10 nhà thám hiểm "tử vì nghiệp" (Phần 1)

Ái Nhi, Theo 00:00 21/02/2011

Để khai phá những vùng đất chưa từng ai đặt chân tới trong quá khứ, những nhà thám hiểm gan dạ nhất đã phải hy sinh cả tính mạng của mình. <img src='/Images/EmoticonOng/00.png'>

Ferdinand Magellan (1480 – 1521)
 
Ferdinand Magellan là nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha, ông sinh ra ở Sabrosa, miền Bắc Bồ Đào Nha, nhưng sau đó ông nhập quốc tịch Tây Ban Nha nhằm mục đích phục vụ vua Charles I của Tây Ban Nha.
 
 
Chuyến hải hành trong khoảng thời gian 1519 – 1522 của Magellan đã đi vào lịch sử như là chuyến đi đầu tiên bằng đường biển của con người từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương (nghĩa là “biển bình yên” được đặt bởi Magellan), ông là người đầu tiên vượt qua Thái Bình Dương.
 
Chuyến đi này cũng đánh dấu sự kiện con người lần đầu tiên đi vòng quanh Trái Đất, mặc dù chính Magellan cũng không hoàn thành chuyến đi của ông do bị giết trong trận chiến Mactan ở Philippines. Magellan bị trúng một mũi giáo tre và sau đó ông bị tấn công bởi nhiều loại vũ khí khác.
 
Lope de Aguirre (1510 – 1561)
 
 
Lope de Aguirre có biệt danh là El Loco hay còn gọi là “người điên”, Aguirre được biết đến với chuyến thám hiểm cuối cùng của mình xuôi dòng Amazon để tìm kiếm huyền thoại thành phố vàng El Dorado.
 
Trước đó, ông chỉ là một viên chức nhỏ của đoàn thám hiểm nhưng sau đó ông đã nổi dậy chống lại chế độ quân chủ Tây Ban Nha. Ông đã tới Peru từ năm 1536 để thám hiểm vùng đất Nam Mỹ này. Nhưng vì căm phẫn với sự cai trị tàn bạo của vua Philip II ông đã mở cuộc nổi loạn chống lại vương triều Tây Ban Nha và cuối cùng bị sát hại vào năm 1561. Những cuộc phiêu lưu trên dòng sông Amazon của Aguirre là chủ đề của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng.
 
Thuyền trưởng James Cook (1728 – 1779)
 
Ông là nhà thám hiểm, nhà hàng hải, người vẽ bản đồ và cuối cùng lên đến cấp bậc Đại tá trong Hải quân Hoàng gia. James Cook đã thực hiện 3 chuyến hải trình đến Thái Bình Dương, trở thành người châu Âu đầu tiên đặt chân đến bờ biển phía đông của Úc, ông cũng là người châu Âu đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hawaii và là người đầu tiên đi vòng quanh New Zealand.
 
 
Không những thế, ông là người góp một phần không nhỏ trong việc vẽ chính xác hải đồ của nhiều vùng đất và ghi lại nhiều hòn đảo và đường biển trên bản đồ châu Âu. Khi ông dừng chân ở Kealakekua, Hawaii, một hiểu lầm giữa ông và thổ dân trên đảo đã dẫn đến một trận chiến dữ dội và kết cục bi thương là James Cook đã bị giết trên hòn đảo Hawaii bởi những thổ dân trên đảo – những người trước đó đã vô cùng tôn trọng ông.
 
David Douglas (1799 – 1834)
 
 
Douglas là nhà thực vật học người Scotland. Ông đã đạt nhiều thành công trong lĩnh vực thực vật học và trở thành giảng viên thực vật học ở Vườn thực vật Glasgow. Ông thường xuyên đặt chân tới Bắc Mỹ để tìm kiếm các loài thực vật mới. Trong chuyến hành trình ngắn ngủi cuối cùng của sự nghiệp, Douglas đã bị những góc cạnh sắc nhọn của một cái bẫy động vật đâm vào.
 
David Livingstone (1813 – 1873)
 
 
Livingstone là nhà truyền giáo người Scotland thuộc Hội Truyền giáo London và là nhà thám hiểm khám phá khu vực Trung Phi. Năm 1844 khi đang thiết lập cơ sở truyền giáo mới tại Mabotswa, Livingstone bị sư tử tấn công, nếu không nhờ một giáo viên người Phi giải cứu có lẽ ông đã mất mạng. Sau vụ tai nạn, một cánh tay của Livingstone bị liệt một phần và ông phải chịu đau đớn do vết thương cho đến cuối đời. Ông chết vì bệnh sốt rét và bệnh lị.