Những kiểu nghĩ đúng chất học trò

lethuy248, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 22/03/2012

Là học sinh ai mà chẳng thích được nghỉ tiết, nghỉ giờ, rồi thì không phải kiểm tra bài cũ, không phải thi giữa kì, thi hết môn.

Nhưng thường thì “ghét của nào trời trao của ấy” và việc đi học gắn liền với những chuyện điểm số là điều dĩ nhiên, không thể tránh khỏi. Thế nên đại đa số teen đi học đều có những tâm lí không tích cực lắm trong việc học tập.

Tâm lí không thi lại không phải là sinh viên

Có thể coi đây là câu nói cửa miệng của sinh viên mất rồi! Nếu như ở cấp I được điểm 7 - 8 với teen là thấp, nhiều khi còn nơm nớp sợ bị bố mẹ mắng nữa, thì lên cấp II, 7 - 8 là chuyện bình thường và đến cấp III, có lẽ với nhiều teen 7 - 8 là cả niềm vui, thế còn ở đại học thì sao? 7 - 8 là cả một niềm mơ ước cơ đấy! Sẵn suy nghĩ càng lên cao việc thi được điểm cao càng khó, thế nên đây cũng là một phần làm hao hụt bớt ý chí tiến thủ của teen khi bước chân vào giảng đường đại học.

Nếu năm nhất thi bị điểm thấp có thể bạn còn thấy chút “tội lỗi” với bố mẹ. Nhưng rồi dần qua 4 năm ngồi trên ghế đại học đã khiến teen thay đổi. Bởi rất rất nhiều teen phải thi lại, thậm chí là học lại. Không phải chỉ có mình mình bị điểm kém, mình mình thi lại, mà có rất nhiều “đồng minh” khác cùng chung cảnh ngộ và “không thi lại không phải là sinh viên” đã ra đời.

Hoa (20t) thủ thỉ: “Khi biết điểm thi học kì I năm nhất có môn tớ được 5 điểm, tổng kết 5.0 và bị điểm D. Tự nhiên òa khóc nức nở. Có lẽ vì từ trước tới giờ chưa bị điểm kém như thế. Thấy cắn rứt lương tâm và tự hứa với lòng kì sau sẽ cố gắng. Nhưng đến giờ - khi đã sinh viên năm 3 rồi thì chuyện bị điểm D là bình thường, ngay cả thi lại hay học lại cũng vậy. Nhiều môn thi tớ và nhiều bạn khác còn gạch bài đi để thi lại ấy chứ! Đã là sinh viên thì chuyện thi lại là điều đương nhiên thôi.”

Chính suy nghĩ này đã dẫn tới kết quả là cuối mỗi kì thi ở bất kì trường đại học nào cũng vậy, con số sinh viên thi lại lên tới hàng trăm.

Khi nào thi mới học

Đây là căn bệnh cố hữu của teen mà nguồn gốc của nó chính là cái tính nước đến chân mới nhảy, thậm chí là đến chân rồi vẫn không chịu nhảy. Thông thường trước khi kiểm tra, thầy cô sẽ thông báo cho teen để teen chuẩn bị ôn tập, có những thầy cô còn nói trước phạm vi kiểm tra nữa. Còn nếu thi học kì thì dĩ nhiên là sẽ có lịch thi trước rồi. Thế nên “học trước làm gì. Nhỡ học vào nội dung không thi thì có phải là mất công không? Cần phải tranh thủ những thời gian rảnh rỗi không kiểm tra, thi cử để chơi. Khi nào kiểm tra học vẫn kịp. Mà lúc đó học nó cũng mới vào được. Học sớm đến khi thi lại quên mất” - Đó là lí lẽ của Cường (17t).



Tương tự như trường hợp của Cường, Đạt (19t) cũng không khá hơn là mấy. Một môn cậu bạn này chỉ phải học trong khoảng 15 - 16 tuần. Và thời gian kiểm tra sẽ rơi vào các tuần khoảng từ tuần 8 hoặc 9. Thế nên cho dù đã bắt đầu vào học kì 2 được hơn một tháng rồi mà anh chàng này vẫn chưa kịp giở giáo trình hay làm bài tập môn nào cả. Tất cả cứ như ngày hôm qua.

Chuyện mà teen thức liền 2 - 3 đêm để ôn thi là quá đỗi bình thường. Thậm chí mai thi thì tối nay teen sẽ thức trắng để ôn tập, sáng mai đi thi luôn và về nhà ngủ bù.

Có điểm thì mới giơ tay phát biểu ý kiến

Tâm lí này phổ biến và thường gặp nhất ở teen cấp III và những teen đang là sinh viên. Ai cũng phải công nhận rằng càng lớn teen càng “ngại” giơ tay phát biểu ý kiến. Vì thế nên nhiều thầy cô đã áp dụng biện pháp là cộng điểm hay cho điểm những người phát biểu đúng. Điều này làm cho teen có một tâm lí là nếu thầy cô cho điểm thì mới phát biểu, không thì thôi. Nhiều bạn còn bảo rằng “không có điểm thì giơ tay làm gì.” Điều này cực kì nguy hiểm bởi như thế nó sẽ khiến cho tiết học trở nên cực kì nhàm chán, thầy cô cũng không có hứng thú giảng dạy và ngay cả teen cũng thế, chính teen sẽ rơi vào trạng thái bị động trong việc tiếp nhận kiến thức từ thầy cô. 

Giơ tay phát biểu ý kiến giúp cho teen học thuộc, nhớ bài một cách rất hiệu quả, nhanh chóng. Hơn nữa, thầy cô không nói là sẽ cộng điểm cho bạn, nhưng chắc chắc nếu trong bài kiểm tra bạn mắc phải lỗi nhỏ gì đó thì cũng sẽ được châm chước hoặc nếu chẳng may teen không học bài cũ và bị gọi lên bảng thì cũng sẽ được “nợ”. Lí do khá đơn giản vì trong những tiết học đấy bạn tích cực phát biểu ý kiến.

Có điểm rồi thì không cần học bài cũ nữa

"Học bài cũ", ba từ mà không teen nào muốn nghe, muốn làm. Có thể nói học bài cũ là nỗi kinh hoàng của teen. Thử để ý xem, 15 phút đầu giờ kiểm tra bài cũ, mặt ai cũng căng thẳng và hồi hộp len lén nhìn xem cô giở sổ và gọi tên ai. Nhiều teen đã nhân các dịp như đầu học kì, đầu năm mới, sau khi nghỉ Tết xong… để xung phong làm “anh hùng” cứu các bạn thoát khỏi những giây phút “nặng nề” nhất của cả lớp… hay là chỉ dành ra một buổi tối để học bài cũ và hôm sau giơ tay lên trả bài. Tất nhiên khi đã có điểm miệng rồi thì teen sẽ vô tư thoải mái nhởn nhơ không lo việc bị gọi lên kiểm tra bài cũ nữa. 

Chính sự chủ quan này mà nhiều teen rơi vào tình huống đã có điểm rồi vẫn bị thầy cô gọi lên kiểm tra như thường và chuyện gì đến cũng phải đến. Chắc chắn là teen không thuộc. Có những bạn thì sẽ thắc mắc với thầy cô: “Thưa cô! em có điểm miệng rồi mà vẫn phải kiểm tra ạ?”

Thực ra thì học bài cũ giúp teen ôn tập khi thi cuối kì rất tốt. Khi đó chỉ cần teen đọc lại sơ qua là có thể nhớ được nội dung chính của các bài học rồi. Bởi vì trước đó teen đã học thuộc nó rồi mà. Còn cứ để dồn tất cả các bài lại với nhau không học, đến khi thi mới ba chân bốn cẳng lao vào ôn, thì chỉ như “một con vẹt” mà thôi. Việc học này phục vụ cho teen lúc thi cử, xong rồi thì đâu lại đấy, chữ thầy trả thầy. Teen rất khó để hiểu rõ được bản chất của vấn đề để có thể nhớ và vận dụng nó vào những nội dung sau này có liên quan.

Thời gian trôi đi rất nhanh. Teen lại sắp sửa chuẩn bị cho thi giữa kì, và cuối kì II rồi. Còn với những teen 12 thì sẽ phải đối mặt với rất nhiều kì thi phía trước, trong đó là thi Tốt nghiệp THPT rồi thi đại học. Thế nên với những bạn nào còn có tâm lí như trên thì hãy bắt tay vào việc học đi thôi!