Kết cục đáng sợ không nói nên lời của việc vứt xó iPhone cũ trong tủ từ lâu mà ít để ý

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 10:40 21/05/2019

Ai cũng có thể mắc phải sai lầm này nếu không chịu tìm hiểu kỹ về cách dùng pin smartphone nói chung, bất kể iPhone hay các thương hiệu khác.

Thời đại công nghệ phát triển nhanh ngày nay kéo theo nhu cầu nâng cấp smartphone của người dùng ngày một cao, chưa kể tới những tai nạn hi hữu khiến chiếc "dế yêu" ngày nào phải dứt áo một đi không trở lại. Một số chọn cách đem trả lại cửa hàng hoặc tái chế, số khác lại để ở nhà luôn coi như một vật kỷ niệm, hoặc đơn giản là... lười, không có lý do nào khác để dùng đến.

Tuy nhiên, việc bỏ bẵng một chiếc smartphone nguyên vẹn trong thời gian lâu dài là điều có thể gây ra nguy hiểm khôn lường, đáng buồn thay, nhiều người không thực sự biết rõ đến những kết cục kéo theo sau. Chẳng hạn như bức ảnh này đây:

Kết cục đáng sợ không nói nên lời của việc vứt xó iPhone cũ trong tủ từ lâu mà ít để ý - Ảnh 1.

iPhone để không chẳng làm gì nhưng vẫn bị phồng pin như chực nổ đến nơi?

Đây là hình minh hoạ cho lời chia sẻ của một thành viên trên diễn dàn Reddit, cho biết chiếc iPhone 5S của mình đã trở nên đáng sợ thế này dù chỉ nằm yên vị trong hộc tủ, chẳng ai động vào. Thế nhưng, mấu chốt ở đây là việc nó đã bị bỏ quên suốt 5 tháng liền, là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Thông thường, việc pin bị phồng là kết quả của việc sử dụng hết tuổi thọ và chu kỳ sạc pin, dẫn tới mức không nên và không thể dùng tiếp. Với những ai quen lạm dụng, tiêu hao quá sức đối với khả năng vốn có của pin, thường xuyên vắt kiệt dung lượng một cách cẩu thả sẽ rất sớm gặp tình trạng này.

Để pin không dùng trong smartphone cũ thì không bị vắt kiệt dẫn tới chai pin và giảm tuổi thọ nhanh, nhưng thực chất, cơ chế tự xả thải vẫn luôn hiện hữu với loại pin lithium-ion phổ biến ở hầu hết các smartphone ngày nay. Do vậy, không sớm thì muộn, vài tháng hoặc vài năm, chúng cũng sẽ... tự diệt và đi đến kết cục hết tuổi thọ cạn kiệt, rồi phồng lên như ảnh. Các chuyên gia luôn khuyến cáo sạc pin lên mức khuyến nghị 40% trước khi vứt xó, vì đó là ngưỡng an toàn cho pin lithium-ion để tự xả với tốc độ chậm nhất.

Kết cục đáng sợ không nói nên lời của việc vứt xó iPhone cũ trong tủ từ lâu mà ít để ý - Ảnh 2.

Tình trạng phồng pin theo thời gian hoặc do dùng không đúng cách xuất hiện khá phổ biến.

Vì pin vẫn luôn tự xả theo thời gian (dù có đang lắp vào smartphone hay để ở ngoài) nên nếu muốn ngăn chặn tình trạng pin xuống cấp dần rồi phồng lên lúc nào không hay, việc cần làm là kiểm tra định kỳ 3-6 tháng xem dung lượng có tụt hay không. Nếu thấp hơn ngưỡng 40%, hãy sạc nó lại lên như ngưỡng lý tưởng trên để tránh hết tuổi thọ và phồng nhanh.

Tại sao pin phồng và hết tuổi thọ lại nguy hiểm? Trước hết, đó là một nguyên nhân gây cháy nổ khi gặp điều kiện xấu (tác động bởi nhiệt độ, độ ẩm hay va chạm). Ngoài ra, các chất hoá học có trong pin cũng rất độc hại khi bị rò rỉ, hoặc đơn giản là vứt bỏ ra ngoài môi trường không đúng cách. Ngay từ tên gọi của pin, lithium (Li) là một kim loại rất độc hại ở bất kể dạng nào, có thể gây chết người khi hít phải một lượng vừa đủ.

Nếu không có điều kiện tự xử lý pin hết khả năng sử dụng tại nhà, ít nhất hãy mang tới các siêu thị lớn hoặc cửa hàng công nghệ. Tại đó, họ sẽ luôn đặt các thùng rác riêng cho đồ phế thải công nghệ bỏ đi, hoặc ít nhất sẽ có người biết phải làm gì khi được hỏi về vấn đề này. Hãy dành chút thời gian quan tâm tới môi trường và tương lai lâu dài của chúng ta, thay vì tiết kiệm vài giây lười biếng ném pin hỏng vào sọt rác bừa bãi tại nhà khiến chúng khó tìm ra và phân loại nhé.

Tham khảo: Android Central, Howtogeek