Cậu học trò mang ý tưởng “đo Cửa Ngọ Môn” dự thi khoa học Mỹ

Dân Trí, Theo 10:00 12/05/2011

Là một trong 2 học sinh VN đang có mặt tại Mỹ dự cuộc thi ISEF 2011. Hà Thúc Tiến nảy sinh ý tưởng khi hàng ngày đi học qua Cửa Ngọ Môn, cột cờ ở Huế và tò mò muốn khám phá chiều cao của những cảnh quan đó.

Vượt qua hơn 100 ý tưởng của các bạn cùng trường, đến với cuộc thi cấp tỉnh và Quốc gia, Hà Thúc Tiến, học lớp 11 trường THPT chuyên Quốc Học Huế, đã lọt vào vòng chung kết và đạt giải nhất hội thi Khoa học và Kĩ thuật Quốc tế (ISEF) 2011 tại Việt Nam. 

Hà Thúc Tiến cho biết ý tưởng của mình nảy sinh khi hàng ngày bạn ấy đi học qua cửa Ngọ Môn và Cột cờ trong Kinh thành Huế. Suy nghĩ trong đầu đặt ra là cửa Ngọ Môn và Cột cờ cao bao nhiêu mét và làm thế nào để có thể đo được.


Hà Thúc Tiến (ngồi) cùng người bạn thực hiện trong nhóm bên mô hình đo góc trong không gian.

Khi được học về “Phép đo chiều cao và góc trong không gian” ở chương trình học phổ thông và biết nhà trường đang phát động cuộc thi sáng tạo Khoa học và Kĩ thuật để chọn đi thi cấp tỉnh, Tiến đã quyết định ghi tên dự thi để thực hiện ý tưởng của mình. 

“Sử dụng gương phẳng đo đạc kích cỡ và góc độ của các vật trong không gian chính xác không những giúp học sinh nắm chắc kiến thức toán đã học, ngoài ra thiết bị này có thể ứng dụng trong xây dựng” - Lí do này được Tiến giải trình qua hồ sơ đăng kí ý tưởng thi của mình tại Trường Quốc học Huế như sau: “Huế là một thành phố với quần thể di tích độc đáo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Vì vậy việc xây dựng nhà cửa cần tuân theo những điều khoản về bảo vệ cảnh quan di tích cố đô. Những ngôi nhà quá cao hơn tiêu chuẩn sẽ bị phá hủy… Máy đo góc trong không gian sẽ là công cụ hữu ích cho những đội quy tắc xây dựng đô thị để đo chiều cao của những ngôi nhà trong quần thể kinh thành Huế…”


Máy đo góc trong không gian được kiểm chứng lại bằng máy tính.

Ý tưởng là vậy nhưng phải cần đến những cộng sự thì Tiến mới có thể thực hiện được. Đoàn Phạm Phước Long là một tay cừ về tin học và Nguyễn Văn Bảo Thiện là một người giỏi về kỹ thuật. Đây là 2 người bạn thân học cùng lớp 11/1 của Tiến và đồng thời cũng là cộng sự mà Tiến chọn cho mình. 

Sau một thời gian khổ luyện nghiên cứu cùng 2 cộng sự với thời gian nghiên cứu lắp mô hình, đi đo cột cờ tại kinh thành Huế trên 50 lần. Cuối cùng mô hình đo góc và chiều cao trong không gian của Tiến thành công. Cột số liệu đo được về Cột cờ và cửa Ngọ Môn kinh thành Huế vừa khớp với số liệu của Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế lưu giữ.



Cửa Ngọ Môn và Cột cờ được Tiến đo chính xác chiều cao, khớp với số liệu gốc.

“Khi mới nhận được đề tài của em Tiến, tôi thấy đây là một đề tài hay và rất thiết thực. Nhưng các em đang là học sinh không biết liệu có thực hiện được ý tưởng của mình không. Sau một thời gian cùng Hội đồng và Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định cho em Tiến bắt tay vào công việc thực hiện mô hình của mình”, cô giáo Lê Thị Kim Chi cho biết.

Thầy Nguyễn Đình Thí, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Quốc Học Huế tâm sự : “Em Hà Thúc Tiến là một học sinh giỏi về hai môn Toán và Vật lý. Ngoài thành tích đó Tiến còn có một số giải thưởng khác như: Giải nhất cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay của tỉnh và giải ba ở cuộc thi quốc gia; Giải nhất vật lý và thiên văn Intel tại Việt Nam tháng 1/2011. Tiến đã vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng trong dịp 26/3 vừa qua”.


Tiến cùng hai người bạn trong nhóm thuyết trình tại hội thi.


Nhóm của Tiến nhận giải nhất tại cuộc thi Khoa học và Kĩ thuật Quốc tế (ISEF) 2011 tại Việt Nam- Hiện Tiến và nhóm bạn đang là 1 trong 2 đại diện của Việt Nam dự thi tại Los Angeles (Mỹ)

Được biết, hiện nay các máy đo góc của các nhà xây dựng giá thành rất cao từ 25 - 27 triệu đồng/máy. Điều này vượt quá khả năng chi trả của một cơ quan quản lí đô thị cấp phường tại Huế. Máy đo góc trong không gian của Hà Thúc Tiến với giá thành rẻ, độ chính xác khá cao sẽ là một trong những sự lựa chọn hữu ích cho những nhà quản lí không gian văn hóa trong việc xây dựng tại cố đô Huế cũng như các địa phương khác trên cả nước.

Không những thế, ứng dụng này có thể áp dụng trên các lĩnh vực đa dạng như đo đồi núi, đo góc định vị các ngôi sao trên bầu trời, ứng dụng vào nghiên cứu thiên văn, quân sự hàng hải…