Ngắm robot "đồng bóng" thời xa xưa

Hồng Đức, Theo Mask Online 00:00 03/03/2012

Gọi là "đồng bóng" vì chúng quá rườm rà nhưng lại là tiền đề cho những bộ máy tự động hóa tuyệt vời...

Có thể nói, khoa học công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt, góp phần thay đổi cuộc sống loài người ngày càng hiện đại và tiện nghi hơn. Có một điều chúng ta nên biết, là loài người đã phát minh ra những thứ tương tự từ nhiều thế kỷ trước đó. Điều này đã được thể hiện qua những phát minh từ thế kỷ 15 tới các tiến bộ trong cách mạng công nghiệp ở Anh dưới thời đại nữ hoàng Victoria (từ cuối thế kỷ 18 tới đầu thế kỷ 20).

Dưới đây là vài ví dụ thú vị về những chú robot và người máy đầu tiên với kỹ thuật tuyệt vời:

Leonardo da Vinci nổi tiếng vì những phát minh đi trước thời đại hàng thế kỷ, vì thế, không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta biết rằng, ông đã từng nghiên cứu về robot tự động. Những chú robot của Leonardo da Vinci được thiết kế từ những năm 1495. Đến tận năm 1950, các nhà khoa học mới phát hiện ra cuốn sổ phác thảo mà ông ghi tỉ mỉ những chi tiết kĩ thuật trong đó. Không biết Leonardo đã thử chế tạo chưa nhưng những phiên bản sau này dựa theo thiết kế của ông thực sự đã hoạt động, nó có thể tái hiện lại một số chuyển động của người.


Vào năm 1543 tại Anh, nhà toán học kiêm chiêm tinh học nổi tiếng John Dee đã thiết kế một con bọ cánh cứng bằng gỗ (wooden beetle) có thể bay được. Sau này, xưởng Noble sản xuất thành công phiên bản hiện đại của bọ cơ khí.


Một thiết bị tinh xảo khác từ Đức được chế tạo năm 1620 - Diana và con nai (Diana and the Stag). Tác phẩm này có thể được tìm thấy ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Con nai có cơ thể rỗng, có thể nhấc đầu và dùng làm cốc. Khi dùng làm cốc, một cơ chế vận hành khiến con nai chạy trên bánh xe được giấu bên trong.


Con rối gỗ này đến từ Đức, có từ giữa thế kỷ 16. Nó được tạo hình mô phỏng theo vị mục sư với thiết kế gồm một đòn bẩy bên trong và một cơ chế vận hành cho các khớp nối (ảnh trái). Cùng thời này, búp bê chơi nhạc tự động mô phỏng một người phụ nữ Italia cũng đã ra đời (ảnh bên phải).


Nghệ thuật chế tạo người và động vật cơ khí đã tạo nên sự phát triển vượt bậc của Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Enlightenment) vào thế kỷ 18. Jacques Vaucason đã chế tạo rất nhiều sản phẩm, như robot người chơi nhạc vào năm 1738 và chú vịt đáng yêu vào năm 1739. Chú vịt bằng đồng mạ vàng này có thể ngồi, đứng, quẫy nước, kêu quàng quạc, thập chí có thể gây ngạc nhiên bởi việc ăn và tiêu hóa.


Cũng trong thế kỷ 18, Pierre Jaquet-Doz chế tạo 3 thiết bị tự động được coi là kỳ diệu đối với khoa học ngày nay, bao gồm “nhà văn”, “ người phác họa” và “nhạc công”. “Người phác họa” có thể vẽ được 4 hình ảnh khác nhau, trong khi “nhà văn” có thể chấm bút vào mực và viết 40 chữ cái. Còn “nhạc công” có thể chơi được đàn organ và cúi chào khán giả khi kết thúc màn trình diễn.


“Người Turk” - còn được biết đến là thiết bị chơi cờ vua tự động. Nó được phát minh vào năm 1770 bởi Wolfgang von Kempelen. Phát minh này đã từng đánh bại rất nhiều đối thủ như Benjamin Franklin hay Napoleon Bonaparte. Các cánh tay cơ khí sẽ dịch chuyển quân cờ. Ngoài ra, các cánh cửa bên hông có thể cho thấy được những bánh răng và máy móc có cấu tạo phức tạp. Tuy nhiên, thiết bị này đã bị lật tẩy, đây chỉ là một trò chơi dối trá vì có một người tàn tật ngồi bên trong điều khiển các quân cờ. Thậm chí, có cả ghế trượt để người ngồi trong dễ ẩn mình khi các cánh cửa được mở ra.


Búp bê chơi nhạc Joueuse de Tympanon được chế tạo vào năm 1772 để trình diễn trước nữ hoàng Pháp Marie Antoinette lúc bấy giờ. Sau đó, nó được Robert Houdin - một nhà phát minh, chế tạo đồng hồ nổi tiếng phục hồi vào năm 1864.


Thiết bị cơ khí bằng gỗ ở trên có từ năm 1790 và từng thuộc về người cai trị thành phố Mysore, Ấn Độ - Tipu Sultan. Nó bao gồm một cơ quan thu nhỏ, diễn tả cảnh con hổ gầm gừ tấn công người lính châu Âu.


Vào năm 1805, Henri Maillardet chế tạo người máy có thể viết, minh họa một số câu thơ bằng 2 thứ tiếng: Anh và Pháp. Vào thế kỷ sau đó, năm 1928, người máy của Henry đã được Viện Franklin Philadelphia (Mĩ) mua lại, dù vào thời điểm đó, lịch sử của nó chưa được xác nhận. Tuy nhiên, bí ẩn đã được giải đáp khi người máy được sửa chữa và trình diễn lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, nó đã viết nên dòng chữ: “Người máy tự động của Mailardet”.


L’Oiseleur (người huấn luyện chim), búp bê tự động đắt nhất thế giới, có giá 6,25 triệu USD (khoảng 125,5 tỷ VNĐ), được phát minh vào khoảng năm 1850.


Người máy chạy bằng hơi nước này có kích thước như một người bình thường. Nó được chế tạo vào năm 1893 bởi một người Canada - George Moore, nó có thể đạt tốc độ khoảng 9 dặm/h (khoảng 15km/h).


Giữa thế kỷ 19, Joseph Faber đã phát triển Euphonia - chiếc máy có thể bắt chước tiếng nói. Bằng tiếng Anh giọng Đức, nó có thể đọc bảng chữ cái, hát, huýt sáo, cười, thậm chí có thể nói: “How do you do, ladies and gentlemen”. Nhiều người nghi ngờ Faber nhưng khi kiểm tra chiếc máy này, họ đều bị thuyết phục vì không có mánh khóe nào ở đây cả.


Người máy "Electric Man" được chế tạo bởi Louis Philip Perew và được giới thiệu trên tạp chí Strand của London năm 1900. Người máy này có thể bước đi một cách trơn tru và hầu như không có tiếng động, được vận hành nhờ pin điện.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày