Kiến làm "siêu mẫu", nghiên cứu hít không khí cũng... tăng cân

Lê Giang, Theo Mask Online 11:19 19/03/2012

Cùng các cập nhật: 3,6 triệu người sẽ chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm, khám phá sự tồn tại của màu hồng, sản xuất điện bằng ốc sên...

3,6 triệu người sẽ chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố Nghiên cứu về Triển vọng Môi trường Toàn cầu đến năm 2050. Theo đó, nếu không có sự cải thiện so với hiện nay, ô nhiễm không khí đô thị sẽ trở thành "sát thủ toàn cầu", khi nó có thể giết chết khoảng 3,6 triệu người mỗi năm trên thế giới.



Theo báo cáo, nồng độ ô nhiễm không khí ở một số thành phố, đặc biệt là ở châu Á, đã vượt xa mức an toàn của Tổ chức Y tế thế giới. Đến năm 2050, số vụ tử vong từ tiếp xúc các hạt vật chất được dự báo sẽ tăng gấp đôi mức hiện nay và hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Về chất lượng không khí, Việt Nam là một trong 10 nước có không khí đô thị bẩn nhất thế giới, theo một nghiên cứu của các trường đại học Mỹ, công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng trước. Ô nhiễm bụi nhỏ trong không khí, gây ra bởi giao thông và xây dựng đô thị, là vấn đề nghiêm trọng hiện nay.

Nghiên cứu Triển vọng Môi trường Toàn cầu đề cập tới bốn lĩnh vực chính được quan tâm nhất như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, nước, và những tác động của ô nhiễm đến sức khỏe. Nhu cầu sử dụng nước cũng có thể tăng hơn một nửa. Đến năm 2050 là 40%, nhiều khu vực trên thế giới có khả năng gặp tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

(Nguồn tham khảo: Huffington Post)

Lịch sử tiến hóa dữ dội của Mặt trăng


Nhân kỷ niệm 1.000 ngày tàu thăm dò Lunar Reconnaisssance Orbiter (LRO) bay vào quỹ đạo của Mặt trăng, NASA đã công bố video giúp chúng ta hiểu được tại sao bề mặt hành tinh này có màu xám và nhiều vết lõm như ngày nay. NASA cho biết, "Từ năm này qua năm khác, Mặt trăng dường như không thay đổi. Các hố và cấu trúc địa chất khác dường như là vĩnh cửu ", "Nhưng thực tế Mặt trăng không luôn luôn như vậy. Nhờ tàu thăm dò LRO, chúng ta có một cái nhìn rõ hơn về lịch sử tiến hóa của Mặt trăng."


Mặt trăng được cho là hình thành từ khi một hành tinh có kích thước bằng sao Hỏa, đâm vào Trái đất của chúng ta cách đây 4,5 triệu năm, tạo ra hàng tỷ tấn vật chất nóng trong vũ trụ và hình thành nên Mặt trăng có quỹ đạo quay quanh Trái đất. Kể từ đó, bề mặt của Mặt trăng thường xuyên bị bắn phá bởi các thiên thạch, tạo ra những hố lớn nhỏ khác nhau trên bề mặt của nó. Trong video mô phỏng của NASA, chúng ta có thể thấy các thiên thạch bay với tốc độ rất nhanh và gây ra một vùng ảnh hưởng rộng trên bề mặt của Mặt trăng.

Tàu thăm dò LRO của NASA được phóng lên quỹ đạo của Mặt trăng ngày 18/6/2009, với sứ mệnh thu thập dữ liệu môi trường của Mặt trăng nhằm giúp phi hành gia chuẩn bị cho nhiệm vụ thám hiểm vệ tinh này trong thời gian dài. Đầu năm nay, NASA cũng đã phóng 2 tàu thăm dò Grail để thực hiện sứ mệnh vẽ bản đồ “bên trong” Mặt trăng bằng cách đo trọng lực của nó.


(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Sản xuất điện bằng ốc sên


Evgeny Katz - giáo sư hóa học của Đại học Clarkson (Mỹ) cùng các đồng nghiệp dùng giấy Bucky - một vật liệu có khả năng dẫn điện được tạo nên từ những ống nano carbon để chế tạo các điện cực siêu nhỏ. Với sự tác động của một số enzyme nhất định, các điện cực có thể tạo ra điện bằng cách sử dụng đường glucose và oxy trong máu của ốc sên. Sau đó, nhóm nghiên cứu cấy các điện cực vào cơ thể ốc sên và với sự hiện diện của các điện cực, ốc sên có thể bò khắp mọi nơi và sống bình thường trong khi vẫn sản xuất điện.


Katz chia sẻ, "Con ốc sên của chúng tôi sống được vài tháng sau khi chúng tôi cấy điện cực vào cơ thể nó. Trong khoảng thời gian ấy nó thực hiện mọi hành vi như bò, ăn, uống". Tuy nhiên, lượng điện mà ốc sên sản xuất nhỏ hơn rất nhiều so với một quả pin AAA. Song, nhóm của Katz hy vọng lượng điện sẽ tăng trong các thử nghiệm sắp tới.

Đây là lần đầu tiên giới khoa học chứng minh được rằng cơ thể động vật sống có thể tạo ra điện một cách bền vững trong vài tháng. Nếu những con ốc sên có thể sản xuất lượng điện đủ lớn để vận hành những thiết bị điện tử nhỏ xíu, chúng có thể mang theo cảm biến, máy dò để ngăn chặn những âm mưu khủng bố. Như vậy, ốc sên vừa là pin sống, vừa là "tai" và "mắt" của lực lượng an ninh.

(Nguồn tham khảo: Innovation News Daily)

Chỉ hít không khí cũng tăng cân?


Một nhóm chuyên gia Đan Mạch vừa đưa ra giả thuyết rằng, tỷ lệ gia tăng số người béo phì ở Đan Mạch cũng gần tương đương với tỷ lệ gia tăng carbon dioxide trong khí quyển.

Lars-Georg Hersoug của Đại học Glostrup (Đan Mạch) đã nghiên cứu cân nặng của cả người thừa cân lẫn người gầy trong suốt 22 năm. Ông đã loay hoay suốt thời gian dài đi tìm lời giải thích cho việc ngay cả người gầy cũng bị tăng cân. Ông chia sẻ: “Theo lý thuyết thông thường, những người béo sẽ ngày càng béo hơn vì họ lười vận động. Nhưng thực tế cho thấy, ngay cả người gầy cũng béo lên và đó là một hiện tượng phổ biến trong một thời gian dài”.


Khi xem xét đến các yếu tố khác có thể tác động, Hersoug nhận thấy nồng độ CO2 trong không khí cũng có liên quan đến việc tăng cân. Ông tin rằng, orexin, một loại hormone có trong não và kiểm soát việc tiêu hao năng lượng, có thể cũng chịu ảnh hưởng của CO2. Bằng chứng được Hersoud đưa ra là tỷ lệ béo phì tại Mỹ tăng đột biến trong giai đoạn 1986-2010 ở khu bờ Đông - nơi có nồng độ CO2 cao nhất nước này. Một nghiên cứu năm 2010 đối với 20.000 con vật trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy, chúng đều tăng cân, dù sinh sống trong điều kiện bị kiểm soát chặt chẽ.

Và để kiểm chứng giả thuyết của mình, Hersoud đã tiến hành một nghiên cứu thí điểm tại trường Đại học: 6 sinh viên được bố trí ở trong những căn phòng có “không khí đặc biệt” và một số sinh viên khác phải ở trong những căn phòng có lượng khí CO2 cao. Bảy tiếng sau, họ được phép ăn bao nhiêu tùy thích. Kết quả cho thấy, nhóm sinh viên số 2 sẽ ăn lượng thức ăn nhiều hơn 6% so với nhóm đầu.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Màu hồng liệu có thực sự tồn tại?


Màu hồng vốn là màu của sự nữ tính, mùa xuân và sự lãng mạn. Song, các nhà khoa học hiện đang tranh cãi rằng màu hồng thực ra không tồn tại mà chỉ là sản phẩm của trí não con người.


Một giả thuyết được đưa ra, màu hồng là sự kết hợp của màu đỏ và màu tím, 2 màu nằm ở 2 đầu cực của phổ màu nếu bạn nhìn vào một cầu vồng. Vì vậy, trong tự nhiên không thể tồn tại màu hồng nếu không uốn cong cầu vồng để hai màu đỏ và tím hòa vào nhau. Hơn thế, màu sắc là sản phẩm cấu thành bởi mắt và não người, khi bạn nhìn vào một vật thể màu hồng thì thực ra bạn chẳng nhìn thấy bước sóng nào là bước sóng hồng của ánh sáng cả.

Tuy nhiên, giáo sư Jill Morton tại Đại học Hawaii (Mỹ) - người từng làm cố vấn cho 2 hãng máy ảnh Xerox và Kodak, cùng với những người khác không đồng ý với giả thuyết trên. Bà lập luận rằng, “Tất nhiên màu hồng là một màu sắc, nhưng màu hồng thực ra không có quang phổ. Nó là một màu nằm ngoài quang phổ và nó là một màu sắc phải được pha trộn mà thành". “Đúng là về mặt kỹ thuật thì tự nhiên không tạo ra được màu hồng trong những màu sắc cầu vồng nhưng bạn có thể chế tạo ra được màu hồng (trộn màu đỏ và màu trắng với nhau). Đây là cách chúng ta lý giải thế giới hình ảnh”.

(Nguồn tham khảo: Popsci, khoahoc)

Chiêm ngưỡng bộ ảnh của "người mẫu" kiến


Nghệ sĩ nhiếp ảnh người Nga đã dành nhiều giờ đồng hồ để tạo nên những bức ảnh ngoạn mục. Ông đã nghiên cứu rất kỹ về loài kiến, quan sát những sinh hoạt hàng ngày của chúng. Ông nhận thấy rằng loài kiến luôn đi theo nhau một con đường riêng biệt mỗi khi chúng "đi làm". Vì thế Andrey đã đặt chân máy theo đường đi của kiến để khám phá thế giới của chúng.


Hè năm nào ông cũng về quê để chụp ảnh kiến lửa, tạo nên những tấm hình đẹp như cổ tích. Những chú kiến trong ảnh hoàn toàn là kiến thật và đang sống. Ông chia sẻ, “Khi đọc truyện cổ tích cho các con, tôi quyết định thực hiện những câu chuyện cổ tích cho riêng mình”. Andreys nói: “Tôi từng làm việc tại nhà hát, thời gian làm việc tại đó mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật xây dựng bố cục. Tôi chọn loài kiến vì tôi trân trọng loài côn trùng này và cách sống của chúng. Chúng quan tâm tới thế hệ sau và coi trọng lớp đi trước”.






(Nguồn tham khảo: Telegraph)