Teen cực thích các kiểu học mới lạ trên... Facebook

Ái Nhi, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 02/05/2012

Mỗi ngày lên Facebook là các bạn lại được học thêm một phương trình Toán, một bảng công thức Hóa hay đó là một loạt các sự kiện Lịch sử trong chương trình luyện thi đại học.

Những ngày ôn tập đang khiến các bạn học sinh thật sự bị "căng não" vì quá tải. Thêm vào đó là hiện tượng "ngán sách, ngán tập" mỗi khi ngồi vào bàn học. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên mạng bắt đầu xôn xao cách học mới của teen đó chính là học trên... Facebook. Một số bạn nghe xong liền bĩu môi nói: "Rõ là đùa! Lên Facebook học chơi, học tám chứ học hành cái gì trên đó!" Nhưng đó là sự thật đấy các bạn à! Mà ngược lại còn học được rất nhiều thứ nữa là đằng khác.



Một page tên Ôn thi đại học hiện đã có hơn 4.500 lượt like và hơn 1.800 người đang nói về nó trên Facebook. "Những cuộc tranh luận trên đây cùng với mọi người sẽ giúp các bạn nhớ kiến thức lâu hơn. Và những lúc bí bài tập mà không biết hỏi ai, thì đây cũng chính là một nơi cực kì tiện lợi đối với một số bạn không đi học thêm" - An, một thành viên trên Page Ôn thi đại học cho biết.

Các dạng bài tập đều được mọi người đóng góp, chia sẻ trên trang.

Không những thế, tại trang này còn thường xuyên tổ chức thi thử vào các ngày cuối tuần. Lượng bài tập 1 ngày là hơn 100 câu, có lúc gần 150 câu hỏi. Các thành viên trong trang đều là các học sinh, sinh viên ở rất nhiều trường chuyên hoặc không chuyên. Vì thế, các bạn rất thích lên đây trao đổi bài tập, chia sẻ cách giải với nhau rất hữu ích, bất kể đó là môn Toán, Anh, Lý, Hóa hay Văn...

Còn về môn thi Lịch Sử chắc hẳn đang khiến rất nhiều sĩ tử cảm thấy chán nản vì mất đi khiến thức căn bản. Hiểu được tâm lý này, một nhóm sinh viên đang học tại Việt Nam và Mỹ đã tạo hẳn một trang Timeline Lịch Sử mang tên Việt Nam Sử Lược, giúp mọi người có thể tìm kiếm các sự kiện lịch sử một cách nhanh chóng. Và với cách học mới này thì chắc chắn rất dễ ngấm vào đầu. Hiện trang Việt Nam Sử Lược đã có hơn 11.000 thành viên và có rất nhiều phản hồi tích cực.

- Lê Thế Hiển (SN 1987), đang làm việc tại Mỹ - cựu sinh viên ĐHKHTN, TP.HCM.

- Nguyễn Hoàng Hải (SN 1987), đang theo học cao học ngành Khoa học máy tính tại University of Texas, Mỹ - cựu sinh viên ĐHKHTN, TP.HCM.

- Nguyễn Bảo Minh (SN 1987), đang học cao học ngành Khoa học máy tính, ĐH Quốc gia Singapore - cựu sinh viên ĐH Quốc Tế, TP.HCM.

- Nguyễn Hưng Hải (SN 1987), đang học cao học ngành Quảng cáo và Marketing, Đại học Leeds tại Anh - cựu sinh viên ĐH Mở, HN.

- Bùi Tôn Đức Chí (SN 1991), sinh viên đại học Kinh tế TP.HCM. 


Các thành viên trong nhóm này từ khi nghe mấy đứa em ở Việt Nam than thở chuyện năm nay thi Sử vừa dài mà lại khó nhớ nên ngay lập tức nghĩ đến Facebook. Đây là một trang mà hầu hết teen nào cũng vào mỗi ngày, nếu tận dụng được thì sẽ rất tốt. Thế là ý tưởng ấy dần dần được hình thành, cộng thêm tính năng quá ư tuyệt vời của Timeline cực phù hợp cho việc làm nên một "quyển sách" lịch sử điện tử.


Những dòng sự kiện Lịch sử được sắp xếp đúng trật tự trên trang Facebook.

Một thành viên trong nhóm cho biết: "Dự án được bắt đầu từ 3 tuần trước và mở ra vào ngày 26/4, khi mà sườn thông tin cơ bản đã được các thành viên thực hiện gần xong. Tuy nhiên, vì trang này không chỉ để phục vụ cho 1 kỳ thi Sử mà còn dành cho những người yêu thích Sử, nên các thành viên sẽ tiếp tục cập nhật cùng với sự đóng góp của cộng đồng để lịch sử Việt Nam ngày càng trở nên thân thiện hơn." Tuy nhiên, trong suốt quá trình làm việc, các bạn ấy cũng gặp rất nhiều khó khăn do mỗi thành viên đều ở một múi giờ khác nhau. Thậm chí từ khi thành lập dự án cho đến nay mọi người còn chưa bao giờ gặp mặt. Còn một số tư liệu để bổ sung vào trang cũng phải tự tham khảo trên bộ sách giáo khoa lớp 6 đến lớp 12, kế tiếp là Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Đại Việt Sử Kí Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên cùng với vô số những nguồn thông tin khác trên Internet.

Qua tìm hiểu từ một số bạn đã từng dùng qua trang Việt Nam Sử Lược này cho biết: "Nó khá là mới lạ và vì nằm trên giao diện Facebook, nên bọn tớ đỡ lười biếng hơn mỗi khi nhớ tới việc cầm quyển sách mà học bài".