Nhận biết và truy tìm tận gốc loài bọ xít hút máu người

Gabby, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/06/2014

Truy tìm gốc gác loài côn trùng đáng sợ - bọ xít hút máu người và cách phòng tránh.

Thời gian gần đây, người dân ở một số khu vực đang hoang mang trước thông tin về sự bùng phát của một loài bọ xít chuyên đi hút máu người. Theo những chuyên gia đầu ngành sinh học, loài bọ xít này đang có xu hướng sinh sôi và phát triển rất nhanh, có nguy cơ gây nguy hiểm tới sinh hoạt hàng ngày của người dân. 

Cùng tìm hiểu gốc gác tường tận của loài côn trùng đáng sợ này cũng như cách phòng tránh sự tấn công của bọ xít hút máu người qua bài viết dưới đây.
 
 
Dưới góc nhìn khoa học, bọ xít hút máu thuộc chi Triatominae, họ Reduviidae, còn được gọi là “assassin bug” - tức bọ sát thủ. Thức ăn của loài này vốn là máu của động vật có xương sống, trong đó có cả con người. Người đầu tiên phát hiện ra sự tồn tại của loài này và đưa ra cảnh báo chính là Charles Darwin năm 1835.



Bọ xít hút máu người rất dễ nhận biết so với các loài bọ xít thông thường. Loài này màu nâu sẫm, dài từ 1 - 3,5cm tùy thuộc vào còn non hay trưởng thành. Phần bụng của bọ xít hút máu dẹp, có sọc vàng cam ở rìa thân. 

Bọ xít hút máu người có vòi ngắn, cong, chia làm 3 đốt rất khỏe. Đây chính là thứ vũ khí mà loài bọ xít này dùng để chích và hút máu con mồi.

Bọ xít hút máu phát triển mạnh mẽ vào mùa hè. Những nơi ẩm thấp, tối tăm và bẩn thỉu là "thiên đường" đối với chúng. Theo các chuyên gia, loài này thường trú ngụ ở dưới giường, đệm, tủ, các khe nứt, tối trong nhà. 

Thông thường, bọ xít hút máu hoạt động chủ yếu vào ban đêm (1-3 giờ sáng) và bị thu hút đặc biệt bởi mùi amoniac, axit cacboxylic từ da, tóc hay mồ hôi động vật.



 


Một đặc điểm khác là loài côn trùng này sinh sản vào mùa hạ. Chúng đẻ trứng trên thành giường, tủ, dưới các đống gỗ hay ở khu vực ẩm thấp, tối tăm. 

Trứng bọ xít hút máu nhỏ, màu trắng ngà hay hồng nhạt, kích thước khoảng 1 - 1,5mm. Mỗi lứa, bọ xít cái đẻ 150 - 200 trứng. Sau khoảng 16 - 18 ngày, trứng sẽ nở ra bọ xít non. Nếu để một con bọ xít cái trong nhà khoảng 20 ngày, nơi đó sẽ trở thành ổ bọ xít với hàng trăm con.
 


 
 
Khi tiếp cận con mồi, trong đó có người, bọ xít hút máu dùng hai chân trước rất khỏe bám chặt vào da, đâm vòi và đồng thời tiết dịch nước bọt gây tê lên đối tượng. Bọ xít thường hút máu ở mặt sau cánh tay, trong tư thế treo lơ lửng nên rất khó để phát hiện. Thời gian hút máu của loài này là từ 14 -15 phút.


 

Vết đốt của bọ xít hút máu người.

Thông thường, bọ xít hút máu không gây quá nhiều nguy hiểm cho người bị đốt, chủ yếu là nổi nốt ngứa sau vài ngày thì lặn mất. Tuy nhiên, hy hữu vài trường hợp nạn nhân bị đốt thấy đau dữ dội, buồn nôn, ớn lạnh, sau đó sốc phản vệ và có thể dẫn tới tử vong. 


Đồng thời, phân của bọ xít hút máu người cũng chứa ký sinh trùng gây bệnh Chagas.

Ký sinh trùng gây bệnh Chagas dưới kính hiển vi.

Ngoài ra, loài này còn có thể là trung gian truyền ký sinh trùng gây Chagas - căn bệnh giết chết 30.000 - 50.000 người mỗi năm. Ký sinh trùng bệnh này có thể tồn tại trong cơ thể hàng chục năm rồi đột ngột tái phát, gây ra những bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và tim mạch.



 
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị những vết đốt của bọ xít hút máu. Cách tốt nhất khi bị đốt là nhanh chóng rửa sạch vết thương bằng xà phòng nhằm trung hòa axit do bọ xít tiết ra rồi đi tới trung tâm da liễu. 

Đặc biệt, tuyệt đối không nên đánh hay giết chết loài này bằng tay không bởi việc này có thể khiến cơ thể bạn vô tình nhiễm ký sinh trùng trong phân bọ xít mà không hề hay biết.

  

Để phòng tránh sự tấn công của bọ xít hút máu, phải thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa khô ráo, sạch sẽ. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng hóa chất như Fendona 10SC, ICON 10 WP để tiêu diệt bọ xít và ổ trứng của chúng. Đặc biệt, khi đi ngủ cần mắc màn cẩn thận để tránh sự xâm nhập của bọ xít.
 
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Saguaro Juniper, LHU, Neurosci, Wikipedia...