Những điểm mới cần lưu ý về quy chế kỳ thi THPT quốc gia

Infonet, Theo 10:35 19/12/2014

Chiều 18/12, Bộ GDĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 và Quy chế tổ chức kì thi THPT Quốc gia, sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) mặc dù theo quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 09, 10, 11, 12 tháng 6 năm 2015, tuy nhiên theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các trường đề nghị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đâu tháng 7, như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây.

Ông Trinh lý giải, điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác, để các sở GDĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Những điểm mới cần lưu ý về quy chế kỳ thi THPT quốc gia 1

Một trong những điểm mới đáng được lưu ý đầu tiên là năm 2015 kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 01, 02, 03, 04 tháng 7.

Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Theo ông Trinh, thực tế hiện nay học sinh đang học lệch theo các môn thi tốt nghiệp THPT và các khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ do học sinh tự chọn. Để khắc phục một phần tình trạng này, trước đây Bộ GDĐT chỉ công bố môn thi vào 31/3 hàng năm. Tuy nhiên, học sinh vẫn dự đoán được môn thi tốt nghiệp. Ví dụ, năm trước thi môn Lịch sử thì năm sau sẽ không thi Lịch sử nữa mà có thể là môn Địa lí.

Chính vì vậy, phương thức thi mới sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu kết hợp với kết quả học tập tất cả các môn học ở lớp 12 của học sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điều này khắc phục tình trạng học lệch của học sinh.

Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ có quyền tự lựa chọn các môn thi để tuyển sinh thay cho các môn thi theo khối mà Bộ GDĐT quy định chung cho tất cả các trường như trước đây.

Tuy nhiên, những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển cho các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi trước đây, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các khối thi mới.

Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GDĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 3 năm.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, cơ hội vào ĐH của các thí sinh năm 2015 sẽ được tăng lên. Bởi mỗi thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia có sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ sẽ được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển. Thí sinh sẽ dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này đăng kí xét tuyển tối đa bốn đợt.

Mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Trong mỗi đợt xét tuyển, với mỗi phiếu các em lại được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng xét tuyển vào trường đó.

Sử dụng thang điểm thi 20

Cũng theo công bố của Bộ GDĐT chủ trương sử dụng thang điểm 20 cho tất cả 8 môn thi của kì thi THPT quốc gia thay vì thang điểm 10 như mọi năm. Điều này sẽ thay đổi việc tính điểm ngưỡng tối thiểu (điểm liệt) từ 1 điểm lên thành 2 điểm, đồng thời mức điểm ưu tiên cũng tăng từ 4 lên 8 điểm.

Theo Bộ GDĐT, để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao.

“Do đó, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, ông Trinh lý giải.

Chứng chỉ quốc tế môn Ngoại ngữ chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT

Riêng với môn thi Ngoại ngữ, theo thông tin từ Bộ GDĐT, TS có chứng chỉ quốc tế có uy tín sẽ được xem xét miễn thi, điểm quy đổi đạt thang điểm tối đa. Điểm này chỉ được dùng để xét TN THPT nhưng không dùng để xét tuyển ĐH, CĐ. TS muốn xét tuyển ĐH phải đăng kí thi theo quy định.

Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT.

Do đó, các thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn Ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Điểm quy đổi này chỉ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh muốn sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia.

Sẽ thành lập 34 đến 35 cụm thi

Ông Trinh cũng cho biết, Bộ dự kiến sẽ thành lập khoảng 34-35 cụm thi liên tỉnh. Với những tỉnh khó khăn, UBND có đề xuất Bộ sẽ tạo điều kiện thành lập cụm thi ở địa phương cho những thí sinh chỉ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ông Trinh cũng khẳng định: “Dù cụm thi tỉnh hay hay cụm thi liên tỉnh đều diễn ra trong khuôn khổ của cùng một quy chế, cùng một quy trình kỹ thuật, dưới sự chủ trì của các trường ĐH-CĐ và các cơ sở giáo dục phổ thông”

Việc hình thành cụm thi trên cơ sở năng lực của trường ĐH dự kiến tổ chức, năng lực đội ngũ trường ĐH, cơ sở vật chất, sức “tải” của địa phương. Để đảm bảo tính ổn định của các cụm thi nên về mặt nguyên tắc các thí sinh dự thi ở các cụm thi được hoạch định từ trước.