Rối vì cẩm nang tuyển sinh

HHT, Theo 10:27 02/03/2012

Bộ GD - ĐT khẳng định sẽ không tham gia in cuốn Những điều cần biết... mà khuyến khích các nhà xuất bản in ấn tài liệu này đang khiến không ít thí sinh hoang mang khi không biết đâu là tài liệu chính thống, đáng tin cậy.

Tiếp thị cẩm nang tuyển sinh đến trường

Mặc dù Bộ GD - ĐT vẫn chưa quyết về phương án tuyển sinh năm 2012 nhưng trên thị trường đã xuất hiện nhiều tài liệu về tuyển sinh. Tại các hiệu sách, không khó để tìm thấy các tài liệu này.

Riêng NXB Thống kê đã có một bộ đến 6 cuốn, mỗi cuốn dày tới trên 400 trang, giá khoảng 40.000 đồng. Trong bộ tài liệu này, có 3 cuốn thông tin về bậc đại học với tiêu đề: "Tìm hiểu về các trường đại học qua những số liệu tuyển sinh", mỗi cuốn tập trung đưa thông tin về các trường thuộc một khu vực Bắc, Trung, Nam. Tương tự, 3 cuốn của hệ cao đẳng cũng chia theo 3 miền với tiêu đề: "Tìm hiểu về hệ cao đẳng trong các trường đại học và cao đẳng qua những số liệu tuyển sinh".


Nhiều tài liệu không chính thống trôi nổi trên thị trường gây ra nhiều lo ngại về tính chính xác

Để tăng tính thời sự, hấp dẫn bạn đọc, NXB Thống kê cũng không quên chú thích: "Tài liệu phục vụ kỳ tuyển sinh năm 2012", ngay trên bìa mỗi cuốn sách. Tuy phục vụ kỳ thi tuyển sinh năm 2012, nhưng tất cả các thông tin trong các tài liệu này đều chỉ dừng lại ở năm 2011. Không chỉ tiếp cận học sinh qua các hiệu sách, các đơn vị in ấn còn thực hiện phân phối trực tiếp qua các trường.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, vừa qua, đã có nhà xuất bản gọi điện xuống trường hỏi về nhu cầu mua cẩm nang tuyển sinh. "Việc Bộ ngừng phát hành sẽ mọc ra nhiều tổ chức, cá nhân khác phát hành cuốn tài liệu này. Thông tin trong những tài liệu đó chắc chắn không thể có độ chính xác tuyệt đối như của Bộ. Điều này rất đáng lo ngại" - ông Lâm chia sẻ.


Mùa thi năm nay, thí sinh sẽ có thêm nhiều tài liệu để tham khảo về thông tin của các trường

Nghịch lý thừa - thiếu

Một điều dễ nhận thấy là mùa thi năm nay, thí sinh sẽ có thêm nhiều tài liệu để tham khảo về thông tin của các trường. Tuy nhiên, việc không có một tài liệu nào mang tính chính thống sẽ khiến các sĩ tử rơi vào cảnh thừa mà vẫn thiếu. Thừa tài liệu, nhưng lại thiếu sự tin tưởng ở tất cả các tài liệu đó. "Thà chỉ có một quyển, nhưng đáng tin, còn hơn có rất nhiều nhưng chẳng biết nên tin vào quyển nào" - ông Lâm nói.

Theo Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận, bên cạnh việc khuyến khích các nhà xuất bản in ấn, Bộ sẽ trao đổi với NXB Giáo dục và cân nhắc tiếp tục in cuốn này theo nhu cầu của xã hội. Nhưng tất cả các số liệu trong đó đều không có nhãn Bộ GD - ĐT mà do các trường tự cân nhắc, xem xét, tự chịu trách nhiệm.


Trên thực tế, việc in ấn cuốn Những điều cần biết... vẫn còn nhiều sai sót

Tuy nhiên, theo ông Phan Khoan, Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tây, đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ in ấn cuốn Những điều cần biết... trong các năm trước đây, việc liên kết giữa nhà xuất bản với trường không đơn giản. Khẳng định sẽ vẫn in cuốn Những điều cần biết... trong năm nay, dù không còn mang "mác" Bộ, nhưng ông Phan Khoan cho rằng: "Chắc chắn hiệu trưởng các trường sẽ không dám ký biên bản ghi nhớ với chúng tôi về thông tin cung cấp". Vì thế, việc tổng hợp thông tin sẽ khó khăn hơn nhiều, độ tin cậy bị giảm sút và độ rủi ro theo đó cũng lớn hơn. "Mọi năm, doanh số thu về từ cuốn cẩm nang này khoảng từ 7 đến 10 tỷ đồng, nhưng năm nay, chúng tôi chỉ hy vọng đạt khoảng 2 tỷ đồng", ông Khoan nói.

Trên thực tế, việc in ấn cuốn Những điều cần biết... trong những năm qua, dù lấy nguồn chính thức và tập trung từ Bộ GD - ĐT nhưng vẫn xảy ra các sai sót. Bộ "buông" thì khả năng sai sót chắc chắn còn cao hơn. "Khi Bộ "né" việc phải chịu trách nhiệm về cuốn tài liệu này thì người chịu thiệt thòi nhất vẫn là thí sinh vì bị lạc giữa một rừng thông tin mà độ mù mờ của chúng là ngang nhau. Trong khi đó, kỳ thi đại học lại là kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm miệt mài đèn sách, mang tính bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người" - Phương Thảo, học sinh trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), lo lắng.