Hé lộ những điều thú vị xoay quanh loài chuột túi

Hương Ú, Theo 00:00 08/02/2011

Cùng tìm hiểu về loài thú có túi tiêu biểu của Úc mà đại diện ở đây là loài Wallaby –loài chuột túi giống như Kangaroo nhưng có kích thước nhỏ hơn. <img src='/Images/EmoticonOng/05.png'>

1. Thời niên thiếu
 
Khi ở giai đoạn phôi thai, chú Wallaby con trông “đỏ hỏn”, không có lông lại còn bị mù và chỉ bé bằng cỡ hạt đậu. Sau chừng 4 đến 5 tuần thai nghén, chúng được chuyển vào túi của con mẹ và bắt đầu được cho bú sữa mẹ trong 6 đến 7 tháng. Chúng phải ở trong túi cho đến khi phát triển cứng cáp, lông bắt đầu mọc, nhìn thấy được và có khả năng nhảy thì mới có thể “xuất đầu lộ diện”.
 
 
Thời gian đầu, các chú Wallaby con dành phần lớn thời gian ở bên ngoài để ăn cỏ và tích lũy các kĩ năng sống cần thiết, chúng chỉ chui vào trong túi để ngủ hoặc khi cảm thấy bị đe dọa. Ở một số loài, con con vẫn ở nguyên trong túi chừng một năm nữa hoặc cho đến khi con khác được sinh ra đời. Tuy nhiên, hầu hết chúng bắt đầu phải sống tự lập sau khi sinh 9 tháng.
 
2. Khả năng bơi lội “cừ khôi”
 
 
Phần lớn người dân Úc, những người sống ở mảnh đất của loài thú có túi này cũng không hề hay biết rằng loài vật này biết bơi. Người ta ấn tượng về loài này là bởi khả năng dùng hai chân sau để “thực hiện” những cú nhảy vô cùng mạnh mẽ và việc chúng mang con theo trong chiếc túi ở trước bụng. Tuy nhiên, chúng còn là một tay bơi lội rất cừ khôi.
 
Trên đất liền, chúng chỉ có thế di chuyển bằng cách phải sử dụng cả hai chân sau cùng một lúc nhưng khi bơi chúng có thể sử dụng mỗi bên chân một cách linh hoạt.
 
 
Các nghiên cứu về thói quen bơi lội của loài này đang được tiến hành để lí giải vì sao chúng bơi. Tuy nhiên, có thể thấy chúng thật sự rất thích thú với việc bơi lội này.
 
3. Nuôi con bằng hai loại sữa khác nhau
 
Một con Wallaby cái có khả năng tiết ra hai loại sữa khác nhau cùng một lúc. Có loại sữa dành riêng cho những con non đang thời kì phát triển còn chúng sẽ tiết ra loại sữa khác thích hợp với những con Wallaby đã bắt đầu rời khỏi túi. Các chú Wallaby con sẽ bú các núm vú khác nhau để chọn được đúng loại sữa dành cho mình.
 
 
Mỗi loại sữa chứa các thành phần khác nhau về chất béo, carbohydrate và protein. Sữa cho các con lớn hơn sẽ chứa hàm lượng chất béo cao hơn. Do sự phức tạp này nên hiếm khi Wallaby cái có thể xoay xở với ba đứa con cùng một lúc vì cơ thể sẽ phải điều tiết chất rất nhiều để đảm bảo dinh dưỡng cho từng thời kì phát triển của một chú Wallaby con.
 
4. Ngôn ngữ giao tiếp
 
 
Các nhà khoa học tin rằng việc ra dấu bằng thị giác và khứu giác là phương thức giao tiếp phổ biến của loài Wallaby. Tuy nhiên, ngôn ngữ hình thể là một đặc điểm thú vị của loài vật này. Khi một con Wallaby cảm nhận thấy nguy hiểm, chúng sẽ đứng yên rồi làm động tác nhịp chân sau giống như đang đánh trống ( lên xuống một hai nhịp ) để cảnh báo những con khác trong bầy về mối đe dọa tiềm tàng.
 
Ở một số loài, việc nhịp chân còn kết hợp với tiếng rít khẽ và khịt mũi. Và nếu gặp nguy hiểm thực sự, bằng chính cặp chân đó, Wallaby có thể tung cho kẻ thù một “cú đá trời giáng”.
 
 
5. Những kẻ đối địch
 
Wallaby có kích thước khá nhỏ (con lớn nhất cao khoảng 1.8 m tính từ đầu đến đuôi với cân nặng khoảng 30 kg) và có một số lượng lớn những loài thiên địch như cáo Âu châu, chó rừng, đại bàng đuôi nêm, quỷ Tasmania – loài thú lớn có túi chuyên ăn thịt, chó, mèo và trên hết, đó chính là con người.
 
Những con bé rất dễ gặp nguy hiểm với loài đại bàng đuôi nêm và rắn hoa. Còn với những con đã trưởng thành, ngoài nguy hiểm từ loài chó rừng và quỷ Tasmanian, mối đe dọa lớn nhất với chúng là con người và loài cáo Âu châu. Số phận thương tâm của loài này là thường bị cán chết trên đường. Người ta ước tính loài Wallaby và Kangaroo chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các loài động vật hoang dã bị chết trên đường tại Úc.
 
 Chúng cứ đứng “lơ ngơ” trên đường thế này đây
 
Mặc dù vậy, do điều kiện thuận lợi nên tại đây, số lượng của loài này đang tăng đột biến, gây ảnh hưởng xấu đến việc chăn thả gia súc và trồng trọt. Cách đối phó với tình trạng này mà con người lựa chọn đó là chọn lọc tự nhiên. Trong vòng một năm, đã có hơn một triệu loài Wallaby và Pademelon bị bắn tại Tasmania trong một chiến dịch “bảo vệ nông trại và rừng”. Rất nhiều tổ chức như Hiệp hội Kangaroo của Úc đánh giá đây là một hành động diệt chủng.
 
Biển báo đặc biệt chỉ duy nhất có tại Úc
 
Các phương án quản lí khác như lập hàng rào ngăn được cho là thỏa đáng hơn. Một số người thì ủng hộ việc sử dụng các phương pháp ít bạo lực hơn như bắt và di chuyển chúng ra nơi khác hoặc áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa để kiểm soát số lượng loài vật này. Và hiện nay người ta vẫn còn đang bàn cãi sôi nổi về vấn đề này để tìm ra phương thức hợp lí, thỏa đáng nhất.