“Vì em hiếu học” ươm mầm khát vọng

Saga, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 25/12/2014

Trong 10 năm, mỗi năm dành ít nhất 26 tỷ đồng cho chương trình khuyến học “Vì em hiếu học”. Đó là cam kết của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) dành cho ngành giáo dục với hy vọng chung tay cùng các nhà hảo tâm vun đắp cho thế hệ tương lai.

Theo đó, ngay trong năm đầu tiên triển khai chương trình, Viettel cam kết trao 26.000 suất học bổng với tổng trị giá 26 tỷ đồng cho các em học sinh hiếu học trên toàn quốc. Với thông điệp “Khi triệu ước mơ nhỏ cần một nghĩa cử lớn”, chương trình khuyến học “Vì em hiếu học” vừa được Viettel và các đơn vị đồng hành (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt nam, Đài Tiếng nói Việt Nam) chính thức phát động.

Chương trình này không chỉ hiện thực hóa hàng chục nghìn ước mơ nhỏ của các em học sinh hiếu học mà còn kêu gọi cộng đồng, tổ chức, cá nhân cùng chung tay tiếp sức cho hàng triệu giấc mơ hiếu học khác trên toàn Việt Nam.

Theo kế hoạch, chương trình sẽ được triển khai xuống tận cấp xã, trong đó ưu tiên 2.331 xã nghèo theo Chương trình 135 và 311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Hội khuyến học của xã sẽ lựa chọn 10 em nhỏ xứng đáng nhất để trao học bổng hàng năm, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Số tiền này sẽ được quy đổi sang dụng cụ học tập, phương tiện đến trường hoặc các khoản học phí cho các em.

Trong những năm qua, Viettel đã dành nhiều tỷ đồng để đầu tư cho giáo dục, hành động này không chỉ giúp chắp cánh ước mơ cho trẻ em hiếu học mà còn là việc xây dựng nền tảng tri thức trẻ để phát triển đất nước vững mạnh. Nói như lãnh đạo của Viettel thì việc Viettel đầu tư cho con người và chỉ có những con người giỏi với năng lực và sức sáng tạo thì mới giúp Viettel mở những con đường mới và làm những sứ mệnh mới.

Đánh giá về ý nghĩa to lớn của chương trình này, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “Đã có nhiều tổ chức, cá nhân triển khai các hoạt động khuyến học, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều em học sinh phải bỏ học giữa chừng hoặc được đi học nhưng trong điều kiện thiếu thốn. Trong bối cảnh đó, chương trình “Vì em hiếu học” ra đời với cam kết kéo dài trong 10 năm là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa lớn”.

“Vì em hiếu học” ươm mầm khát vọng 1
Ước mơ tới trường

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 học sinh bỏ học. Trong đó, đa phần các em đang sinh sống ở khu vực miền núi, nơi có điều kiện và hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh tình trạng các em phải bỏ học vì gia đình quá nghèo, nhiều em nhỏ khác dù vẫn được đi học nhưng điều kiện sống vô cùng thiếu thốn. Những giấc mơ đơn sơ như cần có một bộ đồng phục mới trong ngày khai giảng, một bộ dụng cụ học tập đầy đủ hay một chiếc xe đạp để đến trường… không phải em nào cũng có được.

Như trường hợp của Đỗ Thị Anh Thư, học sinh lớp 5B của trường tiểu học “C” Phú Hữu, thuộc xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang- vùng nước nổi của miệt vườn sông nước. Những nếp nhà nơi đây luôn phải làm theo kiểu nhà sàn. Gia đình khá giả thì xây nhà đúc, tôn nền cao. Nhà nghèo thì chỉ có tranh tre dựng tạm.

Vách liếp chằng buộc vá víu, chỗ ở và sinh hoạt của Thư chẳng có lấy một cánh cửa đúng nghĩa. Mỗi khi nắng mưa chỉ có tấm màn vải cũ xỉn màu kéo vào để che tạm. Cô bé thường phải để sách vở trong túi nhựa, như một cách giúp những người bạn nhỏ thân yêu đó không bị ướt khi mưa.

Cùng cảnh ngộ, Trần Thị Kim Chi học lớp 4 trường tiểu học Phú Hữu, gia đình khó khăn, sống tạm bợ trong một mái gỗ tạm bợ nơi cuối xóm. Nhà trống tuềnh toàng, những gió miền Tây tha hồ luồn lách khắp nơi. Không ruộng, chẳng một góc vườn, ba mẹ của Chi phải nai lưng đi làm thuê cho người ta. Khi ở đìa, khi ở ruộng, lúc thì lại ở trên những ghe hàng, những xe đẩy khắp chốn cùng nơi…Vất vả là vậy mà cái ăn cái mặc trong nhà cũng đâu có đủ. Rồi mùa nước nổi hàng năm ở nơi đây cứ như chực chờ phủ thêm những khó khăn chồng chất.

Vượt qua những khó khăn, Chi luôn là học sinh giỏi của trường, chăm ngoan được cô yêu, bạn mến. Điều em mong muốn nhất là ngày nào cũng được tới trường, được tiếp tục học, lại có thêm thời gian giúp ba mẹ việc nhà nữa.

Khó khăn chồng chất khó khăn, cơm ăn chưa no, áo chưa đủ, các em cũng là người lao động chính trong gia đình thì sao có thời gian để đến với con chữ được. Chắc chắn với sự giúp đỡ của chương trình này, nhiều em nhỏ như Đỗ Thị Anh Thư và Trần Thị Kim Chi sẽ yên tâm hơn khi cắp sách tới trường. Tương lai rộng mở của các em đang chờ đón ở phía trước..

“Vì em hiếu học” ươm mầm khát vọng 2