Câu chuyện học thêm

Mực Tím, Theo 09:47 16/11/2011

Cô chú sống cùng ông bà nội ở ngay sát vách nhà tôi. Cô chú có hai cậu con trai, đứa lớn lớp bốn, đứa nhỏ mới vào lớp một.

Chú làm trong quân đội, vài tháng mới về thăm nhà được một lần, nên việc học hành của hai đứa trẻ do mình cô lo lắng. Ngày tôi còn học cấp ba, thỉnh thoảng cũng kèm thằng lớn học. Bây giờ thì học xa nhà rồi, thành ra cũng chẳng mấy lúc hỏi đến chuyện học của hai đứa nữa.

Bữa trước, tôi được nghỉ cuối tuần, thế là về quê. Mới về đến đầu ngõ, tôi đã nghe tiếng cô đánh vần dạy thằng bé học, nhưng có vẻ to tiếng và mất kiên nhẫn. Thấy tôi, hai cậu nhóc mừng ra mặt, chạy vội ra đón. Tôi đưa túi kem mới mua cho tụi nó, rồi vào trong nhà chào cô.

Cô cười trả lời tôi rồi lại quay ra nghiêm mặt bảo với thằng nhỏ:

- Ăn kem xong phải tự giác vào học tiếp, đừng để mẹ phải gọi.

Mặt thằng bé xị xuống, dạ một tiếng lí nhí, tôi nhìn mà thương.

Tôi quay sang cô, nửa đùa nửa thật:

- Trẻ con mà bắt học nhiều quá rồi thành chán học là nguy đấy cô ạ!

Cô lắc đầu:

- Cô biết chứ, nhưng không còn cách khác. Thằng bé bây giờ học kém nhất lớp rồi. Cô giáo vừa gọi điện về, hôm nay lại bị điểm 3.

Tôi ngạc nhiên, không phải vì điểm 3 của thằng bé. Đi học điểm cao điểm thấp là chuyện bình thường. Mà là vì chuyện nó “học kém nhất lớp” và thái độ có vẻ nghiêm trọng của cô. Vì tôi biết, thằng bé khá thông minh, tập viết hay làm toán đều tiếp thu nhanh lắm. Cô xưa nay cũng là người khá tiến bộ trong việc dạy con cái, không nhồi nhét cũng không ép buộc gì nhiều.



Ngồi nói chuyện với cô một lúc, tôi dần lý giải được những thắc mắc của mình.

Thằng bé mới vào học lớp một được hai tháng, và kết quả là “kém nhất lớp”, “học sinh cá biệt” - theo đúng chữ mà cô giáo chủ nhiệm dùng. Thì ra, vốn dĩ không phải thằng bé tiếp thu chậm, mà là do nó không được dạy thì đúng hơn. Ở lớp, khi cô giáo bắt đầu giảng bài mới, tất cả các học sinh trong lớp nó đều đã học thêm trước rồi, nên hỏi gì cũng trả lời rất nhanh, kể cả viết chữ hay tính toán. Lâu dần cô giáo không dạy nữa, trực tiếp cho làm bài tập luôn. Nghe vậy, tôi chợt nhớ ra, hai tháng trước, tôi đưa thằng bé đi nhận lớp (cô tôi bận quá nên tôi đi thay). Sau khi điểm danh, cô giáo chỉ vào mấy tấm bảng treo tường và hỏi: “Em nào thuộc hết bảng chữ cái rồi?”, thì cả lớp đều giơ tay, chỉ em tôi là rụt rè giơ lên hạ xuống. Chữ cái thì hồi mẫu giáo đã được học, nhưng đâu thể nói là “thuộc hết” nhỉ? Thì ra, tất cả đã học thêm từ trước, chỉ có em tôi là không thôi.

Tôi dở khóc dở cười, bởi chính tôi là người trước đây khuyên cô không nên cho nó đi học thêm, khi mà tất cả những phụ huynh khác đều làm vậy suốt cả mùa hè nắng nôi trước thềm năm học mới.

Và ngay đến bây giờ, tôi cũng chẳng biết phải nói với cô thế nào nữa. Tôi từng là một học sinh và hiện tại vẫn đang đi học, nên cảm giác bị nhồi nhét kiến thức nó đáng sợ và đáng chán như thế nào. Nhưng phải làm sao để thoát khỏi cái tình trạng này? Mãi “học kém”, mãi “cá biệt”, mãi đuổi theo đuôi người khác, cũng chẳng dễ chịu chút nào.

Học thêm, có thể là nhu cầu thiết thực, cũng có thể chỉ là trào lưu, và thậm chí, còn là một cái “nạn”.

Tôi nhìn cô, không còn thoải mái và tự tin như trước, lại nhìn thằng bé, đâu rồi cái vẻ thông minh và tinh nghịch trước đây...

Nó… cũng mới chỉ lớp một thôi mà?