Mốt cho con đi Mỹ “nếm mùi” kỷ luật quân sự

Dân Trí, Theo 18:36 11/11/2009

Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh có điều kiện ở Trung Quốc thay vì chiều chuộng các quý tử của mình thì lại gửi con em đến các học viện quân sự nổi tiếng hà khắc ở tận nước Mỹ xa xôi với hy vọng chúng trở thành những người tốt hơn. <br/>

Theo Chinadaily, hiện nay, có vẻ như các bậc phụ huynh Trung Quốc không còn “hào hứng” với việc nuông chiều và làm hư con cái như vài năm trước nữa. Nhiều người đã gửi con họ đến những học viện quân sự trước đại học ở Mỹ với hy vọng tình thương yêu “cứng rắn” sẽ mở đường cho chúng đến với thành công.
 



Khác với các bậc cha mẹ ở một số nước khác muốn gửi những đứa con ngỗ nghịch đến những trường quân đội kiểu này những mong chúng được “nếm mùi” kỉ luật, nhiều phụ huynh Trung Quốc đang xem các trại huấn luyện này như một nơi mà những đứa con ngoan ngoãn của họ có thể trở nên tốt hơn, được “mài dũa” toàn diện và phát triển các kĩ năng lãnh đạo.

Ông Song Wenming, một doanh nhân ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang khẳng định: “Giáo dục tốt không có nghĩa là để những đứa con của bạn được hưởng các đặc quyền, đặc biệt là các cậu con trai. Bọn trẻ cần được nuôi dạy trong những điều kiện khắc nghiệt để biết phải đấu tranh những gì cho tương lai”.

Vào tháng 8 vừa qua, ông Song đã gửi cậu con trai 17 tuổi của mình đến Học viện quân sự Valley Forge (VFMA) ở bang Pennsylvania (Mỹ). Ông đã phải bỏ ra một số tiền khá lớn, lên tới khoảng 48.000 USD/năm.

Ông Song không phải là người duy nhất ở Trung Quốc “chịu chơi” như vậy khi gửi con đến một trường quân sự hà khắc. Các số liệu thống kê cho thấy ngày càng nhiều các học sinh Trung Quốc được đăng kí học tại những học viện quân sự kiểu này.

Một vài năm trước, chẳng có học viên người Trung Quốc nào có mặt tại Học viện Valley Forge. Nhưng, ở thời điểm này, đã có tới 28 em đang theo học tại đây.

Song Siyu, cậu con trai duy nhất của doanh nhân Song đã có một sự khởi đầu vất vả trong sáu tuần đầu tiên ở học viện. Song Siyu cho biết cậu tự nguyện đến học viện quân sự này nhưng không nghĩ nó lại khó khăn đến như vậy.

“Từ 5 giờ 30 phút sáng đến 8 giờ tối, chúng tôi phải rèn luyện thể lực, hành quân, đánh bóng giày và phù hiệu, ủi quần áo và cà vạt, học thuộc lòng các mật khẩu và quy tắc. Điều tồi tệ nhất trong tất cả mọi thứ là bị các chỉ huy quát mắng và chịu phạt, có nghĩa là phải hít đất liên tục” - Song kể. Trong ba tháng đầu tiên, Song đã phải hít đất ít nhất 8.000 cái.

Đến nay, Song nghĩ mình đã vượt qua được những gì khổ sở nhất ở ngôi trường này. Sau ba tháng, Song đã đạt được “nghệ thuật” tắm chỉ trong vòng 35 giây, ăn xong một bữa ăn mà không cần nhìn vào thức ăn, gấp chăn màn một cách chuẩn xác.

“Việc rèn luyện như thế này rất khắc nghiệt nhưng tôi biết điều đó tốt cho sự tự phát triển của các cá nhân”, Song Siyu nhận xét.

Nhưng không phải ai cũng tỏ ra hồ hởi như Song Siyu. Mười trong số 13 sinh viên Trung Quốc gia nhập học viện Valley Forge trong năm nay đã yêu cầu được chuyển sang học các trường khác.

Tuy nhiên, với những ai có thể chịu đựng thì lại nhận được những “phần thưởng” xứng đáng. Han Tianyu, tốt nghiệp Học viện quân sự Culver hồi tháng 3 vừa qua và hiện là sinh viên trường đại học Case Western Reserve, cho biết cậu đã học hỏi được rất nhiều từ khi là một học viên đến khi trở thành người lãnh đạo nhóm.