Khám phá tháng ăn chay thiêng liêng của người Hồi giáo

Hà Anh, Theo 00:00 01/09/2011

Cùng chúng mình tìm hiểu thêm về ý nghĩa của tháng ăn chay Ramadan này bạn nhé!

Eid al-Fitr (phát âm theo Tiếng Anh là /īd al-fiŧr/) là nghi lễ kết thúc tháng ăn chay Ramadan hiện đang được tín đồ Hồi giáo trên khắp hành tinh mong đợi.
 
Kéo dài trong vòng ba ngày, Eid al-Fitr là lễ ăn mừng sự thanh khiết của tháng Ramadan, hay còn gọi là tháng ăn chay. Lễ Eid (tên gọi khác của nghi lễ này) đồng thời cũng là ngày đầu tiên của tháng Shawwal, tháng thứ 10 trong lịch Hồi giáo. Lịch này dựa theo chu kỳ quay của mặt trăng nên thời điểm lễ Eid ở mỗi nước có thể khác nhau.
 

Tại Cairo, Ai Cập: Hàng nghìn người Hồi giáo đang cầu nguyện chào đón ngày đầu tiên trong buổi lễ 3 ngày Eid al-Fitr.

Năm nay, lễ Eid tại hầu hết các nước như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan… đều được tổ chức vào ngày thứ 3 (30/8). Tuy nhiên, tại Indonesia, nước có số người theo đạo Hồi đông nhất thế giới, lễ Eid lại được cử hành vào thứ Tư (31/8).
 
Trong dịp lễ Eid al-Fitr, mọi tín đồ Hồi giáo, dù có sống hay làm việc ở bất cứ đâu cũng đều cố gắng trở về nhà đoàn tụ với gia đình. Họ tập trung cầu nguyện và tận hưởng niềm vui đoàn viên trong các bữa tiệc.
 
Để hiểu hơn về tầm quan trọng của Eid al-Fitr, teen có thể tham khảo một số hình ảnh mới nhất được ghi lại về nghi lễ này, diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.


Một gia đình đang lựa chọn những chiếc mũ lễ hội sặc sỡ cho các cô con gái của mình sau buổi cầu nguyện sáng.


Tại Dhaka, Bangladesh: Nhiều người đang cố trèo lên tàu để kịp về nhà với gia đình trong 3 ngày lễ thiêng liêng này.


Tại Jakarta, Indonesia: Những bé gái đáng yêu đang "hòa cùng" bong bóng tại quầy đồ chơi bên ngoài Nhà thờ al-Azhar trong buổi cầu nguyện sáng.


Khung cảnh chụp khoang tàu hỏa với những đứa trẻ hân hoan về quê nhà để chào đón lễ Eid al-Fitr


Tại Kabul, Afghanistan: Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện đằng sau đàn chim bồ câu bay ngợp trời.


Tại Karachi, Pakistan: Những họa tiết truyền thống bằng mực henna (chiết xuất từ một loại cây hoa dùng để vẽ, nhuộm) trên bàn tay của một thiếu nữ.


Tại Peshawar, Pakistan: Một cậu bé trong nhà thờ đang phục vụ buổi cầu kinh cho thành viên Giáo đoàn.


Tại Jakarta, Indonesia: Các bạn nhỏ đang cầm ngọn đuốc đi trên phố để đánh dấu những ngày kết thúc của tháng ăn chay Ramadan.


Jamalpur, Ấn Độ: Những hành khách "bất đắc dĩ" trên chuyến tàu hỏa đi từ Dhaka tới Jamalpur. Hàng triệu người Hồi giáo ở Ấn Độ trở về nhà để chào đón 3 ngày lễ Eid al-Fitr.


Thêm một hình ảnh rất đẹp với bàn tay được vẽ bằng mực henna của cô gái Ấn Độ - đang phục vụ buổi cầu kinh.

Đó là về Eid al-Fitr. Còn Ramadan, chúng ta có thể hiểu đó là một tháng trong lịch Hồi giáo (hay còn gọi là lịch Hijra), cụ thể là tháng thứ 9. Một số người thường gọi Ramadan là “tháng ăn chay” hay “tháng nhịn ăn”. Tuy nhiên, hai cách gọi này đều không chính xác. Trong tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo không chỉ nhịn ăn, uống, hút thuốc… vào ban ngày (tính từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn).


Đủ màu sắc trong buổi cầu nguyện của tín đồ Hồi giáo tại Srinagar, Ấn Độ.
 
Họ tin rằng Thánh Allah, vị Thánh duy nhất của người Hồi giáo, bắt đầu tiết lộ kinh Koran (Qu’ran) cho nhà tiên tri Muhammad (Mohammed) 1400 năm trước, đúng vào thời gian lễ Ramadan. Không chỉ vậy, theo một giáo sĩ người Ai Cập, việc thực hiện tháng Ramadan còn thể hiện sự đồng cảm với những người nghèo đói, cũng như tôi luyện cho con người sự nhẫn nại, tiết chế trước những cám dỗ vật chất, tạo thuận lợi cho việc được lên thiên đàng sau này.


Tại Kathmandu, Nepal: Những tín đồ Hồi giáo đang tập trung cầu nguyện tại Kashmiri Mashjid.


Chùm bóng bay được thả lên trời với ý nghĩa chúc mừng ngày lễ Eid al-Fitr.
 
Mỗi buổi chiều trong vòng 30 ngày của tháng Ramadan, người ta sẽ tổ chức những bữa ăn từ thiện. Bàn ghế được kê trong công viên còn thức ăn và nước uống được chia thành từng suất trên bàn. Những tín đồ Hồi giáo sau một ngày nhịn đói sẽ tập trung lại trước bàn ăn để đọc kinh Koran (dù rất đói và khát). Và chỉ sau khi loa ở các giáo đường vang lên câu kinh: “Không có Thánh thần nào ngoài Thánh Allah và Mohammed là thiên sứ của Người”, mọi người mới bắt đầu ăn uống, bữa ăn này được gọi là Iftar (xả chay). Tuy nhiên, ở đất nước Syria thì hiệu lệnh lại là một phát đại bác bắn trên sườn núi.
 

Hình ảnh cầu nguyện cho những ngày kết thúc tháng ăn chay Ramadan.

Sau khi ăn uống, mọi người thường tụ tập ở sân để nói chuyện, hút thuốc; họ chỉ trở về nhà khi đã khuya. Vào lúc hai giờ sáng, mỗi phố lại có một người (gọi là Abu Tbeila) mang chiếc trống nhỏ, vừa đi vừa đánh trống kèm hô to để đánh thức mọi người dậy lo nấu nướng rồi ăn bữa Souhur (bữa ăn trước rạng đông), mừng việc bước sang ngày nhịn mới.
 
Các gia đình thường cho tiền anh chàng đánh trống này. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, nếu đi du lịch ở các nước Hồi giáo vào thời điểm lễ Ramadan, bạn cũng nên làm như vậy bởi hai giờ sáng là lúc đang ngủ ngon, bạn khó lòng ngủ yên khi anh ta có mặt ở đó.
  
Trong mùa chay, những người theo đạo Hồi còn phải trả một loại thuế bắt buộc gọi là Zakat-al Fitr. Tuỳ theo quy định của từng địa phương, họ có thể đóng góp tiền hay thực phẩm. Số tiền/thực phẩm quyên góp được sẽ dùng để phân chia cho người nghèo, trẻ mồ côi trong vùng để bày tỏ sự đồng cảm, sẻ chia, giúp thắt chặt tính cộng đồng.
 
Cùng với nhịn ăn, những người Hồi giáo còn dành phần lớn thời gian trong Thánh đường để cầu nguyện và cố gắng đọc hết cuốn kinh Koran trong suốt thời gian lễ Ramadan.


Trẻ con Hồi giáo ôm nhau mỉm cười trước ống kính, sau buổi lễ cầu kinh tại Hyderabad, Ấn Độ.
 
Ngoài ra, chúng tớ còn có một vài lời mách nhỏ cho những bạn có ý định đi tham quan các quốc gia Hồi giáo vào dịp lễ này: Các bạn không nên lái xe ra đường vào các buổi chiều vì tại thời điểm đó, các lái xe đều đã mệt mỏi sau một ngày nhịn đói. Họ thường lái rất nhanh để về kịp trước giờ ăn nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Bởi vậy, nếu không có công chuyện gấp thì đừng ra đường vào khoảng thời gian đó bạn nhé!