng. Nó sẽ cho biết phản ứng của cơ thể người phụ nữ ra sao khi chứng kiến sự việc. 

Nếu các cơ bắp co thắt đột ngột và nhịp thở nhanh lên bất thường thì chứng tỏ: giữa hai đối tượng có sự đồng cảm, tức là cô gái cũng thấy “đau” khi nhìn thấy người yêu mình bị thương. Họ sẽ có một mối quan hệ hôn nhân lâu dài và tốt đẹp. 

3. Mùi cơ thể


Mùi cơ thể cũng là một yếu tố được chú ý đến rất nhiều. Rất nhiều cuộc khảo sát đã cho kết quả, nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ không phải vì vợ chồng bất hòa mà lý do đơn giản vì mùi cơ thể của một trong hai người. Vì vậy, trước khi tiến tới đám cưới, các cặp đôi sẽ tham gia một trải nghiệm thú vị: một trong hai người sẽ đứng trong một bình kính có lỗ thông hơi phía trên dẫn tới mũi của người còn lại. 

Họ sẽ ngửi được mùi toàn cơ thể của nhau một cách thật nhất. Các dụng cụ đo phản ứng cơ thể và nhịp tim sẽ đưa ra câu trả lời chính xác về mức độ hợp giữa hai người. Nếu không quá cảm thấy khó chịu sau thí nghiệm thì đám cưới sắp tới sẽ mở ra một tương lai sáng cho cả hai. 

4. Áp lực cuộc sống gia đình



Cuộc sống gia đình bên cạnh niềm vui thì quả thật còn có rất nhiều áp lực. Điều quan trọng là một trong hai người phải bình tĩnh, tỉnh táo trong những tình huống bất ngờ. Bài test cuối cùng của Gernsback hướng tới việc kiểm tra mức độ chịu áp lực thần kinh và phản ứng của cặp vợ chồng sắp cưới ra sao. 

Cả hai sẽ ngồi đối diện nhau, trong khi vị giáo sư sẽ bắn những phát súng bất ngờ lên không trung. Quá trình phản ứng của hệ thần kinh hai người sẽ được ghi lại bằng dụng cụ đặc biệt. Căn cứ vào đó, trong trường hợp cả hai người đều bị giật mình thì thật đáng tiếc, họ sẽ khó chung sống với nhau trên góc độ khoa học được.