Giải
Ig Nobel là giải thưởng "nhái" lại giải Nobel danh giá được trao cho những nhà khoa học xuất sắc nhưng thiên về các phát hiện hài hước, gây bất ngờ trong các lĩnh vực khác nhau.
Tại sảnh đường trường ĐH Harvard (Mỹ), Ig Nobel lần thứ 23 năm nay vẫn tiếp tục truyền thống trao giải cho những thành tựu khoa học theo tiêu chí "đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ".
Cùng tìm hiểu chủ nhân của những giải thưởng vừa được công bố, trao giải từ Ig Nobel 2013 qua bài viết dưới đây.
Ig Nobel Y tế công cộng: Tìm ra cách cấy ghép dương vật bị đứt nhưng không thể ghép khi bị vịt cắn
Một nhóm nhà khoa học người Thái Lan đã nhận giải y tế công cộng cho việc nghiên cứu giúp giải quyết vấn nạn dương vật bị đứt. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất những kỹ thuật được áp dụng cho "cậu nhỏ", nhưng họ vẫn bó tay trong trường hợp dương vật bị vịt cắn đứt một phần.
Ig Nobel Vật lý: Con người có thể lướt trên mặt nước khi cả nước và người cùng ở... mặt trăng
Các nhà khoa học Alberto Minetti (Ý), Yuri Ivanenko (Anh), Germana Cappellini (Thụy Sĩ), Nadia Dominici (Nga), và Francesco Lacquaniti (Pháp) được trao giải Ig Nobel hạng mục vật lý khi nghiên cứu khám phá ra rằng, con người có thể chạy trên mặt nước. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi người đó và mặt nước cùng xuất hiện ở trên Mặt trăng.
Các chuyên gia cũng không quên nghiên cứu về môi trường trọng lực tồn tại trên các hành tinh khác để giúp một người có thể chạy, đi lại trên đó một cách thoải mái nhất mà không bị chìm.
Ig Nobel Hóa học: Chuyện thái hành bị chảy nước mắt thực ra rất phức tạp (nói nghiêm túc!)
Giải này được trao cho các nhà nghiên cứu Shinsuke Imai, Nobuaki tsuge, Muneaki Tomotake, Yoshiaki Nagatome, Hidehiko Kumgai (Nhật Bản) và Toshiyuki Nagata (Nhật Bản) khi công bố cơ chế sinh - hóa của hành làm chúng ta khóc, cay mắt vô cùng phức tạp, hơn cả những phát hiện được ghi nhận trước đây.
Cơ chế này không chỉ đơn giản như việc khi bạn thái hành, nó có thể giải phóng ra một loại dung môi chứa thể khí propanethial sulfoxide. Sau khi mắt tiếp xúc với thể khí này, nó nhanh chóng phát sinh phản ứng với nước mắt, sinh ra một axit lưu huỳnh có nồng độ vừa phải.
Loại axit này gây kích thích cho mắt, khiến não "ra lệnh" cho tuyến lệ sản sinh nhiều dịch thể hơn để loại bỏ axit lưu huỳnh ra ngoài. Càng thái hành lâu thì lượng axit lưu huỳnh tạo ra càng nhiều, nước mắt vì thế mà chảy càng nhiều hơn.
Ig Nobel An toàn kỹ thuật: Xử lý không tặc bằng cách thả từ máy bay xuống đất như một quả bom
Với phát minh ra hệ thống chống không tặc cho máy bay vào tháng 5/1972 mà nhà nghiên cứu người Mỹ - Gustano Pizzo đã nhận giải thưởng danh giá cho an toàn kỹ thuật này.
Qua đó, hệ thống cơ điện sẽ bọc kín tên tội phạm như một bưu kiện, thả hắn qua cửa như một quả bom. Tên không tặc sẽ rơi thẳng xuống mặt đất cùng với dù và cảnh sát sẽ xuất hiện để bắt giữ hắn vì được cảnh báo trước qua radio.
Ig Nobel Hòa bình: Cấm vỗ tay nơi công cộng, kể cả bạn có cụt tay
Giải thưởng ở hạng mục Ig Nobel hòa bình 2013 được trao cho Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko khi ban hành luật cấm vỗ tay nơi công cộng. Ông cũng ra lệnh cảnh cáo với lực lượng cảnh sát quốc gia Belarus khi đã bắt giữ một người đàn ông cụt tay vì... vỗ tay.
Ig Nobel Xác suất: Bò nằm càng lâu càng dễ đứng dậy sớm
Nhóm nghiên cứu Bert Tolkamp (Hà Lan), Marie Haskell (Anh) và Fritha Langford (Canada) đến từ trường Cao đẳng nông thôn Scotland đã công bố phát hiện: bò nằm càng lâu càng nhiều khả năng đứng dậy sớm và khi nó đứng thì thật khó để có thể dự đoán thời điểm mà chúng sẽ nằm xuống trở lại.
Một trong những tác giả của nghiên cứu nói rằng: "Chúng tôi thực sự bất ngờ vì nhận được giải thưởng này. Tuy nhiên, nghiên cứu về việc bò đứng lên hoặc nằm xuống là rất quan trọng để có thể phát hiện các vấn đề sức khỏe, chất lượng dinh dưỡng mà chúng hấp thụ vào cơ thể".
Ig Nobel Y học: Nhạc Opera tốt cho tim của... chú chuột được cấy ghép
Nhà khoa học Masateru Uchiyama, Gi Zhang, Toshihito Hirai, Atsushi Amano, Hisashi Hashuda (người Nhật Bản), Xiangyuan Jin (người Trung Quốc) và Masanori Niimi (người Nhật Bản/Anh) đã được vinh danh với nghiên cứu, nhạc Opera có ảnh hưởng lớn với các con chuột được cấy ghép tim.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia chỉ ra rằng, sau phẫu thuật ghép tim, các con chuột bình thường chỉ có thể sống được khoảng 7 ngày, nhưng những chú chuột được nghe nhạc Opera sống được tới 11 ngày, thậm chí là 27 ngày.
Ig Nobel Tâm lý học: Càng uống rượu càng thấy mình "đẹp"
Chuyên gia tâm lý Brad Bushman thuộc ĐH bang Ohio cùng các cộng sự người Pháp - Laurent Begue, Oulmann Zerhouni, Baptiste Subra, và Medhi Ourabah đã đoạt giải Ig Nobel 2013 với phát hiện mối quan hệ giữa đồ uống có cồn và cảm nhận cái đẹp.
Qua đó, các nhà khoa học chứng minh, một người càng uống nhiều bia/rượu, họ càng thấy mình đẹp, hấp dẫn hơn. Bushman nói với BBC: "Trước đây, những người say rượu thường nghĩ người khác hấp dẫn hơn mình nhưng nghiên cứu này đã chỉ ra, cồn có trong rượu đã giúp người đó thấy được vẻ hấp dẫn của chính mình". Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Tâm lý Anh vào tháng 5/2012.
Nhóm nghiên cứu của Eric Warrant đến từ ĐH Lund (Thụy Điển) đã nhận được giải Ig Nobel hạng mục sinh học và thiên văn học cho nghiên cứu loài bọ hung biết lăn phân và có khả năng định hướng bằng cách sử dụng ánh sáng từ Mặt trăng hay từ Dải Ngân hà.
Những con bọ hung thường tìm tới đống phân tươi, nặn thứ chất thải đó thành một quả cầu rồi lăn nó đi. Sau đó, bọ hung thường trèo và đứng trên đỉnh của quả bóng phân ẩm ướt này và "nhảy múa". Điệu nhảy này không phải thể hiện niềm vui mà chúng đang xem xét con đường sẽ đi tiếp.
Nghiên cứu sâu hơn họ phát hiện ra rằng, loài côn trùng này còn sử dụng điểm sáng và ánh sáng trên Dải Ngân hà như một la bàn để định hướng di chuyển.
Ig Nobel Khảo cổ học: Ruột người có tiêu hóa được xương chuột chù?
Người chiến thắng ở hạng mục khảo cổ học này là Brian Crandall (thuộc Mad Science of the Hudson, New York) và Peter Stahl thuộc ĐH Victoria (Canada) khi họ luộc một con chuột chù chết, nuốt chửng nó mà không nhai. Sau đó, họ cẩn thận xem, phân tích chất thải của cơ thể sau vài ngày.
Lý do cho việc làm này là cả hai nhà khoa học muốn tìm hiểu xem loại xương nào sẽ bị phân hủy hay chúng còn nguyên vẹn khi qua bộ tiêu hóa của con người.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Livescience, BBC, ABC news...