Đảo Phục Sinh, bí ẩn chưa có lời đáp

Dark Master, Theo 10:04 23/07/2010

Câu hỏi gây tranh cãi nhất vẫn là: Những bức tượng kì lạ ở đây là công trình của người trái đất hay... người ngoài hành tinh?

Đảo Phục Sinh (theo tiếng bản địa là Rapa Nui) là một hòn đảo nằm cô lập ở giữa phía Nam Thái Bình Dương thuộc địa phận đất nước Chile. Sở dĩ đảo có cái tên là "Phục Sinh" là bởi nó đã được thuyền trưởng người Hà Lan-Roggeveen phát hiện ra đúng trong ngày Lễ Phục Sinh vào năm 1722. Đảo Phục Sinh nổi tiếng không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ của nó mà còn bởi những câu chuyện bí ẩn liên quan đến những bức tượng Moai hay là ngôn ngữ Rongorongo mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
 
Vị trí Đảo Phục Sinh trên bản đồ. 
 
Những cư dân sống trên đảo Phục Sinh đã sáng tạo hệ thống chữ viết riêng- Rongorongo, khác xa so với các hệ thống chữ viết trên thế giới. Đến nay các nhà ngôn ngữ học vẫn chưa thể nào có thể giải mã được hết. Một điều đáng ngạc nhiên nữa là hầu hết các cư dân trên các hòn đảo khác thuộc Thái Bình Dương thậm chí đều không biết chữ, và kể cả những thổ dân da đỏ cũng không biết viết.
 
Vậy thì ai đã dạy những người dân trên đảo Phục Sinh biết viết, hay họ tự phát triển hệ thống chữ viết riêng của mình? Cần phải nhớ rằng chữ viết được sáng tạo ra lần đầu tiên ở châu Á chỉ vài ngàn năm trước công nguyên.
 
 Cư dân trên đảo có hệ thống chữ viết riêng.
 
Nhưng Rongorongo chỉ là một trong vô số câu đố bí hiểm trên đảo Phục Sinh. Một ví dụ điển hình khác đó là gần 900 bức tượng khổng lồ, hay còn gọi là "moai", trong đó có những bức cao tới 10 mét nặng 82 tấn, tạc từ đá núi lửa. Ai đã xây những bức tượng này và họ đã đến đây như thế nào? Không ai biết được câu trả lời chính xác, nhưng có nhiều người đang đi tìm câu trả lời đó. Thậm chí, có người còn cho rằng, người ngoài trái đất đã dựng lên những bức tượng này và rất nhiều giả thuyết khác nữa.
 
Tượng trên đảo Phục Sinh có chiều cao thay đổi từ 2 m đến 10 m. Ban đầu, tượng được đặt lên các tấm móng hành lễ (hiện còn khoảng 250-300 tấm), còn gọi là "ahu", vòng quanh bờ biển của đảo.
 
Tượng lớn nhất đặt thành công là tượng Paro nặng 82 tấn. Tượng lớn nhất trong tất cả các tượng, tên là ElGigante (Người khổng lồ) dài 20 m, nặng khoảng 270 tấn, vẫn còn bỏ lại tại mỏ đá Rano Raraku quarry. Mỏ đá này còn 394 tượng bỏ phế.
 
Những bức tượng Moai khổng lồ trên đảo Phục Sinh
 
Tuy vậy, các nhà khảo cổ lại cho rằng những bức tượng này được đẽo từ mỏm cao nhất của thành của một ngọn núi lửa trên đảo. Sau khi đẽo xong một bức tượng, có thể nó đã được lăn hoặc được kéo xuống chân núi lửa. Sau đó, người ta sẽ dựng nó đứng thẳng lên và dây thừng được buộc quanh thân bức tượng. Bằng cách sử dụng hệ thống ròng rọc, bức tượng được di chuyển đến vị trí định trước.
 

 
Những sợi dây thừng được quấn quanh bức tượng hoạt động như một pu-ly truyền động. Một nhóm khoảng 30 người đàn ông sẽ kéo một đầu dây, kéo một mặt của bức tượng tiến lên phía trước. Bằng cách này, một mặt của bức tượng có thể đi được vài bước chân mỗi lần kéo. Sau đó, quá trình lại được làm ngược lại, mặt kia của bức tượng sẽ được làm như mặt trước đó đã làm, và cứ như vậy… phải đến vài tháng, một bức tượng mới được di chuyển vài dặm xuống đến bờ biển. 
 
Phải mất vài tháng để kéo được những bức tượng này ra bờ biển.
 
Các vết phấn hoa sót lại cho thấy rằng ngày xưa từng có giống cọ Jubaea cao hơn 30m mọc trên đảo, rất thích hợp để làm những chiếc dây thừng bền chắc và cho rằng Phục Sinh cũng từng là một hòn đảo cây cối rất tươi tốt. Cũng từ đó có ý kiến cho rằng, do chính con người nơi đây đã tàn phá thảm thực vật trên đảo, gây ra một thảm họa sinh thái, và đó cũng chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra thảm hỏa diệt vong tại nơi đây.
 


Trong cuốn "Tại sao các xã hội sống sót hay diệt vong", nhà sinh học tiến hóa Mỹ Jared Diamond thuật lại một tiến trình giả định: người Maya đốt rừng làm rẫy trồng ngô, khiến đất đồi bị mưa bào mòn, dẫn đến hạn hán, kết quả là nền văn minh Maya tự phá nguồn sống của mình, dẫn đến bị diệt vong. Cũng vì lý do tương tự mà người Viking trên đảo Greenland mất tích trong lịch sử.
 
Nguyên nhân nào dẫn đến sự diệt vong trên Đảo Phục Sinh?
 
Lý thuyết của Diamond nghe chừng có vẻ khá lọt tai. Tuy nhiên, nó có một điểm yếu: người Polynesia không đến đảo vào khoảng 800 năm sau Công lịch như vẫn được truyền tụng, mà tận những 400 năm sau đó – theo những phân tích đồng vị phóng xạ khá chính xác. Có nghĩa là kết cục đau buồn của văn hóa Rapa Nui chỉ diễn ra trong vòng 150 năm. Vậy liệu trong vòng 150 năm, con người có thể biến một hòn đảo xanh tươi khá rộng lớn so với số cư dân ít ỏi thời ấy thành một hoang đảo khô cằn như vậy được không? Câu trả lời có lẽ là không.
 


Song ngay cả khi hoạt động phá rừng của người Polynesia không phải là nguyên nhân duy nhất khiến họ diệt vong, thì họ cũng không hề “trắng án” hoàn toàn: Bởi lẽ họ đã mang lên đảo này một đội quân phá rừng cọ còn ghê gớm hơn họ gấp hàng trăm lần: đó là… chuột!

Một nhóm nhà khoa học dưới sự chỉ đạo của ông Terry L. Hunt từ ĐH Hawaii đã đưa ra giả thuyết này vì phát hiện ra các quả cọ ẩn trong lớp trầm tích ở bờ biển cho thấy chúng đều bị gặm nhấm bởi chuột. Theo nhóm khoa học trên, người Polynesia khi đến đảo đã đem theo giống chuột Thái Bình Dương (rattus exulans) trên thuyền.
 
Chúng tìm thấy ở đảo Phục Sinh một điều kiện sinh sôi nảy nở như thiên đường: Ước tính đến năm 1200 sau Công lịch, trên đảo sẽ có chừng khoảng 2-3 triệu con chuột. Chúng đã gặm sạch các quả cọ, làm cho chúng không còn để mầm cọ phát triển, và sẽ khiến cho quá trình hủy diệt các cánh rừng cọ trên đảo diễn ra nhanh hơn.
 
Đảo Phục Sinh vẫn sẽ mãi là những bí ẩn?
 
Tuy nhiên những lập luận đó vẫn chỉ dừng lại ở những giả thuyết, và vẫn chưa có những bằng chứng  xác thực cụ thể nào . Và vì lẽ đó mà có lẽ Đảo Phục Sinh vẫn tiếp tục sẽ là một trong những bí ẩn lớn nhất của thế giới mà con người chưa thể khám phá nổi.  Ngày nay, những tượng Moai vẫn đứng sừng sững như thách thức các nhà khoa học.