Những biểu tượng rùng rợn không-thể-thiếu của Halloween

Hà Anh, Theo 00:00 26/10/2011

Bạn có biết nguồn gốc và ý nghĩa của mèo đen huyền bí, phù thủy độc ác hay chiếc vạc ma thuật không?

Halloween (hay Hallowe’en) là lễ hội mừng năm mới có bề dày lịch sử lên đến 2.000 năm của người Celt. Sau này, nó dần trở nên phổ biến ở nhiều nơi và trở thành lễ hội hóa trang của người Mỹ từ đầu những năm 1900.

Nhắc đến Halloween, chúng ta sẽ nhớ ngay đến đèn lồng bí đỏ, kẹo ngô, nhền nhện hoặc tập đoàn phù thủy… Trên thực tế, lễ hội này còn rất nhiều biểu tượng khác mà ngay sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu!

1. Mèo đen

Hình ảnh chú mèo đen huyền bí thường được dùng để trang trí rất nhiều trong ngày lễ Halloween. Bạn có biết vì sao không?

Vào thời Trung Cổ, khi việc săn phù thủy còn là một “công việc thời thượng”, chỉ cần tỏ ra một chút “khác người”, bạn có thể bị kết tội "tà giáo" và xử tử ngay lập tức. Những người phụ nữ cao tuổi, sống đơn độc thường bị kết tội phù thủy một cách rất oan ức. Và thú cưng của họ - thường là các chú mèo đen - cũng bắt đầu chịu tiếng oan từ đó.



Vào thời điểm này, người ta tin rằng mèo đen là hóa thân của quỷ Sa-tăng. Và cho đến tận ngày nay, mèo đen vẫn là biểu tượng của sự không may mắn ở nhiều nơi trên thế giới.

2. Dơi

Sau chú mèo đen, dơi cũng được coi là "bạn của quỷ" trong văn hóa dân gian thời Trung Cổ. Một truyền thuyết khác nói rằng, nếu một con dơi bay vào nhà bạn vào đêm Halloween thì chứng tỏ, chúng đã bị thu hút bởi những bóng ma trong nhà.



3. Nhện

Cùng với mèo đen và dơi, nhện cũng là một biểu tượng rất phổ biến trong ngày lễ Halloween, mang theo những truyền thuyết mê tín. Vào thời xa xưa, người ta tin rằng tập đoàn phù thủy luôn có mặt mỗi khi nhện bị con người đem thiêu.
 
Trong đêm Halloween, người ta còn đồn nhau rằng bạn sẽ thấy một người thân đã qua đời đang theo dõi mình nếu bắt gặp một con nhện.

 

4. Đèn lồng bí đỏ

Đằng sau chiếc đèn lồng ma quái này là câu chuyện về người nông dân say xỉn có tên là Jack. Ông này đã dám đùa với ác quỷ và bị ném ra khỏi thiên đường lẫn địa ngục khi qua đời.



Sau đó, Jack đã làm một chiếc đèn lồng từ củ cải, đốt nến bên trong để dẫn đường khi lang thang trong bóng tối. Vì vậy, người xưa tin rằng, nếu họ đặt đèn lồng bí đỏ ngoài cửa, những linh hồn lạc lối sẽ tìm thấy đường về nhà của họ trong ngày lễ Halloween.

Cũng có một truyền thuyết khác cho rằng, ban đầu, những chiếc đèn lồng được làm bằng củ cải khoét rỗng với những khuôn mặt đáng sợ để xua đuổi linh hồn ma quỷ, bảo vệ gia chủ. Tuy nhiên, do sự khan hiếm củ cải, người Mỹ đã sử dụng bí ngô để thay thế.


5. Phù thủy

Thời xưa, hình ảnh một bà già hốc hác với chiếc mũ nhọn, cộng thêm nốt sần to ở mũi, miệt mài khuấy vạc thuốc bắt nguồn từ hình tượng tôn giáo của người Celt vào ngày Halloween. Họ cho rằng đó là biểu tượng của sự khôn ngoan, sự thay đổi và chuyển mùa. 

Trải qua thời gian chiến tranh và giai đoạn "chống phù thủy" thời Trung Cổ, hình ảnh ấy đã biến đổi thành những mụ phù thủy đáng sợ.



6. Chiếc vạc

Có lẽ, chúng ta đã quen với hình ảnh những cô bé, cậu bé cầm chiếc vạc xinh xắn đi xin kẹo trong đêm Halloween. Lý giải cho hình ảnh chiếc vạc, những người Celt tin rằng sau khi chết, tất cả linh hồn đều đi vào chiếc vạc, tượng trưng cho tử cung của mẹ Trái đất. 

Họ cho rằng các linh hồn sẽ chờ đợi sự tái sinh ở đó. Khi những linh hồn mới đi vào vạc cũng là lúc các linh hồn cũ được tái sinh sau mỗi lần khuấy vạc của phù thủy.