Bạn biết không, trong khi tiếng nói đã có tuổi đời hàng trăm nghìn năm thì chữ viết chỉ mới ra đời từ vài nghìn năm trước thôi.
Cách đây khoảng 5.000 năm tại vùng đồng bằng Lưỡng Hà (khu vực nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates, nay là nước Iraq), dân tộc Sumer đã sáng tạo ra hệ thống chữ viết đầu tiên của nhân loại. Sau đó, chữ viết lần lượt xuất hiện tại Ai Cập cổ đại. Đến khoảng năm 1.500 TCN, người Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng chữ viết.
Chữ viết của người cổ đại trên chiếc bình gốm.
Theo nhiều tài liệu, chữ viết bắt đầu xuất hiện khi con người chuyển từ đời sống săn bắn du mục sang định cư, tiến hành các hoạt động nông nghiệp như trồng trọt và chăn nuôi. Việc phân chia ruộng đất cũng như ghi chép, đong đếm lượng sản phẩm làm ra yêu cầu con người phải biết lưu trữ thông tin một cách có hệ thống. Và câu trả lời cho vấn đề này chính là chữ viết.
Trong báo cáo của nhiều nhà sử học, các quan tư tế tại Ur (một thành phố quan trọng trong nền văn minh Lưỡng Hà cổ) đã sử dụng các biểu đồ để theo dõi lượng hàng hoá xuất ra - nhập vào thành phố.
Chữ hình nêm được ra đời trong nền văn minh Lưỡng Hà.
Sau đó, các hình vẽ dần dần được quy ước thành các kí hiệu. Chẳng hạn, thay vì vẽ hình một con dê, người Sumer đã dùng các hình mũi tên nhọn để biểu thị hàng hoá. Do vậy, các nhà khảo cổ gọi chữ viết của người Lưỡng Hà là “chữ hình nêm”. Sau đó, hệ thống chữ viết này tiếp tục hoàn thiện, các kí hiệu bắt đầu biểu thị cho âm tiết.
Một thời gian ngắn sau, người Ai Cập cổ đã phát triển một hệ thống chữ tượng hình độc lập với văn minh Lưỡng Hà. Chữ viết nhanh chóng được truyền bá khắp vùng Địa Trung Hải. Nhờ chữ viết, các hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ, góp phần giúp công việc quản lý của chính quyền trở nên đơn giản hơn. Chữ viết đã góp phần quan trọng xây dựng nên những nền văn minh cổ đại.
Cho đến bây giờ, các nhà khảo cổ vẫn chưa thể dịch hết thuật chữ tượng hình của người Ai Cập cổ đại.
Người Trung Quốc và Maya cổ đại ở châu Mỹ cũng sáng tạo ra hệ thống chữ tượng hình riêng của họ. Bên cạnh đó, người Hy Lạp cổ đại lại phát triển bảng chữ cái tượng thanh với những kí tự như anpha, beta, gamma. Đây là tiền đề của bảng chữ cái A, B, C… thông dụng ngày nay.
Kí tự cổ của người Maya khắc trên đá.
Tuy vậy ở thời cổ đại, số lượng người biết chữ rất ít. Những người biết chữ thường là quý tộc và tăng lữ, hai giai cấp nắm những địa vị cao trong xã hội. Phải mãi đến thế kỉ 19 và 20, chữ viết mới trở nên phổ biến và thông dụng với hầu hết mọi người trên thế giới.
Theo ước tính tổng thể, có khoảng 6.909 ngôn ngữ đang hiện hành trên toàn thế giới. Trong đó, tiếng Trung Quốc phổ thông được sử dụng nhiều nhất với khoảng 845 triệu người, sau đó là tiếng Tây Ban Nha với 329 triệu. Thật ngạc nhiên khi tiếng Anh, “ngôn ngữ kinh doanh chính thống” chỉ xếp thứ 3 với 328 triệu người.
Hiện nay, tỉ lệ biết chữ vẫn là một thước đo phản ánh sự phát triển kinh tế - văn hoá của một quốc gia. Theo điều tra, cứ 5 người trên thế giới thì vẫn còn 1 người không biết chữ.