Hãy để bạn và thầy cô "xích lại gần nhau hơn"

lethuy248, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 10/01/2013

Quan hệ của học sinh với thầy cô có ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của bạn ở trường lớp. Bởi thầy cô cũng chính là một phần tạo nên sự hứng thú, niềm yêu thích của teen với môn học.

Hãy giơ tay phát biểu ý kiến hoặc đặt những câu hỏi

Một hiện tượng ở học sinh cấp 3 khác biệt hoàn toàn với teen khi còn học cấp 1, 2 đó là việc giơ tay phát biểu ý kiến. Nếu ngày còn bé, chúng ta “tranh nhau” phát biểu, hăng hái giơ tay thì lên cấp 3 tình thế lại hoàn toàn đảo ngược. Việc “phải đứng lên trả lời câu hỏi dường như là một hình thức “tra tấn” với học sinh. Nếu chẳng may “được” thầy cô gọi lên thì nhiều bạn mới đứng dậy trả lời, còn không thì đúng chất như một “buổi dự giờ”. Và điều này thực sự khiến cho thầy cô giáo bị ức chế, ảnh hưởng tới tâm lí bài giảng.

Việc các bạn chăm phát biểu sẽ gợi cho thầy cô nhiều hứng thú để giảng bài hơn. Tất nhiên buổi học cũng sôi nổi hơn. Thầy cô sẽ biết mặt, nhớ tên của bạn. Và một điều không thể phủ nhận là bạn sẽ nhận được nhiều cảm tình hơn từ phía thầy cô giáo.

Hãy để bạn và thầy cô "xích lại gần nhau hơn" 1

Thái độ nghiêm túc trong giờ học

Với tật xấu nước đến chân mới nhảy của teen khiến nhiều bạn trong giờ học của môn này lại đem bài của môn sau ra học, không chú ý đến bài giảng của thầy cô giáo. Đây là điều cấm kị với tất cả học sinh. Bởi làm như thế sẽ khiến cho giáo viên cảm thấy mình không được tôn trọng. Tốt nhất bạn hãy tập trung lắng nghe bài giảng, không được làm việc riêng trong giờ học.

Hãy cho thầy cô thấy được là bạn thật sự tôn trọng họ và nghiêm túc học tập với môn học này. Thông qua việc chuẩn bị đầy đủ sách vở, tài liệu cho một buổi học. Làm bài và nộp bài đúng thời gian thầy cô giao hẹn.

Nếu làm được điều này, điểm số cũng như kiến thức của bạn rất vững, và đó cũng là một trong số những lí do chính để thầy cô quan tâm, chú ý đến bạn nhiều hơn.

Hãy nhìn vào điểm tốt của thầy cô

Đừng bao giờ chỉ vì không học bài để lãnh con điểm kém rồi cảm thấy “ghét” thầy cô của mình. Bởi đó chính là lỗi của bạn. Nếu bạn không thuộc bài, bạn không làm được bài mà thầy cô vẫn cho bạn điểm tốt, thì chắc chắn một điều họ sẽ bị những bạn nói là “không công bằng”… Teen có thói quen đó là tám chuyện, từ chuyện trên trời dưới biển, từ anh chàng ca sĩ này đến cô diễn viên nọ, và việc nói xấu thầy cô cũng không ngoại lệ. 

Không nên chỉ trích hay lên án về cách dạy học của thầy cô giáo. Thay vào đó chỗ nào chưa hiểu bạn có thể hỏi trực tiếp thầy cô với một thái độ tích cực. Đừng sợ rằng hỏi bài thầy cô chứng tỏ mình là người học kém, và thầy cô đánh giá mình lười học, kiến thức chưa vững. Ngược lại, chính các thầy cô lại rất muốn được học trò hỏi bài từ mình. Thực ra thì chính nhờ những câu hỏi của học sinh mà thầy cô lại “ngộ” được nhiều điều.

Hãy để bạn và thầy cô "xích lại gần nhau hơn" 2

Hãy nhìn vào những ưu điểm của thầy cô để đánh giá, đôi khi chỉ cần bạn tinh tế  một chút, quan tâm một chút bạn sẽ nhận ra những suy nghĩ, tâm trạng của thầy cô. Hãy thật lòng chia sẻ, trò chuyện cùng thầy cô. Đảm bảo khoảng cách thầy trò sẽ thu hẹp rất nhiều.

Hay đơn giản chỉ là làm một thiệp tặng cô nhân ngày 20/10, một cuốn sách được gói cẩn thận đúng dịp 20/11, một bài hát “happy birthday” dành tặng thầy dịp sinh nhật… Tất cả cũng rất ý nghĩa.

Việc có được cảm tình từ thầy cô giúp cho teen rất nhiều thuận lợi trong học tập. Nếu chẳng may bạn không học thuộc bài cũ thì có thể thầy cô nhân nhượng cho bạn “nợ” lần sau, nếu chẳng may bạn gặp phải một sơ suất nhỏ trong bài thi hoặc bài kiểm tra cũng sẽ được bỏ qua…

Không những thế thầy cô còn giúp bạn có thái độ tích cực với môn học. Thậm chí có những teen đã tâm sự rất nhiều chuyện khó nói với thầy cô. Đã có rất nhiều thầy cô giáo đã trở thành người bạn, người anh người chị của học sinh. Giúp teen giải tỏa nhiều khúc mắc trong tình cảm học trò cũng như khó khăn trong cuộc sống.