Hiệu trưởng bật khóc khi nói về việc giáo viên bị cấm dạy thêm

Pháp luật TP HCM, Theo 15:10 24/08/2016

Tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa xã hội - HĐND TP.HCM về tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn quận 3 chiều 23-8, thầy Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường TH Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng đã không khỏi xúc động khi nói về việc ngưng dạy thêm trong nhà trường.

Chia sẻ với đoàn khảo sát, thầy Lợi cho rằng dạy thêm trong trường tiểu học là giữ trẻ chứ không phải dạy thêm. Vì 100% học sinh (HS) đã học hai buổi/ngày nên theo quy định không dạy thêm trong trường.

Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh không thể đón con sớm lúc con tan học nên trường mở các hoạt động để đáp ứng nhu cầu phụ huynh. Trong đó có các hoạt động như hội nhóm, thể dục thể thao, năng khiếu. Những em nào không muốn ra ngoài tham gia các hoạt động đó thì có tổ chức ôn tập bài cho các em trong lớp.

Hiệu trưởng bật khóc khi nói về việc giáo viên bị cấm dạy thêm - Ảnh 1.

Thầy Lợi bật khóc khi nói về việc cấm giáo viên dạy thêm

"Khi phụ huynh không đón con kịp mà nếu giáo viên cũng không được dạy như vậy cho các em thì các em phải làm sao, sẽ rất thiếu an toàn cho trẻ. Chúng ta nên tính đến phương án quản lý sao cho tốt chứ đừng vì quản không được mà cấm. Tại sao bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ chạy sô kiếm tiền được mà giáo viên lại không thể sống bằng chính nghề của mình thì còn nỗi buồn nào hơn?" - thầy Lợi xúc động nói.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Hùng Dũng, Trưởng phòng GD&DT quận 3, cho biết hiện nay 100% HS tại quận 3 đều học hai buổi/ngày nên không tổ chức dạy thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, mặc dù không dạy thêm trong trường nhưng một số giáo viên có dạy thêm tại nhà hoặc dạy thêm tại các cơ sở bên ngoài. Hầu hết các trường đều có kế hoạch bồi dưỡng HS giỏi và phụ đạo HS yếu kém.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, một điều đáng nói là tất cả HS đều tan trường lúc 4 giờ hoặc 4 giờ 15 phút nhưng hầu hết phụ huynh đều chưa thể đến đón con được. Vì thế phụ huynh đều có nguyện vọng nhờ giáo viên trông giữ và nhà trường có các hoạt động để HS tham gia để kéo dài đến 5 giờ hoặc 5 giờ 15 thì phụ huynh mới đến đón được.

Trong thời gian này, giáo viên sẽ cho các em tham gia các môn năng khiếu hoặc cho HS ngồi tại lớp để làm và chuẩn bị bài cho buổi sau. Học phí cho những giờ này do giáo viên thỏa thuận với phụ huynh. Theo ông Dũng, không phải tất cả nhưng cũng hơn 1/2 HS học thêm như vậy.

Thuận lợi của việc dạy thêm trong nhà trường là đảm bảo được cơ sở vật chất, phòng học cho các em, thuận tiện cho việc đưa đón HS của phụ huynh và quản lý theo dõi của nhà trường. Học phí thu theo khung quy định nên phù hợp với hầu hết đối tượng phụ huynh HS. Còn dạy thêm ngoài nhà trường sẽ khó kiểm soát được mọi mặt về phòng ốc, gây khó khăn cho việc đưa đón con của phụ huynh và khó quản lý mức thu. Mặc dù Sở cấp phép nhưng thu chi không biết như thế nào, các em đi lại cũng không an toàn.

Vì thế, theo ông Dũng, Sở chỉ đạo thì phòng cũng triển khai và đề nghị thực hiện nghiêm việc không dạy thêm trong trường, tuy nhiên vì đây là nhu cầu có thật nên cũng đề nghị xem xét lại việc ngưng này. Ông Dũng cũng đề nghị các cấp cải cách lại chương trình học cho phù hợp, cải cách việc thi cử và quan trọng nhất là vấn đề lương của anh em giáo viên hiện nay để không còn chuyện học thêm dạy thêm này nữa.