Hỏi về lịch sử triều Nguyễn, "Confetti" đưa ra cả 3 đáp án sai!

Minh Khôi, Theo Trí Thức Trẻ 15:00 14/07/2019
Chia sẻ

Đây có lẽ là một trong những điều bức xúc của khán giả khi "Confetti" đã không nghiên cứu kĩ trong lúc soạn thảo câu hỏi, dẫn đến sự việc đáng tiếc về sau.

Trong chương trình "Confetti" phát sóng tối ngày 13/7, chương trình đã đưa ra một câu hỏi tương đối "khoai": "Đâu là loại mũ các vua triều Nguyễn sử dụng khi thiết thường triều", đồng thời đưa ra 3 đáp án tương ứng là Mũ bình thiên, Mũ bình đính và Mũ cửu long. Đáp án đúng được chương trình đưa ra là "Mũ bình thiên", tuy nhiên, sau khi tham khảo các nguồn tài liệu và sách vở chính thống, có thể khẳng định: cả 3 đáp án chương trinh đưa ra không đáp án nào đúng.

Hỏi về lịch sử triều Nguyễn, Confetti đưa ra cả 3 đáp án sai! - Ảnh 1.

Host Tường Vy và Tiko

Trang phục của các Hoàng đế nhà Nguyễn không chỉ là trang phục để mặc bên ngoài thông thường, mà còn thể hiện quyền lực, địa vị của một bậc "Thiên tử" ở trời Nam, mỗi trang phục đều được thực hiện cầu kì, tỉ mỉ với các chất liệu quý giá và đều được quy định tên gọi, phương cách sử dụng và dịp sử dụng rất chặt chẽ. Thông thường, một vị Hoàng đế triều Nguyễn sẽ có: Cổn phục (trang phục sử dụng khi Tế Nam Giao), Đại triều phục (trang phục sử dụng khi thiết đại triều tại điện Thái Hòa ngày 1 và 15 hằng tháng hoặc các dịp đại lễ của triều đình), Thường triều phục (trang phục sử dụng khi thiết thường triều tại Điện Cần Chánh các ngày 5, 10, 20, 25 hằng tháng), Xuân Thu (trang phục sử dụng khi Tế Tông Miếu), Quân phục…

Cụ thể hơn, Cổn phục của Hoàng đế chính là loại lễ phục cao quý nhất của các bậc Thiên tử, chỉ sử dụng trong một dịp duy nhất là tế Nam Giao, là ngày đại tế lớn nhất của các triều đình quân chủ ngày xưa, không chỉ là việc Hoàng đế thay mặt thần dân tế Trời Đất cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, mà còn biểu hiện cho thần quyền của Hoàng đế và tính chính danh của một triều đại. Trong dịp tế tối trọng đại này, Hoàng đế triều Nguyễn sẽ mặc một dạng thức trang phục rất xưa gọi là Cổn Miện.

Hỏi về lịch sử triều Nguyễn, Confetti đưa ra cả 3 đáp án sai! - Ảnh 2.

Vua Khải Định mặc Cổn Phục, đầu đội mũ Miện (mũ Bình Thiên), lễ phục tế Nam Giao

Cổn Miện bao gồm có Miện Quan và Cổn Phục. Miện Quan (mũ Miện) còn được biết đến dưới cái tên "Mũ Bình Thiên", được mô tả: "Mũ Miện tế Giao trên vuông dưới tròn, đính hai chữ Vạn Thọ bằng vàng hặc hai chữ Thiên Địa bằng vàng, 12 hình rồng mây, 6 hình ngọn lửa, 2 thùy văn, 4 nhiễu tường, 1 hoa sen, 1 đóa mây, 1 liên đằng chạy viền quanh thành mũ, 256 hạt vàng, 2 cúc, 2 khuyên. Mặt trước và sau có 24 dải lưu (trước 12, sau 12), hai bên phải trái mỗi bên một dải lưu, đều xâu chuỗi bằng san hô, trân châu, pha lê và các hạt vàng, tổng cộng 300 hạt. Xung quanh có mạng kim tuyến đính kết với 400 hạt vàng ngọc".

Đây chính là loại "Mũ Bình Thiên" mà chương trình có sự nhầm lẫn. Quả thật, Mũ Bình Thiên, hay còn gọi là Mũ Miện, là một loại mũ chuyên biệt của Hoàng đế nhà Nguyễn, nhưng hoàn toàn không sử dụng trong dịp thường triều, mà quy chế sử dụng cao hơn rất nhiều – tế Nam Giao, dịp đại tế trọng đại nhất của triều đình quân chủ.

Hỏi về lịch sử triều Nguyễn, Confetti đưa ra cả 3 đáp án sai! - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, Đại triều phục của Hoàng đế gồm có mũ Cửu long Thông thiên mặc với Long bào. Mũ Cửu long Thông thiên là dạng mũ dân gian hay gọi là "Xung Thiên", "Triều Thiên", đính 31 hình rồng vàng và vô số các loại đá quý với số lượng được quy định chặt chẽ.

Hỏi về lịch sử triều Nguyễn, Confetti đưa ra cả 3 đáp án sai! - Ảnh 4.

Mũ Cửu long Thông thiên, hiện vật phục chế bởi nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, Bảo tàng Lịch sử

Thường triều phục của Hoàng đế gồm có mũ Cửu long Đường cân mặc với Hoàng bào. Đây chính là điểm mà chương trình đã có sự nhầm lẫn, mũ Cửu long Đường cân là loại mũ có phần gáy nhô cao, chỏm khum tròn trùm về phía trước, choãi sang hai bên tạo thành hình chữ bát. Loại mũ này kết hợp với Hoàng bào thêu rồng và hoa văn tạo thành loại trang phục thiết Thường triều của của Hoàng đế nhà Nguyễn.

Hỏi về lịch sử triều Nguyễn, Confetti đưa ra cả 3 đáp án sai! - Ảnh 5.

Hoàng đế Tự Đức đội mũ Cửu long Đường cân


Hỏi về lịch sử triều Nguyễn, Confetti đưa ra cả 3 đáp án sai! - Ảnh 6.

Hoàng đế Thành Thái đội mũ Cửu long Đường cân

Ngoài ra, liên quan đến chiếc mũ Bình Thiên cũng có ghi nhận vào năm 1816 (triều Gia Long), triều phục của các vị hoàng tử, hoàng tôn, công tử được quy định: "Mũ dùng mũ Bình Thiên sức vàng và ngọc châu". Tuy nhiên, năm 1832 dưới triều Minh Mạng, ông đã ra lời dụ quy định đổi tên mũ Bình Thiên thành mũ Bình Đính vì cho rằng cái tên Bình Thiên không phù hợp với thân phận bề tôi. Đây chính là chiếc mũ Bình Đính xuất hiện trong đáp án B của chương trình "Confetti".

Trao đổi với nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, chuyên gia phục chế mũ mão triều Nguyễn được Chính phủ công nhận, đồng thời là người đã chế tác thành công những chiếc mũ sử dụng làm hình minh họa, bác cũng đồng ý với nhận định của tác giả, đồng thời khẳng định đáp án dành cho câu hỏi của "Confetti" đều chưa đúng cho cả 3.

(Nguồn tham khảo: Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ của Nội Các triều Nguyễn

Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn

Ngàn năm áo mũ của học giả Trần Quang Đức

Nhà nghiên cứu, phục chế mũ mão triều Nguyễn – Vũ Kim Lộc)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày