Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha

Gabby, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 16/06/2013

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, làm mẹ thật khó nhưng làm cha cũng chẳng hề dễ dàng…

Tình mẫu tử là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất đối với mỗi con người, được đề cập đến ở muôn mặt cuộc sống hàng ngàn năm nay. 

Còn tình phụ tử, tình cha con một tình cảm mạnh mẽ, lớn lao không kém lại chẳng mấy khi được người ta nhắc tới. Bạn có biết, hành trình để trở thành một người cha tốt đầy rẫy những khó khăn? 

Nhân Ngày của Cha - 16/6/2013 chúng ta cùng điểm lại một vài khó khăn mà các ông bố sẽ phải trải qua trong những năm đầu đời của bé.

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 1

Bắt đầu từ sự chuẩn bị sẵn sàng cho con ra đời…

Có một sự thật là không chỉ phụ nữ mắc phải trầm cảm sau khi sinh con mà người làm cha cũng như vậy. Trong một phân tích đăng ngày 19/5/2013 trên Tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ (JAMA), trong số 28.000 người đàn ông, có 10,4% mắc phải triệu chứng trầm cảm trong giai đoạn từ khi vợ có thai 3 tháng cho tới ngày sinh nhật đầu tiên của con mình. 

Đáng kinh ngạc hơn, thời điểm trầm cảm nặng nhất là từ 3-6 tháng sau khi con họ ra đời, số lượng lên tới 25,6%, cao hơn mức trung bình của người mẹ là 23,8%.

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 2

Bên cạnh đó, việc làm cha cũng đánh dấu sự thay đổi hormone ghê gớm trong cơ thể người đàn ông. Thử nghiệm sinh học được tiến hành bởi các chuyên gia Đại học Queen ở Ontario (Canada) cũng chứng minh điều ấy. 

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 3

Người ta tiến hành kiểm tra thường xuyên mẫu nước bọt của 2 nhóm đàn ông: một nhóm đã được học kỹ năng làm bố ba tháng và một nhóm thì không. Kết quả thu được cho thấy, lượng hormone testosterone ở nhóm được học giảm rất nhiều, trong khi cortisol (hormone căng thẳng) và estrogen (hormone tính nữ) tiết ra nhiều hơn so với nhóm chưa được học. 

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 4

Một thử nghiệm khác cũng tìm ra mối liên hệ có kết quả tương đương. Đó là có sự tồn tại một mối quan hệ giữa khoảng cách ngủ giữa cha và con với lượng hormone testosterone của họ. Theo đó, một người đàn ông ngủ càng gần con mình bao nhiêu thì lượng hormone testosterone trong cơ thể họ thấp hơn rất nhiều so với những ông bố ngủ xa con.

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 5

Điều này chứng tỏ, để trở thành một người cha tốt, phái mạnh phải chấp nhận sự điều tiết sinh học của cơ thể, hy sinh nội tiết tố sinh lực testosterone - cái ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của họ. Theo các chuyên gia, nguyên nhân nằm ở trách nhiệm khi làm cha.

Testosterone là hormone đặc trưng cho nam giới, tuy nhiên cũng là hormone căn nguyên của những hành vi kích động, thiếu kiểm soát. Muốn dạy con tốt, người cha phải kiềm chế và kiểm soát tốt những việc mình làm.

… tới sự hy sinh bản thân để nuôi nấng con cái

Ai cũng biết oxytocin là hormone tình mẹ, nhưng kì thực đây cũng chính là hormone tình cha. Theo một nghiên cứu tiến hành tại Đại học Bar - Ilan ở Israel, khi người cha vuốt ve con, trong cơ thể họ sản sinh ra một lượng oxytocin. Sự tăng lên của hormone này làm người cha cảm thấy gắn bó, thân thiết đặc biệt với con mình. 

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 6

Dường như cảm nhận được điều ấy nên trong chính cơ thể của đứa trẻ được vuốt ve, hormone oxytocin cũng được tiết ra. Đó cũng chính là lý do vì sao, dẫu tiếp xúc với con cái không nhiều bằng người mẹ, sự gắn kết giữa cha - con vẫn cực kỳ gần gũi. Như vậy, có thể nói rằng, oxytocin chính là “hormone tình cảm gia đình”.

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 7

Không giống như các bà mẹ, cách người cha dạy dỗ và ảnh hưởng tới con cái hoàn toàn khác. Điều quan trọng với họ là những khoảng thời gian có chất lượng chứ không phải việc gần gũi trong nhiều tiếng đồng hồ. 

Trong cuốn sách “Giới tính và cha mẹ: Quan điểm sinh học và xã hội học”, 4 yếu tố ở trẻ em chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cha mình là: cách kiểm soát cơ thể và cảm xúc, tham vọng, xu hướng tình dục và ý thức kỷ luật. 

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 8

Nhiều người thường nói “Cha nào con nấy”. Nhưng xét dưới khía cạnh khoa học, “cha nào, con gái ấy” mới thực sự chính xác. Một người cha có quan niệm bình đẳng giới tính sẽ thúc đẩy tối đa tham vọng của con gái mình. 

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 9

Các chuyên gia của Đại học Colombia cho biết, con gái của những ông bố đó phần lớn sẽ trở nên thành công trong sự nghiệp sau này. Đặc biệt, giữa cha và con gái tồn tại một hiện tượng, gọi là hiệu ứng “Ripple”. 

Nghiên cứu của Đại học Bristol (Anh) đã chứng minh rằng, một bé gái sống thiếu cha trong 5 năm đầu đời sẽ dễ bị tổn thương, đối mặt với trầm cảm và chấn thương tâm lý nhiều hơn bình thường ở tuổi vị thành niên.

Những hy sinh "chỉ khoa học mới biết" của Cha 10

Chưa hết, ít ai biết rằng khi người cha bị stress thì con cái cũng stress theo. Thử nghiệm của các chuyên gia Đại học Pennsylvania nhấn mạnh rằng, cách một người cha đối mặt với áp lực, stress như thế nào sẽ được di truyền cho con của họ qua cơ chế đặc biệt trong thụ tinh. 

Nếu người đàn ông thường xuyên sống trong áp lực, căng thẳng, sợ hãi, điều đó chắc chắn ảnh hưởng tới con cái của họ sau này, nguy hiểm có thể dẫn tới chứng rối loạn cảm xúc.

Ngày của Cha năm nay là 16/6/2013. Đây là dịp cả thế giới tôn vinh những người cha - trụ cột vững chắc trong gia đình. 

Thể hiện tình cảm với cha là một nét đẹp trong cách đối nhân xử thế. Đó cũng là cơ hội giúp chúng ta gắn kết tình cảm giữa những người thân trong gia đình với nhau, giúp mọi người thêm yêu thương và hiểu nhau hơn. 


* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Doublex science, Huffington Post, Livescience, Scientific America... 


Bạn có thể xem thêm: