Đi thăm các hành tinh lạ ngoài hệ Mặt Trời (Phần 1)

Mèo Lợn, Theo 00:00 09/01/2011

Hệ Mặt Trời không phải là nơi duy nhất có các hành tinh trong vũ trụ.

Vũ trụ thực sự quá bao la. Phóng tầm mắt ra khỏi hệ mặt trời, ta bắt gặp rất nhiều những hành tinh đẹp rực rỡ không kém những hành tinh trong hệ mặt trời quen thuộc.
 
Kể từ khi khám phá ra “hành tinh ngoại”, con người đã tạo ra một bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực thiên văn học và làm sống lại hi vọng tìm ra hành tinh giống như Trái Đất và có thể là cả cuộc sống bên ngoài hệ mặt trời kia.
 
Trước đây, khi chưa tìm ra các hành tinh ngoài hệ mặt trời thì những giả thuyết như vậy chỉ được coi là khoa học viễn tưởng. Nhưng người ta đã không còn phải tranh cãi nữa khi con người đã phát hiện ra hơn 400 hành tinh như vậy.
 
Dưới đây là những bức ảnh của các hành tinh ngoại đẹp nhất trong suốt quá trình tìm tòi và khám phá.

Methuselah - Hành tinh lâu đời nhất
 
 
Hành tinh Methuselah được phát hiện vào ngày 30 tháng 5 năm 1993, và chính thức được công nhận vào ngày 10 tháng 7 năm 2003. Cho đến nay Methuselah là hành tinh lâu đời nhất được tìm thấy với tuổi thọ vào khoảng 13 tỷ năm (trong khi vũ trụ là 13,7 tỷ năm tuổi). Hành tinh này được tìm thấy sâu bên trong lõi của một đám hình cầu bao gồm các ngôi sao hình thành ngay sau vụ nổ Big Bang. 
 
Hệ hành tinh gần hệ mặt trời nhất
 
 
Được khám phá vào ngày 7 tháng 8 năm 2000, nó không hẳn như hệ mặt trời nhưng đây thực sự là một hệ thống các hành tinh. Cái tên “Epsilon Eridani” là chỉ ngôi sao mẹ (tương đương mặt trời trong hệ mặt trời của chúng ta).
 
Hệ thống này gồm hai hành tinh quay quanh ngôi sao mẹ là Epsilon Eridani b (đã được công nhận) và Epsilon Eridani c (chưa được công nhận). Cho dù là hệ hành tinh gần với hệ mặt trời nhất, nhưng khoảng cách cũng lên tới 10 năm ánh sáng.
 
Hệ này có hai vành đai tiểu hành tinh, một nằm giữa Epsilon Eridani b và ngôi sao mẹ, một nằm bên ngoài giữ Epsilon Eridani b và Epsilon Eridani c (đây cũng là vòng bụi nằm ngoài quỹ đạo của Epsilon Eridani c và được cho là kết quả của sự va chạm giữa các sao chổi ngoài hệ mặt trời).
 
Hành tinh "hiếm có khó tìm" nhất
 
 
Hãy tưởng tượng chúng ta thức giấc và nhìn thấy hai Mặt Trời cùng mọc, đó là cảnh tượng thường gặp trong vũ trụ vì 50% các hệ sao sẽ có từ 2 ngôi sao trở lên (hệ Mặt Trời là một hệ sao nhưng chỉ có một ngôi sao duy nhất).
 
 
Hệ thống 91 Aquarii gồm 5 ngôi sao và tháng 11 năm 2003, các nhà khoa học đã khám phá ra sự tồn tại của một hành tinh khí khổng lồ (gọi là 91 Aquarii Ab để phân biệt vời các hành tinh khác trong hệ) quay quanh một ngôi sao chính (gọi là 91 Aquarii).
 
Hành tinh khí khổng lồ này đặc biệt vì cách thức mà chúng ta phát hiện các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đòi hỏi sự chính xác rất lớn và có thể không thực hiện được nếu gần đó có một ngôi sao khác; trong khi hành tinh tinh này lại nằm ở một hệ đa sao, vì thế nó trở thành một trong những hành tinh hiếm được phát hiện.
 
Hệ sao có nhiều hành tinh nhất
 
 
Đây là hệ thống các hành tinh "ngoại" có tên là 55 Cancri Ae, Ab, Ac, Ag và Ad quay xung quanh một ngôi sao lớn được đặt tên là 55 Cancri A. Đây là hệ hành tinh đông đúc nhất ngoài hệ mặt trời được tìm thấy. Điều này còn mở ra một cuộc tìm kiếm một hệ thống các hành tinh lớn hơn cả hệ mặt trời mà chúng ta từng biết đến.
 
Hành tinh có khí quyển lạ
 
 
Khi hành tinh khí HD 209458 b có quỹ đạo cắt ngang hướng nhìn của chúng ta  từ Trái Đất tới ngôi sao mẹ, người ta có thể đo được chính xác kích thước của nó nhờ việc phân tích lượng ánh sáng từ ngôi sao đó đã bị hành tinh kia chặn lại.
 
Quan trọng hơn là có thể nghiên cứu thành phần khí quyển thông qua ảnh quang phổ, nghiên cứu về sự tương tác giữa phóng xạ và vật chất trong bầu khí quyển mà ở đây là sự tương tác giữa khí và hơi trong bầu khí quyển của hành tinh này. Dựa vào phương pháp này, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự tồn tại của hơi natri, hơi nước, khí cacbonic và khí mê tan trong khí quyển tại đây. Đây mới là hành tinh thứ 2 có hợp chất hữu cơ trong khí quyển được chúng ta tìm ra.