Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh!

Phúc Logic, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 31/10/2016

Nếu đã quá chán ngán với các thể loại Valak, "Xoài-Lak", "Cóc-Lak" hay gần đây nhất là ma Cầu cơ của Mỹ, Halloween này mời bạn đến với những “kỳ ma dị quỷ” của xứ sở mặt trời mọc.

Ở Nhật, từ yokai (tức yêu quái) dùng để chỉ những thực thể siêu nhiên đi lang thang trong thế giới người sống. Tương truyền rằng không chỉ con người hay thú vật, đồ vật nếu tích tụ âm khí đủ 100 năm cũng có thể trở thành yokai. Đây cũng là lý do mà hình dạng các loài ma quỷ trong văn hóa Phù Tang lại muôn hình vạn trạng, chúng cũng thường xuyên trở thành đề tài khai thác được đa số các đạo diễn phim ưa chuộng.

1. Loạt ma quỷ trong Yokai Monsters: One Hundred Monsters (1968)

Một trong những quái vật ấn tượng nhất của bộ phim là Kasa-okabe (Tán ma/Ma dù). Kasa-okabe có hình thể nổi bật, khi mọi thứ trên cơ thể chúng đều là độc nhất: một mắt, một miệng, một lưỡi, một chân mang dép. Dù ngoại hình rùng rợn là thế, nhưng Ma dù lại là những yokai vô hại, thậm chí còn hay chơi đùa cùng trẻ em.

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 1.

Chân dung Kasa-okabe (Tán ma/Ma dù)

Cùng với Kasa-okabe, nhiều ma quỷ nổi tiếng khác cũng xuất hiện trong phim như Rokurokubi (Thiếu phụ cổ dài), Onibaba (Quỷ bà bà), Tengu (Thiên cẩu), Kappa (Hà bá), v.v..

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 2.

Rokurokubi (Thiếu phụ cổ dài) cũng là một quái vật khác rùng rợn không kém

2. Kuchisake-onna (Khẩu liệt nữ)

Bị người chồng vũ phu giết chết sau khi dùng kéo rạch hai mép đến mang tai, người phụ nữ tội nghiệp đã hóa thành một linh hồn đầy thù hận. Kuchisake-onna thường là phản diện chính trong các phim kinh dị khắc họa lại cuộc đời ả, đặc biệt phải kể đến là bộ phim rùng rợn cùng tên của đạo diễn Shiraishi Kōji ra mắt năm 2007.

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 3.

Khẩu liệt nữ không xuất thân từ thời phong kiến ở Nhật, mà mãi đến cuối thập niên 70 mới có lời ra tiếng vào về hồn ma này. Cô ta thường giấu chiếc miệng rộng hoác của mình bằng khẩu trang y tế, luôn lách cách trên tay chiếc kéo sắc lẻm. Những khách bộ hành bị Kuchisake-onna chặn đường sẽ được hỏi: "Ngươi thấy ta có đẹp không?". Phần lớn câu trả lời dù là "Có" hay "Không" đều mang đến cho họ những kết cục bi thảm.

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 4.

3. Noppera-bō (Vô diện)

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 5.

Họ thuộc lớp yokai lành tính, trong một số tài liệu còn nhấn mạnh rằng các Vô diện có tính tình nhàn nhã như những cụ già. Thỉnh thoảng, một Noppera- bō sẽ trêu chọc người thường bằng cách giả làm người đẩy xe mì, hay thiếu nữ áo trắng.

Tuy không có thông tin xác thực từ phía hãng phim hoạt hình nổi tiếng Ghibli, nhưng đa số người Nhật đều nhận ra rằng hồn ma đeo mặt nạ trắng Kaonashi đáng yêu trong Spirited Away vốn lấy hình mẫu từ Noppera- bō.

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 6.

4. Nure-onna (Xà nữ)

Thường được miêu tả trong truyện dân gian là một con rắn có đầu là thiếu nữ xinh đẹp, hình tượng của Nure-onna khá tương đồng với truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà của Trung Hoa.

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 7.

Điển tích về Nure-onna từng được lấy làm đề tài chính cho hai bộ phim kinh dị Nhật Snake Woman’s Curse (1968) của đạo diễn Nakagawa Nobuo và The Snake Girl (2005) của đạo diễn Iguchi Noboru. Những Xà nữ trong các phim đều được thay đổi tạo hình so với nguyên tác, họ có cơ thể như người thường và tùy nghi biến thành rắn.

5. Yuki-onna (Băng nữ)

Trong bộ phim ma hợp tuyển Kwaidan ra mắt năm 1964, có một phần phim xoay quanh linh hồn này. Sau đó, yokai này cũng có phim riêng mang tên The Snow Woman vào năm 1968. Ở phương Tây cũng có một dị bản khác của nhân vật này với tên gọi Bà chúa tuyết – nguyên gốc của công chúa Elsa trong phim hoạt hình Frozen (2014) của Disney.

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 8.

Yuki-onna thường được khắc họa là sở hữu một sắc đẹp không tưởng với đôi mắt mê hồn cùng làn da trắng trẻo không tì vết. Người xưa giải thích rằng những người leo núi thám hiểm nếu lỡ chợp mắt thì sẽ không tỉnh dậy được nữa, vì họ "lọt vào mắt xanh" của Băng nữ và bị cô ta cướp mất linh hồn.

6. Onryō (Oán hồn)

Cùng với yokai để chỉ những quái vật có cơ thể vật chất, truyện dân gian Nhật còn có sự xuất hiện của những Yūrei (bóng ma). Trong đó, những bóng ma vốn là người chết ôm trong mình mối hận dương thế sẽ trở thành Oán hồn. Hai Onryō kinh điển trong văn hóa kịch Kabuki là Okiku – Bóng ma đáy giếng và Oiwa – Hồn ma hầu gái. Tuy có số phận khác nhau, nhưng họ đều là những người phụ nữ vì chết thảm trong cô độc mà không thể siêu thoát.

Nói đến đây, fan phim kinh dị Nhật hẳn đã mường tượng được rằng Okiku chính là nguyên bản của Yamamura Sadako – hồn ma phản diện chính trong loạt phim The Ring (Vòng tròn oan nghiệt).

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 9.

Ma giếng Sadako

Trong khi đó, Oiwa có vẻ chính là ý tưởng ban đầu để tạo hình cho cặp ma mẹ con Kayako và Toshio của loạt phim Ju-On.

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 10.

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 11.

Tháng sáu vừa rồi, màn ảnh Nhật đã trở thành "sàn đấu" của hai ma nữ Sadako và Kayako, khi họ chạm trán nhau trong phần phim kết hợp Sadako vs. Kayako. Riêng khán giả Việt Nam sẽ có dịp trải nghiệm tại rạp tựa phim phim này vào ngày 04/11 sắp tới.

Hết hồn các thể loại ma dân gian Nhật Bản trên màn ảnh! - Ảnh 12.