Giải mã bí ẩn người da xanh, ếch độc tiết ra đường và axit mật

Lê Giang, Theo Mask Online 10:27 20/02/2012

Cùng các cập nhật: Phán tình trạng cơ thể qua màu nước tiểu, điều lạ bên trong khu vườn hoàng gia cổ đại, nghiện internet khiến não biến đổi như nghiện ma túy...


Dựa vào màu sắc của nước tiểu để biết mình cần phải uống nước hay không?


Hiệp hội Boy Scouts of America mới đây đã đưa ra một biểu đồ liên quan tới nước tiểu và việc uống nước. Nước tiểu có màu càng đậm thì chứng tỏ rằng cơ thể của bạn đang bị “khát nước” và càng cần phải uống nước. 

Trung bình, một người bình thường có thể mất tới 1 lít mồ hôi trong vòng 1 tiếng và cơ thể của chúng ta sẽ không thể thiếu nước quá 3 - 5 ngày. 

Trong điều kiện "lý tưởng", nước tiểu của bạn sẽ có màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu chuyển sang màu vàng (có thể nhận biết rõ bằng mắt), bạn nên chuẩn bị uống nước trong vòng 1h đồng hồ tiếp theo. Nếu nước tiểu chuyển sang màu vàng đậm (ngả sang màu nâu), bạn đang bị thiếu nước trầm trọng và nếu cơ thể của bạn liên tục thải ra nước tiểu màu này thì có nghĩa là thận của bạn đang có vấn đề.


Uống không đủ nước ảnh hưởng đến chức năng của tế bào cũng như chức năng các hệ thống trong cơ thể. Điều này sẽ làm suy giảm chức năng thận, thận không đảm đương được nhiệm vụ của mình, kết quả là trong cơ thể tích lũy nhiều chất độc hại. Những người thường xuyên uống không đủ nước da thường khô, tóc dễ gãy, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, đau đầu, có thể xuất hiện táo bón, hình thành sỏi ở thận và túi mật. 
(Nguồn tham khảo: Blisstree)

Tại sao ếch độc lại tiết ra đường và axit mật ở ngoài da?


Qua phân tích da ếch độc Mantella ở Madagascar, lần đầu tiên nhà nghiên cứu Valerie Clark ở Ireland đã phát hiện ra, da ếch độc chứa lớp đường và axit mật ở bề ngoài.

Theo Clark, ếch độc tiết ra axit mật và đường có thể là cách để thu hút các con kiến tới làm mồi ăn cho ếch. Nó cũng có thể bảo vệ da khỏi nấm mốc ở môi trường ẩm ướt. Không những thế, đường và axit mật còn có thể giúp ếch chữa lành vết thương, chống nhiễm khuẩn hoặc miễn dịch với các chất độc do kiến truyền qua.

Đường, axit mật ở da ếch độc Mantella nằm trong hệ thống ‘kho vũ khí’ của nó.

Nhà sinh lý học Alan Hofmann, người đã nghiên cứu axit mật trong suốt 50 năm qua cũng cho rằng, ếch độc tiết ra đường và axit mật có công dụng như một loại vũ khí trong cả “kho vũ khí” của nó. Axit mật rất cay và đắng sẽ giúp ếch thoát khỏi các loài động vật ăn thịt. Nghiên cứu này đã được đăng trực tuyến trên Tạp chí the Journal of Natural Products.
(Nguồn tham khảo: Đất Việt )

Giải mã bí ẩn của người da xanh


Một dòng họ ở bang Kentucky của Mỹ có làn da khác thường, màu xanh dương. Màu da của họ là đề tài của những câu chuyện bí ẩn nhiều năm khiến các nhà khoa học đi tìm lời giải đáp.

Trong những năm đầu thế kỷ 19, chàng thanh niên mồ côi Martin Fugate (người gốc Pháp) kết hôn với Elizabeth Smith (người Mỹ) có mái tóc hung đỏ và nước da xanh xám.

Sự kết hợp của họ về mặt sinh sản tạo nên một đột biến gene liên quan đến màu da. Hai người sinh được 7 người con, trong đó có 4 người mang làn da màu xanh dương. Khi trưởng thành những người con của họ kết hôn với những người của một gia đình hàng xóm. Do hai gia đình sống ở một nơi quá hẻo lánh, những thế hệ sau của họ lại tiếp tục lấy lẫn nhau. Kết quả là những đứa trẻ da xanh tiếp tục ra đời.

Ông LorenzoDowFugate - người có làn da màu xanh dương.

Theo tờ Tri-City Herald của Mỹ mới đây cho biết, vào năm 1980, một số nhà khoa học nảy ra ý tưởng cho một số hậu duệ của Martin Fugate uống dung dịch có màu xanh dương. Sau khi uống dung dịch, da của họ trở nên bình thường như mọi người. Các nhà khoa học thời đó giải thích rằng dung dịch màu xanh dương khiến máu chuyển sang màu đỏ, nhờ đó làn da có sắc trắng hồng. Do dung dịch phát tán trong máu nên tác dụng của nó chỉ kéo dài vài ngày. Vì thế những người da xanh phải uống dung dịch thường xuyên để duy trì làn da bình thường,

Ngày nay, giới y khoa xác định dòng họ Fugate mắc bệnh methaemoglobinaemia (viết tắt là met-H). Căn bệnh này làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu. Do đó, máu của người mắc bệnh có màu sẫm hơn so với máu của người bình thường. Bệnh phát sinh bởi một gene lặn, song do Martin Fugate và Elizabeth Smith cùng mang gene lặn nên xác suất kết hợp với nhau của chúng trở nên lớn. Hậu duệ của Martin và gia đình hàng xóm lấy lẫn nhau qua nhiều thế hệ (hôn nhân cận huyết) nên các gene lặn kết hợp với nhau nhiều hơn và tính trạng của chúng (tức là da xanh) thể hiện thường xuyên hơn.

Dân số ở phía Đông bang Kentucky tăng dần theo thời gian nên về sau, hậu duệ của Martin Fugate có cơ hội kết hôn với những người khác trong cộng đồng, chứ không phải lấy họ hàng nữa. Vì thế tần suất biểu hiện của những gene lặn gây chứng da xanh giảm dần và những đứa trẻ da xanh ngày càng trở nên hiếm. Các gene gây chứng da xanh không biến mất hoàn toàn, chúng vẫn lẩn trốn trong cơ thể một số người và rình rập cơ hội nhân bản.
(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Cá biển là hậu duệ của cá sông?


Nghiên cứu mới ở Mỹ đã chứng minh cá biển hiện nay đều tiến hóa từ các loài cá nước ngọt. Các nhà khoa học cho rằng đây chính là lý do đại dương chiếm đến 75% bề mặt Trái đất nhưng lại chứa rất ít loài cá cũng như sinh vật, từ 15% đến 25% số loài ước tính toàn cầu.

Nghiên cứu được tiến hành bởi nhóm tiến sỹ John J. Wiens và các sinh viên khoa Sinh thái và Tiến hóa, Đại học Stony Brook, Mỹ. Kết quả được đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society. Wiens và sinh viên đã xem xét đa dạng sinh học của cá vây tia, loài cá có số lượng cá thể đông nhất trong tất cả những loài động vật có xương sống trong môi trường nước mặn và chiếm 96% tổng số các loài cá hành tinh.


Họ phân tích những cây tiến hóa dựa trên hóa thạch và dữ liệu DNA (nguyên liệu di truyền của sinh vật) trên một cơ sở dữ liệu lớn về môi trường sống của gần như mọi loài cá tồn tại hiện nay.

Phân tích chỉ ra sự khác biệt đáng ngạc nhiên về đa dạng sinh học giữa môi trường sống nước ngọt và nước mặn. Physorg dẫn lời tiến sỹ Wiens cho biết: "Dù môi trường nước ngọt chỉ chiếm khoảng 2% bề mặt Trái đất nhưng có nhiều loài cá trong môi trường nước ngọt hơn trong môi trường nước mặn. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, hầu hết các loài cá nước mặn còn sống hiện nay đều là hậu duệ của các tổ tiên cá nước ngọt".


Kết quả này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn với “nhận định” rằng sự sống bắt nguồn từ biển. Song, giả thuyết được đưa ra là, những cuộc đại tuyệt chủng trong môi trường nước mặn hàng trăm triệu năm trước đã ảnh hưởng đến hành trình “di dân” và tiến hóa của cá.

Ông giải thích cụ thể, đúng là ban đầu các loài cá nước ngọt đã đa dạng hóa từ các tổ tiên nước mặn, nhưng sau đó những tổ tiên nước mặn đó đã bị tuyệt chủng hoàn toàn. Để rồi, cá nước ngọt lại quay lại đại dương, tiến hóa thành các loài cá nước mặn như ngày nay (và cũng vì thế các hậu duệ trên có ít thời gian hơn để phát triển đa dạng sinh học). Đây là lý do vì sao các đại dương rất nghèo các loài sinh vật, thậm chí là cá.
(Nguồn tham khảo: Khoahoc)


Điều lạ bên trong khu vườn hoàng gia cổ đại.


Các nhà nghiên cứu từ lâu đã bị “mê hoặc” bởi những bí mật về sự tồn tại của một khu vườn sang trọng trong cung điện cổ đại Ramat Rahel, khu vực nằm ​​trên đỉnh đồi thuộc Jerusalem ngày nay.

Đây từng là nơi sinh sống của Vương quốc Judah từ thế kỷ thứ 7 TCN cho đến khi triều đại Hồi giáo đầu tiên ở Palestine được thiết lập (thế kỷ thứ 10). Đây là khoảng thời gian chứng kiến rất nhiều cuộc chiến tranh và trao đổi quyền lực.

Sử dụng kỹ thuật tách phấn hoa hóa thạch từ các lớp thạch cao được tìm thấy trong rãnh tưới tiêu của khu vườn, nhóm chuyên gia đến  từ Viện khảo cổ học Sonia và Marco Nadler thuộc Đại học Tel Aviv có thể tái tạo lại bố cục khu vườn hoàng gia cổ đại của Ramat Rahel.

Toàn cảnh Ramat Rahel được tái tạo lại.

Bên cạnh một số cây đặc trưng ở địa phương như các loại cây cảnh gồm sim (myrtle) và hoa loa kèn nước, cây ăn quả gồm nho và ô liu; khu vườn cũng có các loài thực vật ngoại lai như cây thanh yên được đưa từ Ấn Độ qua Ba Tư, tuyết tùng của Liban, cây óc chó Ba Tư. Tiến sĩ Langgut, thành viên trong nhóm nghiên cứu nhận định, “Đây là một bộ sưu tập phấn hoa vô cùng đa dạng”.

Ngoài ra, một trong những tính năng độc đáo của khu vườn Ramat Rahel là hệ thống thủy lợi hết sức tiên tiến. Nước mưa được tích lại và phân phối khắp khu vườn qua hệ thống tưới tiêu bao gồm hồ chứa, các ống dẫn ngầm, đường hầm và máng xối được bố trí hợp lý, có tính thẩm mỹ cao.

Đây là lần đầu tiên giới khoa học có thể xác định và dựng lại tương đối chính xác những gì có bên trong một khu vườn hoàng gia cổ đại - khu vực mà các quốc vương xây dựng nhằm mục đích phô trương sức mạnh của đế quốc mình.
(Nguồn tham khảo: Đất Việt)

Nghiện internet khiến não biến đổi như nghiện ma túy


Sự thay đổi bộ não khi “nghiện internet” – một bệnh không ít người đang mắc và có khuynh hướng ngày càng tăng – tương tự như những gì người ta quan sát thấy khi nghiện rượu và ma túy. Đó là kết luận được công bố của một công trình nghiên cứu trên Tạp chí PloS ONE. 

Nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Hao Lei, Trung tâm nghiên cứu cộng hưởng từ thành phố Vũ Hán thực hiện nghiên cứu bằng cách quét não 17 người trưởng thành, có những triệu chứng của bệnh nghiện internet và so sánh kết quả với số liệu tương tự ở 16 người trưởng thành khác để tìm sự khác biệt. Kết quả nghiên cứu đã làm rõ được nhiều vấn đề về hành vi và tác động của “bệnh” thể hiện ở sự xuất hiện những tổn thương trên chất trắng của não tại những vùng chịu trách nhiệm về xử lý cảm xúc, chấp nhận giải pháp và kiểm tra nhận thức. Người ta đã khẳng định rằng những thay đổi của chất trắng trong não khi nghiện internet giống với các bệnh nghiện khác chẳng hạn như nghiện rượu, nghiện cocain.

Để làm rõ bộ não bị hủy hoại như thế nào ở một người trưởng bỏ ra nhiều giờ để vào mạng hàng ngày, các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp quét não bằng chụp ảnh cộng hưởng từ. Ngoài ra họ còn ghi lại những hậu quả tiêu cực của việc ngồi lì trước màn hình máy tính đến đời sống cá nhân và xã hội.


Các tác giả viết trong bài báo của mình: "Những nghiên cứu trước đây về nghiện internet thường tập trung vào tìm hiểu các hiện tượng sinh lý học. Chỉ một số nghiên cứu dành cho cấu tạo của bộ não và sự thay đổi hoạt động của nó ở những người nghiện internet. Trong nghiên cứu này chúng tôi dùng phương pháp khuếch tán tenxơ hiển thị (một trong những phương pháp cộng hưởng từ hiển thị) để tìm hiểu những gì đã xảy ra trong chất trắng của bộ não người nghiện, liên quan đến sự thay đổi hành vi của họ”.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, từ 5 đến 10% người sử dụng mạng toàn cầu là người nghiện internet, nghĩa là họ không thể chủ động trong việc kiểm soát những ham muốn của mình. Đa số họ dùng máy tinh để chơi game on-line, đam mê đến nỗi quên ăn, quên ngủ, quên công việc, quên những nghĩa vụ trong gia đình.

Kết quả nghiên cứu cho phép kết luận rằng não của những người này có những sự thay đổi tương tự như các thứ nghiện khác.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu bệnh nghiện rượu, ma túy và những chất kích thích, trực thuộc trường Đại học New South Walles (Australia) là Michael Farrell viết trên báo Independent: "Những số liệu nghiên cứu còn hạn chế vì người ta chưa biết thực sự bộ não đã xảy ra những thay đổi gì khi nghiện Internet, nhưng có thể nó chịu những tác động giống như khi sử dụng ma túy, rượu và các chất kích thích chứa caffein”.

Nhà tư vấn tâm lý trường Đại học hoàng gia London là Henrietta Jones - giám đốc bệnh viện chuyên chữa trị bệnh nghiện internet duy nhất ở Anh cho biết, không phải người nào bỏ nhiều thời gian vào mạng đều là người nghiện internet.

Bà Henrietta cho rằng, "Chúng ta cần thấy rằng tiếp cận thường xuyên với internet là một nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Internet liên quan mật thiết đến công việc, đến những mối quan hệ nghề nghiệp và quan hệ xã hội, nhưng việc này không thể chiếm toàn bộ thời gian của chúng ta. Chỉ khi một người nào đó kể với bạn rằng ban đêm anh ta chẳng ngủ, vì bỏ ra đến 14 giờ để chơi trên máy tính thì rõ ràng anh ta có vấn đề. Đó chính là một “con nghiện”.
(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)