Thay đổi cấu trúc đề thi đại học: Thí sinh bất ngờ

Tuổi Trẻ, Theo 10:07 05/07/2014

Kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ nhất, nhiều thí sinh dự thi hai môn Toán, Lý khối A, A1 tỏ ra bất ngờ khi cấu trúc đề thi có sự thay đổi so với đề thi tuyển sinh đại học các năm trước.

  Thí sinh thi vào ĐH Quốc tế TP.HCM trao đổi bài làm sau khi kết thúc môn thi Vật lý ở hội đồng thi Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Thay vì có phần chung (thí sinh bắt buộc phải làm) và phần riêng (thí sinh có thể lựa chọn một trong hai phần: theo chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao) như mọi năm, năm nay đề thi Toán và Vật lý chỉ có phần chung bắt buộc cho tất cả thí sinh. Liệu đây có phải là xu hướng chung của các đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014? Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:

- Các năm trước, đề thi Toán, Lý đều có hai phần riêng biệt, phần chung thường có thang điểm 7 điểm và phần tự chọn là 3 điểm. Phần tự chọn gồm hai phần và thí sinh chỉ được làm một trong hai phần này. Thí sinh làm cả hai phần tự chọn bị coi là phạm quy. Tuy nhiên ở kỳ thi tuyển sinh 2014, đề thi nhiều môn sẽ không còn theo mô hình truyền thống này nữa mà có thể chỉ thống nhất một phần chung để tất cả thí sinh tham dự kỳ thi cùng phải trả lời những câu hỏi như nhau. Đề thi này sử dụng kiến thức giao thoa giữa hai chương trình chuẩn và nâng cao, không ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh dù học theo chương trình nào.

* Nhiều thí sinh tỏ ra bất ngờ vì các em không được phổ biến sự thay đổi cấu trúc đề thi này trước kỳ thi. Thậm chí có thí sinh than phiền đề thi hơi “lạ”...

- Cấu trúc đề thi kiểu này đã được áp dụng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi và đã được xã hội đánh giá tốt. Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay tiếp tục phát huy những kết quả đổi mới, hướng tới việc kiểm tra năng lực của thí sinh, đảm bảo những nguyên tắc quy định tại quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Trên cơ sở những nguyên tắc và định hướng đó, ban đề thi quyết định cấu trúc đề thi các môn cho phù hợp, kể cả việc ra đề thi có phần tự chọn hay không. Thực tế khi đề thi không có phần tự chọn, thí sinh không phải băn khoăn, tốn thời gian suy nghĩ việc lựa chọn này để tập trung toàn thời gian làm bài tốt. Mặt khác, việc này cũng giúp thí sinh tránh bị mất điểm oan do sơ ý làm một vài câu trong phần tự chọn còn lại.

Các thí sinh sau khi kết thúc môn thi Vật lý tại Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng

* Với tư cách trưởng ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, thứ trưởng có thể nói rõ hơn về lý do dẫn đến những đổi mới về đề thi như năm nay?

- Việc đổi mới đề thi theo hướng kiểm tra năng lực thí sinh trên thực tế đã được thực hiện trong những năm gần đây. Khác với đề thi kiểm tra kiến thức mà thí sinh học thuộc lòng, đề thi kiểm tra năng lực có thể chỉ sử dụng một số kiến thức cơ bản đã học để đánh giá khả năng tư duy, vận dụng kiến thức đã tích lũy của thí sinh. Thí sinh nào thể hiện năng lực tư duy tốt thì đạt kết quả cao. Trong khi đó nếu đánh giá theo kiểu học thuộc lòng thì thí sinh nào học thuộc càng nhiều kết quả càng tốt. Đường hướng đổi mới đề thi đã rõ nhưng chưa thể áp dụng mạnh mẽ được ngay vì cần có thời gian để thay đổi cách dạy, cách học ở bậc phổ thông.

* Với những đề thi của các môn thi sắp tới, thứ trưởng có thể “bật mí” gì thêm?

- Đề thi sẽ được ra theo các nguyên tắc quy định tại quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy và đổi mới theo hướng tăng cường kiểm tra năng lực của thí sinh. Tùy theo yêu cầu này, ban đề thi quyết định cấu trúc đề thi phù hợp. Những kinh nghiệm tốt trong đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được vận dụng. Riêng đề thi ngoại ngữ chỉ có phần trắc nghiệm như năm ngoái, không có phần viết như đề thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Có thể bỏ thi “ba chung” trước năm 2017

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại buổi kiểm tra công tác thi ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân ngày 4-7. Theo đó, trước đây khi tuyên bố chính thức các trường ĐH sẽ phải tự tổ chức tuyển sinh riêng, Bộ GD-ĐT đã đưa ra chủ trương sẽ kết thúc sứ mệnh của kỳ thi “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi và chung kết quả tuyển sinh) vào năm 2017. Tuy nhiên theo ông Ga, trước đây khi các trường chưa thực hiện tuyển sinh riêng thì những tiên lượng chưa thể rõ ràng, nhưng với danh mục 62 trường tuyển sinh riêng thì thấy có thể “tăng gia tốc”, rút ngắn thời gian giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường ĐH trong tuyển sinh. Theo kế hoạch, chậm nhất đến tháng 9-2014, tất cả các trường đều sẽ phải nộp đề án tuyển sinh riêng lên Bộ GD-ĐT. “Nếu đến thời hạn đó, nhiều trường muốn tự tổ chức thi riêng hơn thì sẽ kết thúc “ba chung” sớm hơn dự kiến, nhưng nếu lại có nhiều trường vẫn muốn thi “ba chung” thì sẽ phải tiếp tục “ba chung”” - ông Ga nói.