Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc rằng, vì sao vào đêm Giao Thừa, chú gà bày cúng lại là gà trống hoa mà không phải là cô nàng gà mái? Ngoài ra, chú gà đó tại sao còn được ngậm bông hoa hồng đỏ xinh trên miệng nữa chứ? Câu trả lời sẽ được bật mí ngay sau đây.
Theo thần thoại của một số dân tộc Việt Nam, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất, thấy lạnh lẽo, ẩm thấp. Người bèn sai 10 Mặt trời (cũng là mười người con của Ngọc Hoàng) ngày đêm chiếu sáng để sấy khô mặt đất. Chẳng bao lâu sau, khi đất đã khô rang, nứt nẻ rồi mà Ngọc Hoàng quên không thu Mặt trời về, khiến mặt đất trở nên nắng hạn, con người khổ sở vì mất mùa và nóng.
Bỗng trên thế gian xuất hiện một chàng dũng sĩ có sức khỏe phi thường và chiếc cung thần tuyệt diệu, chàng giương cung thần lên, bắn liên tiếp những mũi tên màu nhiệm lên trời, làm rụng 9 ông Mặt trời xuống biển. Còn một ông cuối cùng sợ quá, trốn biệt không ló ra nữa. Kể từ đó, mặt đất lại trở lại như xưa, lạnh lẽo và tăm tối.
Con người và loài vật rủ nhau đi gọi Mặt trời nhưng không ai gọi được. Bỗng một hôm, có một chú gà trống choai khoẻ mạnh, vạm vỡ nhảy lên cành cây trên ngọn núi cao, dùng hết sức bình sinh, rồi vươn cổ, cất lên một tiếng gáy vang lừng. Mặt trời tò mò ngó xuống rồi quên cả sợ hãi hạ thấp dần độ cao, khiến mặt đất sáng bừng trở lại.
Đêm giao thừa (trừ tịch) là đêm trời đất tối tăm nhất, người ta bảo đó là lúc Mặt trời ẩn mình sâu nhất. Nhà nhà bảo nhau đều cúng một con gà trống với hi vọng con gà sẽ đánh thức Mặt trời chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm. Gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy với ý nghĩa khoẻ mạnh, tinh khiết, chưa "vướng bụi trần" thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.
(Theo Truyện xưa tích cũ)