Lý giải hiện tượng sóng biển phát sáng màu xanh

Việt Anh, Theo Mask Online 00:00 23/03/2012
Chia sẻ

Màu nước biển xanh dạ quang trào lên qua từng đợt sóng xô vào bờ cát. Tại sao lại vậy nhỉ?

Phát quang có lẽ là hiện tượng không mấy xa lạ với tất cả mọi người. Nếu như ma trơi là hiện tượng lân quang phát ra bởi khí photpho dày đặc tại các nghĩa địa thì làn sóng xanh biết... phát sáng lại chính là hiện tượng phát quang dưới biển mà chúng ta dễ dàng quan sát thấy khi đêm về. Chúng mình cùng tìm hiểu và khám phá sự thật thú vị về điều kì diệu này nhé!


Đầu tiên phải khẳng định rằng, nước biển cũng giống như nước bình thường, hoàn toàn trong suốt, không có màu. Màu nước biển mà ta nhìn thấy ban ngày thực chất ra đó là sự phản chiếu ánh sáng Mặt trời tạo thành mà thôi. Còn vào ban đêm, thay vì phần lớn màu đen, ở một số địa điểm cụ thể trên Trái đất, du khách sẽ được chiêm ngưỡng màu nước biển xanh dạ quang trào lên qua từng đợt sóng xô vào bờ cát. Đây chính là hiện tượng làn sóng phát dạ quang xanh.


Clip ghi lại hiện tượng thiên nhiên đặc biệt này.



Các nhà khoa học cho biết, nguyên nhân của hiện tượng này là do sự phát quang của một số loại sinh vật phù du sống lơ lửng trong nước biển gây ra. Theo chuyên gia hải dương học Hastings, thuộc Đại học Havard (Mỹ), loài sinh vật phù du gây ra hiện tượng trên được cho là loài tảo biển. Loài tảo biển này ban ngày phát ra ánh sáng màu đỏ và cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ khi chúng nở hoa rầm rộ với số lượng lớn. Ban đêm, chúng lại phát ra ánh sáng neon màu xanh, chuyển động trong nước biển và gây ra hiện tượng nêu trên. Đồng thời, do số lượng cá thể đông, một số bị trôi dạt vào bờ nên tạo thành một bãi cát màu xanh phát sáng tuyệt đẹp trong đêm.



Đến nay, khả năng phát dạ quang của loài tảo nổi trên vẫn chưa có lời giải đáp hoàn toàn cặn kẽ. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất cho hay, người ta đã phát hiện ra một chất đặc biệt trên màng tế bào của sinh vật phù du này. Chất này có phản ứng hóa sinh đặc biệt và nhạy cảm với tín hiệu điện, có thể đây chính là nguyên nhân gây phát sáng. Các nhà khoa học thuộc Đại học Rush ở Chicago đã khẳng định, loài tảo này có đầy đủ các yếu tố để kích hoạt sự phát sáng. Nó cho phép các proton mang điện tích dương đi qua, xung điện, sau đó lan truyền khắp các proton bên trong, kích hoạt các phản ứng hóa học. Cuối cùng, nó kích hoạt một protein có tên luciferase nhằm sản xuất ra ánh sáng dạ quang neon màu xanh.



Tuy nhiên có một điều kì lạ là loài tảo nổi này lại chỉ phát được dạ quang trong môi trường nước mặn còn trong các ao hồ thì mọi thí nghiệm liên quan đều thất bại.


Ngoài ra, cũng có một số dòng tảo phát sáng có thể gây độc hại cho cơ thể con người và sinh vật như cá… Nguyên nhân là bởi trong quá trình phát dạ quang, có vẻ như chính những loài trên đã thải ra một số chất độc đủ để gây nhiễm độc cho cá trên diện rộng.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày