Sinh viên “vã mồ hôi” học tiếng Anh

VTC, Theo 10:10 15/10/2010

Với quy định đủ trình độ tiếng Anh mới được ra trường, SV nhiều trường lo sốt vó tìm chỗ học...

Khi trường là trung tâm ngoại ngữ

Tại Trường CĐ Văn hoá nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, nhà trường dùng Toeic để đánh giá trình độ SV. SV khi ra trường, tuỳ theo hệ CĐ, TCCN và khoá trước hay khoá sau phải đạt đủ điểm Toeic mới được tốt nghiệp. SV muốn có bằng ra trường phải học tại trường hoặc có bằng do Viện khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) công nhận.

Theo đó, nhà trường hợp tác với một trung tâm Anh ngữ bên ngoài mở luôn lớp học tiếng Anh tại trường. Hai tầng lầu để học chính khóa tại cơ sở chính trên đường Phan Huy Ích, Q.Gò Vấp được chuyển thành các phòng chuyên dụng cho SV học tiếng Anh.

Một SV giấu tên năm thứ 3, hệ CĐ của trường cho biết để học hết khoá học với 350 điểm Toeic, bạn ấy phải bỏ ra 6 triệu đồng. Riêng học kì này cô phải đóng 1,6 triệu/3 tháng. Số tiền bỏ ra học tiếng Anh gần bằng một nửa học phí.


Phòng học tiếng Anh được nhà trường lo khá “chu đáo” (Ảnh chụp phòng học tiếng Anh Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cơ sở chính).

“Nếu so với bên ngoài thì đúng là học phí tiếng Anh ở trường rẻ hơn. Nhưng chỉ vì học tiếng Anh mà phải học chính khóa ở nhà cấp 4, nóng nực, tồi tàn tận huyện Hóc Môn thật không đáng. Trong khi đó, chất lượng dạy ở trường liệu có được như ở trung tâm chính?” - SV này bức xúc.

SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng bất bình không kém. Trường này quy định SV ra trường tuỳ theo hệ đào tạo sẽ phải đạt số điểm Toeic, Toefl, bằng A, B, C, Ielts tương ứng. Các bằng trên phải là chứng chỉ quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, SV phải trải qua thêm kì kiểm tra ở trường thì các bằng trên mới được công nhận.

“Nhiều bạn có bằng của ĐHQG TP.HCM cấp đúng với quy định của trường nhưng khi tham gia kì thi ở trường lại rớt.” – A. , SV năm thứ 2 khoa Tài chính ngân hàng cho biết. 

“Ai học ôn ở đây lại dễ dàng lấy bằng hơn” – C. , SV năm thứ 3, hệ CĐ khoa Kế toán nói. SV này đã bỏ ra hơn 500 ngàn/ tháng cho lệ phí ôn và thi. “Khi so sánh giữa đề cho SV học ôn tại trường và cho SV không ôn thi tại trường thấy khác nhau lắm. Đề thi cho các bạn học bên ngoài có phần khó hơn”C. nhận xét.

C. còn cho biết khi tham gia học ôn tại trường, thực tế cô không học được gì nhiều. Lớp học rất đông, trên 50 SV/lớp. “Lớp mình học ít nhất cũng 60 bạn. Nếu muốn lấy bằng thì học ở đây, nếu muốn lấy kiến thức thì nên học bên ngoài” - SV này khuyên.


Trong khi sinh viên phải học chính khóa ở những ngôi nhà cấp 4 như thế này (cơ sở phụ).

Trung tâm ngoài: Đủ cách “móc túi”

Để đạt toeic 450, Thanh Yên, SV năm thứ 2 Trường ĐH Tôn Đức Thắng tìm đến Trung tâm Anh ngữ D.M để học. Mức học phí ở đây được cho là rẻ so với các trung tâm khác.

“Ở đây mình tốn 600 ngàn/4 tuần, mỗi tuần 3 buổi. Trong khi, hầu hết các trung tâm được coi là uy tín ít nhất cũng 1 triệu/4 tuần. Mình là SV làm sao kham nổi giá đó” - Yên cho biết.

Theo nhân viên tư vấn, bạn ấy sẽ được học với 2 giáo viên Việt, 1 giáo viên nước ngoài trong 1 tuần. Lớp học tối đa 25 học viên. Thế nhưng, sau 3 tuần học, Yên phát hiện ra cô phải học lớp học gần 40 học viên, giáo viên lại không cố định.

Mặc dù quy định số tiền đó cho 4 tuần, nhưng trên thực tế chỉ có 26 ngày tương đương với 11 buổi học thay vì 12 buổi.

Đó là chưa kể, ở đây, phải đóng tiền mua giáo trình bên cạnh học phí. Với 2 cuốn sách phô tô, phải trả hơn 40 ngàn đồng, trong khi nếu phô tô bên ngoài chỉ tốn khoảng 20 ngàn đồng. Ngoài giáo trình, đĩa CD sao chép bán với giá trên 20 ngàn đồng/CD.

Còn Bích Thủy, SV Trường ĐH KH XH&NV TP.HCM tìm đến Trung tâm Anh ngữ M.K mới mở để đăng ký học. Sở dĩ chọn trung tâm này vì Thủy thấy thông báo tên giáo viên khá uy tín mà bạn ấy biết.

Thế nhưng, sau khi đăng ký rồi mới phát hiện ra, giáo viên này từng dạy ở đây, bây giờ không còn nữa. Vậy là...  đành cắn răng học cho hết tháng.


Giáo trình với 2 cuốn sách phô tô, 1 đĩa sao chép của một trung tâm ngoại ngữ nhưng giá trên 50 ngàn đồng. 

Những năm gần đây, nhiều trường ĐH, CĐ hiện nay đều có những quy định riêng về trình độ Anh ngữ khi SV tốt nghiệp. Có trường quy định bằng A, B, C, nơi lại đòi bằng Toeic, nơi đòi bằng Toefl, Ielts… có nơi quy định cả 3 – 4 loại bằng. Sinh viên theo đó cuống cuồng tìm nơi học để không bị kẹt lại trường chỉ vì thiếu bằng tiếng Anh.

Từ đó, nhu cầu học ngoại ngữ của SV tăng cao. Trường học tranh thủ vừa dạy kiến thức chính khoá kiêm luôn trung tâm ngoại ngữ. Trung tâm ngoại ngữ bên ngoài thì được mùa mọc lên khắp nơi.

Cho dẫu SV có đáp ứng được những tấm bằng tiếng Anh nhà trường quy định khi tốt nghiệp thì liệu tấm bằng đó có thực chất hay không?

Như lời một SV ĐH Công nghiệp TP.HCM, muốn có kiến thức thật phải học ở bên ngoài. Thế nhưng, trung tâm bên ngoài cũng “vàng thau” lẫn lộn. Và dù “vàng” hay “thau” thì giá cả ở những trung tâm tiếng Anh bên ngoài cũng được “hét” lên cao ngun ngút.