Tháng 4/2014, một trận lở tuyết đã cướp đi sinh mạng của 16 người Sherpa - những người dẫn đường cho người leo núi trên đỉnh Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới.
Tai nạn đau lòng này đã làm dấy lên những tranh luận với một bên là các Sherpa muốn ngăn chặn việc
leo núi để bày tỏ lòng tiếc thương với các đồng nghiệp xấu số và một bên là chính phủ Nepal không đồng ý "đóng cửa" ngọn núi này.
Sherpa là tên gọi của một bộ phận dân tộc thiểu số sống ở dãy Himalaya nằm về phía Đông của Nepal. Là những người hiểu biết rất rõ về địa lý khu vực núi Himalaya, Sherpa trở thành hướng dẫn viên lão luyện đồng thời là trợ thủ đắc lực cho các nhà leo núi từ thuở đầu khám phá Himalaya và chinh phục đỉnh Everest.
Nhiếp ảnh gia Navesh Chitrakar đã ghi lại cuộc sống của người Sherpa trên đỉnh Everest để phần nào làm rõ những khắc nghiệt mà họ phải trải qua.
Trong hình là một người leo núi đang ở độ cao hơn 8.800m trên đỉnh Kala Patthar thuộc vùng Solukhumbu. Dù xuất hiện những tin tức về cái chết của các hướng dẫn viên Sherpa, chi phí leo núi đắt đỏ, nguy hiểm luôn rình rập nhưng hàng trăm người tới từ các quốc gia khác nhau vẫn đổ về Everest và quyết tâm chinh phục được đỉnh núi này.
Tuy nhiên gần đây, các Sherpa đã thể hiện sự phản đối bằng cách nghỉ việc, khiến nhiều người leo núi phải từ bỏ cuộc hành trình.
Khi người Anh bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Everest vào thế kỉ XX, họ đã nhờ những người Sherpa dẫn đường và mang vác tất cả hành lý lên đỉnh núi cao.
Các Sherpa luôn được ngưỡng mộ bởi họ có sức khỏe dẻo dai, sự nhiệt tình cùng khả năng làm việc tốt trong điều kiện không khí loãng. Giúp các du khách lên tới đỉnh núi cao đã trở thành nguồn thu nhập chính của Sherpa.
“Người vận chuyển” Lakpa Sherpa này năm nay đã 42 tuổi. Ông giúp các du khách cố định dây leo núi, mang vác dụng cụ, bình oxy và thức ăn lên đỉnh Everest, đồng thời cứu giúp những người gặp nguy hiểm trong khi leo núi.
Các tay leo núi sẵn sàng bỏ ra 60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ VND) cho cả cuộc hành trình và trả các Sherpa khoảng 2.000 - 3.000 USD (khoảng 40 - 60 triệu VND). Một số Sherpa thậm chí còn tự khởi nghiệp hoặc xây khách sạn và nhà nghỉ để phục vụ du khách.
Hình ảnh các du khách trở về sau khi đã tới được trại chính tại Pheriche, họ đang ở độ cao 4.300m so với mực nước biển và trước mắt là núi Thamserku. Nếu không có sự giúp đỡ của Sherpa, những nhà leo núi này không thể leo được lên đến đỉnh.
Dù các Sherpa nắm rõ khu vực như trong lòng bàn tay nhưng cũng không ít người đã phải bỏ mạng trong quá trình chinh phục Everest. Chồng của Nima Doma - anh Lakpa không may khi gặp trận lở tuyết vào tháng 4 vừa qua nên đã bỏ mạng. Trong ảnh, cô đang bế con gái của mình và bên cạnh là bố mẹ chồng trong ngôi nhà của họ tại Khumjung.
Lở tuyết đã trở thành tai nạn kinh khủng nhất trong lịch sử leo núi Everest. Ngoài Lakpa, một hướng dẫn viên khác có tên Mingma Tenzing cũng đã bỏ mạng vào tháng 4 bên cạnh những ca chấn thương nghiêm trọng khác do vụ tuyết lở gây ra. Có thể nói, năm 2014 trở thành năm đau thương nhất trong lịch sử leo núi của Everest.
Anh Temba Sherpa (45 tuổi) đã leo tới đỉnh Everest 7 lần. Anh đang trèo lên để lau hòn đá cầu nguyện tại Khumjung. Phần lớn người Sherpa theo đạo Phật.
Bên cạnh đó, họ còn tin rằng Chúa trời và ma quỷ cũng hiện hữu trong từng khu rừng, ngọn núi, hang động. Theo họ, chúng ta cần phải tôn trọng và thể hiện lòng thành kính bằng những nghi lễ đã được tổ tiên truyền lại từ thời xa xưa.
Trong hình là cụ ông Khunjung Sherpa năm nay đã 90 tuổi ngồi trước cửa nhà tại Namche. Khi còn là "người vận chuyển" đồ đạc lên đỉnh núi cho du khách, ông chỉ kiếm được 0,09 USD/ ngày (khoảng 20.000 VND).
Các Sherpa không những bị trả ít tiền so với công sức bỏ ra mà còn gặp phải sự thiếu tôn trọng của một số người leo núi. Tháng 4 vừa qua, giới leo núi đã ngỡ ngàng trước tin tức về cuộc ẩu đả giữa 3 người phương Tây và người Sherpa.
Theo tìm hiểu, 3 du khách này đã coi thường các Sherpa và thậm chí còn phớt lờ những quy định an toàn khi leo núi. Điều đáng buồn là việc bị khách hàng cư xử thiếu tôn trọng, lợi dụng, không trả tiền đang dần trở nên phổ biến và “quen thuộc” với những người Sherpa.
Bức tượng ngài Edmund Hillary được đặt trong khuôn viên trường học Khumjung, ông cũng chính là người đã thành lập nên ngôi trường này.
Edmund được gọi là “Vua Sherpa”, ông dành cả cuộc đời cống hiến cho Sherpa bằng cách xây các trường học, bệnh xá và nâng cao mức sống của người dân nơi đây.
Hình ảnh một người phụ nữ Sherpa ngồi bên cửa sổ bán đồ ăn và nước uống cho những khách du lịch tới Namche tại vùng Solukhumbu.
Ngành công nghiệp du lịch đã giúp cuộc sống của người Sherpa trở nên sung túc hơn. Nhiều người thậm chí còn quen dần với lối sống phương Tây trong khi số còn lại vẫn duy trì cách sống của ông bà tổ tiên từ nhiều thế kỉ trước.
Kedar Rai và con của anh đang vác hàng hóa lên cửa hàng của họ tại vùng Solukhumbu. Cho đến ngày nay, người Sherpa vẫn chỉ di chuyển bằng cách đi bộ mà không phụ thuộc vào ô tô hay bất kì phương tiện nào khác.
“Người vận chuyển” Lakpa Sherpa đứng trước ngọn núi Kongde ở độ cao xấp xỉ 3.400m so với mực nước biển. Dù công việc khó khăn và có thể nguy hiểm tới tính mạng, nhưng những người Sherpa vẫn chăm chỉ mưu sinh vì cuộc sống ấm no hơn của gia đình.
Trong những thập kỷ qua, các tổ chức thế giới đã có những nỗ lực nhất định để cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây.
Một tổ chức được thành lập để mang các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thuốc chữa bệnh tới những bản làng xa xôi. Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện, trường học và bệnh viện cũng được xây dựng.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Discovery News, The Guardian, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm: