5 "lợi ích" bất ngờ từ những bệnh nguy hiểm

Quốc Trung, Theo Mask Online 12:00 20/09/2012

Bệnh giang mai có thể khiến con người hưng phấn, nhiễm giun móc có thể chữa bệnh dị ứng, bệnh mụn giộp sẽ ngăn virus dịch hạch...

Vi khuẩn, virus và các ký sinh trùng gây ra bao nhiêu bệnh tật đáng ghét cho con người. Thế nhưng, đôi khi chúng cũng gây ra những “tác dụng phụ” có lợi, nhờ đó con người tìm ra những phương thuốc và cách chữa bệnh mới.  

1. Giang mai có thể gây hưng phấn

Giang mai là một căn bệnh do xoắn khuẩn giang mai (tên khoa học là Treponema pallidum) gây ra. Bệnh này chủ yếu lây qua đường tình dục và cũng có thể được truyền từ mẹ sang con. 

5-loi-ich-bat-ngo-tu-nhung-benh-nguy-hiem
Xoắn khuẩn gây ra bệnh giang mai.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn tấn công các bộ phận của cơ thể và gây ra bệnh tim, bại liệt và cả những rối loạn tâm thần, thậm chí dẫn tới tử vong. Điều kỳ lạ là trước khi bị mất trí nhớ do giang mai, một số người bệnh lại cảm thấy vô cùng vui vẻ và phấn chấn. 

Lịch sử y khoa từng ghi nhận trường hợp một cụ bà 90 tuổi mắc bệnh đã cảm thấy tinh thần minh mẫn và trẻ trung trở lại. Thậm chí, bà còn không muốn chữa bệnh và mong sống tới 100 tuổi với căn bệnh này!

2. Mắc bệnh lao thì ngừa bệnh hen suyễn

Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu vào năm 1999, thực hiện tại 23 quốc gia trên thế giới. Khi đối chiếu, các nhà khoa học nhận thấy tỉ lệ người mắc bệnh lao và bệnh hen suyễn gần như tỉ lệ nghịch với nhau. 

Theo đó, họ đưa ra kết luận, cứ thêm 25 người trong 100.000 dân mắc bệnh lao thì tỉ lệ mắc hen suyễn giảm tương ứng là 4,7%.

5-loi-ich-bat-ngo-tu-nhung-benh-nguy-hiem
Phổi bị tổn thương do lao.

Nghiên cứu này củng cố giả thuyết của các nhà khoa học cho rằng, nếu trẻ em tiếp xúc với vi khuẩn lao “mycobacterium tuberculosis” thì ít có nguy cơ mắc hen suyễn hơn. Các thí nghiệm trên động vật cũng cho thấy thành công của việc ngừa hen suyễn bằng vaccine phòng lao. 

3. Chứng tăng hồng cầu khiến bạn dẻo dai

Nếu mắc bệnh viêm phế quản hoặc sống ở những vùng núi cao, lượng oxy thấp thì nhiều khả năng con người sẽ bị mắc chứng tăng hồng cầu. 

Do nhận được ít oxy hơn bình thường, cơ thể buộc phải sản xuất thêm hồng cầu để tăng hiệu quả của việc vận chuyển oxy. Điều này khiến cho máu bị đặc lại, làm tăng nguy cơ tạo thành cục nghẽn trong máu và gây ra đột quỵ. 

5-loi-ich-bat-ngo-tu-nhung-benh-nguy-hiem
Số lượng hồng cầu tăng cao ở những người viêm phế quản hay sống ở nơi thiếu oxy.

Tuy nhiên, lượng hồng cầu cao trong máu khiến cho cơ thể bền bỉ hơn khi vận động thể lực. Một số vận động viên đã đến những vùng núi cao tập luyện nhằm lợi dụng ưu thế này. 

4. Giun móc chữa bệnh dị ứng

Ở vùng nhiệt đới, giun móc là thủ phạm gây ra cái chết của 65.000 người mỗi năm và khiến hàng trăm ngàn người mắc bệnh thiếu máu. Thế nhưng, loài vật đáng ghét này có thể là chìa khóa để chữa bệnh dị ứng cho hàng triệu người trên thế giới. 

5-loi-ich-bat-ngo-tu-nhung-benh-nguy-hiem
Vòng đời của giun móc.

Khi ở Papua New Guinea, nhà khoa học người Anh - David Pritchard nhận thấy, những thổ dân bị nhiễm giun nặng tại đây ít khi phải chịu đựng các bệnh dị ứng như bệnh sốt mùa hè hay hen suyễn. 

Qua nghiên cứu, Pritchard kết luận, khi bị giun móc xâm nhập, hệ miễn dịch của cơ thể tìm cách đào thải chúng. Để có thể tồn tại lâu dài trong ruột người, giun móc tiết ra các chất hóa học khống chế các phản ứng gây dị ứng của cơ thể. Nhờ đó, các biểu hiện dị ứng như ngạt mũi hay hắt hơi giảm hẳn. 

5-loi-ich-bat-ngo-tu-nhung-benh-nguy-hiem
Giun móc tiết ra chất làm giảm triệu chứng dị ứng.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm cho nhiễm giun trên người mắc bệnh dị ứng và thu được kết quả khá thành công. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn đang bị tranh cãi và có thể trong tương lai, khoa học sẽ tìm cách cô lập chất chống dị ứng từ giun móc để điều chế thành thuốc chữa bệnh. 

5. Mụn giộp chống bệnh dịch hạch

5-loi-ich-bat-ngo-tu-nhung-benh-nguy-hiem
Quá trình nhân bản của virus Herpes.

Các virus thuộc họ Herpes là tác nhân gây ra những mụn giộp ở miệng, chân tay, cơ quan sinh dục và não người. Những loại virus này có thể gây ra mù, điếc và các bệnh nguy hiểm như viêm não và viêm màng não. Không chỉ ở người, họ virus Herpes đã tấn công các loài động vật trên Trái đất suốt hơn 100 triệu năm.

5-loi-ich-bat-ngo-tu-nhung-benh-nguy-hiem
Tranh vẽ người mắc bệnh dịch hạch ở châu Âu thời Trung cổ.

Thế nhưng, virus Herpes có thể là đồng minh giúp con người chống lại dịch hạch, căn bệnh đã cướp đi mạng sống hàng triệu người thời Trung cổ. 

Khi xâm nhập vào cơ thể, virus Herpes khiến cơ thể sản sinh ra protein interferon gamma, có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Kết quả là vi khuẩn gây bệnh dịch hạch không có cơ hội tấn công cơ thể người nữa. 


Bạn có thể xem thêm: