Hành trình khó khăn tìm đường lên sao Hỏa

Linh Ji, Theo 00:35 26/11/2011

Hơn 50 năm nay, con người vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám phá sao Hỏa.

Nếu bạn nghĩ rằng lên cung trăng để chơi với chị Hằng là một điều không tưởng, thì thực ra, chú Cuội đã làm được điều này cả trăm năm trước (theo truyện cổ tích) và các phi hành gia đã hiện thực nó từ hàng chục năm nay. Thời nay, việc khó nhất đối với các nhà du hành vũ trụ, có lẽ là đích đến “Hành tinh Đỏ”. Vì sao vậy?

Hành trình lên sao Hỏa

NASA dự kiến sẽ phóng tàu thăm dò Curiosity (tên gọi chính thức là Phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa - MSL) cỡ lớn hướng tới sao Hỏa ngày hôm nay, 26/11/2011. Tuy nhiên, các chuyến thám hiểm "Hành tinh Đỏ" hiện tại đang phải đối mặt với một sự thật là chinh phục sao Hỏa chẳng hề dễ dàng.

Mới đây, một tàu thăm dò Phobos - Grunt (có nghĩa là “đất Phobos”) của Nga được phóng lên ngày 08/11/2011 từ bệ phóng Baikonur ở Kazakhstan, trên một tên lửa Zenit - 2SB. Nó được thiết kế để bay đến vệ tinh Phobos của sao Hỏa, có nhiệm vụ lấy 200g đất trên bề mặt hành tinh này về Trái đất trong hành trình ba năm. Tuy nhiên, các động cơ của phi thuyền này đã không khai hỏa sau khi nó tách khỏi tên lửa phóng.



Đến nay, các hi vọng đang mờ dần khi các kĩ thuật viên người Nga thuộc phi thuyền vũ trụ Phobos - Grunt hiện vẫn đang mắc kẹt trong quỹ đạo quanh Trái đất. Nếu Phobos - Grunt không thể cứu vãn được thì nó sẽ là thất bại thứ 19 liên tiếp trong loạt sứ mệnh thăm dò sao Hỏa của “Gấu mẹ vĩ đại”.

Tuy nhiên, Nga không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với những khó khăn này. Các cơ quan không gian khác, bao gồm cả Nhật Bản, Mỹ và châu Âu cũng liên tục gặp thất bại trong hành trình khám phá "Hành tinh Đỏ" của mình trong hàng chục năm qua. Kể cả với Curiosity, cỗ xe tự hành chạy bằng năng lượng hạt nhân, các nhà khoa học vẫn không thể thừa nhận sự thành công chắc chắn của nó khi đi vào hoạt động chính thức.


50 năm và quá trình chật vật tìm đường lên sao Hỏa

Sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên được thực hiện bởi tàu thám hiểm Marsnik 1 của Liên Xô, ra mắt vào tháng 10/1960. Tuy nó đã không tiến được xa, thậm chí không vượt ra khỏi được khí quyển của Trái Đất nhưng Marsnik 1 đã trở thành mô hình trong những ngày đầu, giúp các nhà khoa học khắc phục vấn đề khởi động rắc rối.

Hoa Kỳ cuối cùng đã vượt qua được những khó khăn này nhờ tàu Mariner 4. Trong chuyến bay thành công đầu tiên tới "Hành tinh Đỏ" năm 1965, nó đã gửi về cho Trái đất 21 hình ảnh thăm dò.


Đây là một chặng đường đầy nguy hiểm và gặp không ít trục trặc. Tổng cộng đã có hơn 30 sứ mệnh chinh phục hành tinh gần Trái đất nhất trong vòng nhiều thập niên qua nhưng chưa đầy một nửa sứ mệnh đó thành công. Chỉ có duy nhất một cỗ xe tự hành của NASA là Opportunity hiện vẫn đang thám hiểm bề mặt cằn cỗi của sao Hỏa, bên cạnh là 3 tàu thám hiểm giám sát hành tinh này từ trong quỹ đạo Trái đất.

NASA đã đầu tư rất nhiều cho công cuộc chinh phục sao Hỏa nhưng cơ quan này cũng cho biết, đã có 2 vệ tinh thăm dò biến mất trong những năm 1990. Cũng như Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA bị “thất lạc” tàu Beagle vào năm 2003.


"Hành tinh Đỏ" vẫn là một đích ngắm đầy thách thức với con người

MSL, cỗ máy ước mơ trị giá 2,5 tỷ USD (tương đương 52,1 nghìn tỷ VNĐ) là con tàu không gian thứ 40 được phóng lên sao Hỏa, mang theo hy vọng của các nhà khoa học rằng nó sẽ khám phá được sao Hỏa có sự sống ở dạng vi khuẩn hay không.

Tuy được trang bị rất nhiều công nghệ tối tân song con đường chinh phục sao Hỏa vẫn tỏ ra hết sức gian nan. Thực tế này phản ánh khó khăn trong quá trình khám phá không gian nói chung chứ không liên quan đến các lời nguyền về "Hành tinh Đỏ" như người ta vẫn thêu dệt. Có lẽ từ giờ, chúng ta sẽ có thêm một câu thành ngữ thời hiện đại: “Khó như lên sao Hỏa”!

Cùng theo dõi clip hình ảnh mô phỏng quá trình thăm dò sao Hỏa của MSL nhé!