Hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á bắt đầu thoái trào: Nhiều startup còn phụ thuộc vào công ty mẹ, đa phần tăng trưởng nhanh nhưng thua lỗ

Vũ Anh, Theo Nhịp Sống Thị Trường 19:49 29/10/2022

"Thời hoàng kim" của các kỳ lân công nghệ Đông Nam Á thực sự đang đi tới hồi kết?

Cách khu trung tâm tài chính Singapore chừng 10 phút lái xe, trụ sở mới 9 tầng cùng 3.000 nhân viên của Grab đã cho thấy nỗ lực của một công ty công nghệ những ngày đầu thành lập chỉ có một văn phòng cho thuê xe quy mô nhỏ. Tờ Nikkei Asia trích lời giám đốc điều hành Anthony Tan trong buổi khánh thành trụ sở mới hồi tháng 8 cho biết.

Hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á bắt đầu thoái trào: Nhiều startup còn phụ thuộc vào công ty mẹ, đa phần tăng trưởng nhanh nhưng thua lỗ - Ảnh 1.

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, sự kiện này thu hút rất nhiều tài xế. Họ đến từ 8 thị trường Đông Nam Á khác nhau, bấm còi náo nhiệt cả một góc trụ sở trên những xe chở khách. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cũng có mặt để mừng ngày vui; trên tay cầm một lá cờ lớn màu xanh lá biểu tượng.

Mặc dù năm 2022 là cột mốc đánh dấu 10 năm đáng nhớ đối với Grab - từ lâu vốn được coi là một trong những biểu tượng của sự đổi mới Đông Nam Á, thị trường chứng khoán lại không thực sự lạc quan khi các nhà đầu tư ngày càng mất kiên nhẫn với báo cáo kinh doanh. Được biết, vốn hóa thị trường của Grab đã giảm 80%.

Grab là một trong số các công ty công nghệ trong khu vực đang lo lắng về tình hình hoạt động thua lỗ. Lazada, một công ty Singapore khác được thành lập cùng năm, cho đến nay vẫn dựa vào nguồn vốn từ công ty mẹ Trung Quốc Alibaba. Trong khi đó, Sea nhanh chóng giảm quy mô bành trướng do giá cổ phiếu rớt quá thảm.

HƯNG PHẤN

Sự ra đời và lớn mạnh của các doanh nghiệp này được coi là biểu tượng cho sự trỗi dậy hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á. Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của GMO Venture Partners cho biết: “Nhiều ngõ ngách trong xã hội đã được chuyển đổi kỹ thuật số nhờ những công ty như Grab”.

Việc ngày càng nhiều startup xuất hiện đã kéo theo sự hưng phấn của thị trường - nơi các nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận trong môi trường lãi suất thấp. Theo công ty phân tích Preqin, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực Đông Nam Á đã tăng vọt lên 24,8 tỷ USD vào năm 2021, gấp hơn 120 lần trong 10 năm.

Hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á bắt đầu thoái trào: Nhiều startup còn phụ thuộc vào công ty mẹ, đa phần tăng trưởng nhanh nhưng thua lỗ - Ảnh 2.

Grab là một trong số các công ty công nghệ trong khu vực đang lo lắng về tình hình hoạt động thua lỗ

“Không một nhà đầu tư nào có thể tưởng tượng được rằng ngành công nghệ sẽ có một công ty trị giá 100 triệu USD”, Chris Kaptein, đối tác quản lý của Integra Partners, một công ty có trụ sở tại Singapore cho biết.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ tháng 12 năm ngoái, thời điểm áp lực về lạm phát bắt đầu hiện hữu. Thị trường sau đó chứng kiến một làn sóng bán tháo dữ dội với hàng tỷ USD bốc hơi của các công ty công nghệ.

Tính đến tháng 9, số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Dẫu vậy, tổng giá trị giao dịch của khu vực hầu như không thay đổi và duy trì ở mức 16 tỷ USD. Điều này cho thấy quy mô trung bình của các thương vụ đã giảm.

Các công ty trong giai đoạn tăng trưởng đang hạn chế tối đa việc xả tiền mặt và cố gắng sống sót qua thời kỳ thị trường rung lắc. Câu hỏi đặt ra lúc này, là liệu các công ty khởi nghiệp thế hệ đầu tại Đông Nam Á như Grab và Sea có thể đạt mục tiêu và xác thực mô hình kinh doanh hay không trong bối cảnh mọi thứ đang đi xuống.

MINH CHỨNG CHO 1 STARTUP TĂNG TRƯỞNG NHANH NHƯNG VẪN LỖ

Grab bắt đầu hành trình của mình tại Malaysia với tư cách là một nền tảng gọi taxi và xe hơi cá nhân. Sau khi trở thành kỳ lân trong vỏn vẹn 2 năm, công ty khởi nghiệp này đã khởi động kế hoạch đầy tham vọng nhưng tốn kém vào các lĩnh vực kinh doanh khác, bao gồm giao thực phẩm và fintech. Tuy nhiên sau đó, Grab vẫn lỗ ròng 1 tỷ USD trong nửa đầu năm mặc dù lợi nhuận đã được cải thiện.

Vào ngày 27/9, Grab tổ chức Investors Day tại trụ sở chính. Lần đầu tiên, công ty đang thua lỗ này cam kết sẽ hòa vốn vào nửa cuối năm 2024, trên cơ sở EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) đã điều chỉnh.

Giám đốc vận hành của Grab, ông Alex Hungate, đã vạch ra một loạt sáng kiến ​​mới, chủ yếu tập trung vào Grab Unlimited, một chương trình đăng ký hàng tháng với mức phí chỉ vài USD. Grab Unlimited cung cấp lợi ích và giao dịch trên các dịch vụ của siêu ứng dụng, từ giao hàng miễn phí đến gọi tài xế.

Hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á bắt đầu thoái trào: Nhiều startup còn phụ thuộc vào công ty mẹ, đa phần tăng trưởng nhanh nhưng thua lỗ - Ảnh 3.

Grab, startup tăng trưởng nhanh nhưng vẫn lỗ

Trọng tâm của chương trình nêu bật sự thay đổi của Grab: Tăng cường quan hệ với người dùng hiện tại thông qua việc đăng ký người dùng mới, qua đó giảm bớt phụ thuộc vào các ưu đãi. Trong quý II, các khoản ưu đãi của Grab cho người dùng đã lên tới 311 triệu USD. Đây là một trong những lý do chính hãng lỗ 572 triệu USD trong thời gian này.

Đúng là sau đó Grab đã đạt EBITDA dương cho mảng kinh doanh gọi xe - vốn đóng góp 50% tổng doanh thu cho tập đoàn. Chương trình đăng ký khi đó được kỳ vọng sẽ giúp ích cho mảng giao hàng đầy hứa hẹn, dự kiến ​​sẽ hòa vốn vào quý II/2023.

Trọng tâm mới này đặc biệt quan trọng vì Grab đã khởi động hoạt động kinh doanh ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore vào tháng 9, song song kế hoạch thâm nhập Malaysia và Indonesia vào năm tới. Khoản đầu tư của công ty vào dịch vụ cho vay trực tuyến dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh vào năm 2023 và mất thêm 3 năm nữa để hòa vốn.

“Nếu là một công ty khởi nghiệp có vị thế cạnh tranh yếu, bạn sẽ khó có thể huy động được vốn,” Hungate nói. “Chúng tôi tin rằng sẽ có sự hợp nhất trong thị trường để các công ty thực sự mạnh nhận được sự ủng hộ”.

ĐẠO NHÁI?

Theo Nikkei Asia, công nghệ Đông Nam Á bắt đầu nở rộ vào đầu những năm 2010, thời điểm smartphone trở nên phổ biến. Các nhà đầu tư và chính phủ các nước khi đó học hỏi các hệ sinh thái công nghệ lớn như Thung lũng Silicon, đồng thời thai nghén điều tương tự tại quê nhà.

“Sự bùng nổ ngành công nghệ Đông Nam Á đến từ những bài học từ Trung Quốc”, Chua Kee Lock, Giám đốc điều hành của Vertex Holdings, chi nhánh đầu tư mạo hiểm của nhà đầu tư nhà nước Singapore Temasek kiêm nhà đầu tư thời kỳ đầu vào Grab, cho biết.

Hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á bắt đầu thoái trào: Nhiều startup còn phụ thuộc vào công ty mẹ, đa phần tăng trưởng nhanh nhưng thua lỗ - Ảnh 4.

Hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á bắt đầu thoái trào: Nhiều startup còn phụ thuộc vào công ty mẹ, có thương hiệu tăng trưởng nhanh nhưng vẫn lỗ.

Trong nhiều năm sau, các công ty khởi nghiệp trong khu vực Đông Nam Á bị chế giễu là "đạo nhái" Thung lũng Silicon và Trung Quốc, điển hình là công ty Rocket Internet của Đức. Tuy nhiên, theo Magnus Grimeland, Giám đốc điều hành của Antler, một công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có trụ sở tại Singapore, “trên thực tế, những công ty này rất khác nhau”. Được biết, ông đã làm việc với Rocket Internet với tư cách là người đồng sáng lập công ty thương mại điện tử Zalora Group của Singapore vào năm 2012.

Rất nhiều công ty khởi nghiệp và tài năng mà Rocket nuôi dưỡng sau này đã trở nên nổi tiếng. Dịch vụ giao đồ ăn của Singapore là Foodpanda và Lazada cũng đều được Rocket hậu thuẫn ngay từ đầu. Đến năm 2016, Alibaba thâu tóm Lazada như một phần của kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ở thị trường nước ngoài. Việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh trong khu vực của Uber Technologies vào năm 2018 cũng củng cố quan điểm rằng nội địa hóa chính là chìa khóa của thành công.

“Mọi người từng nghĩ rằng các công ty Mỹ như Facebook, Amazon và Uber sẽ thống trị tất cả. Những thương vụ đó đã xây dựng được một sự tự tin nhất định, trên một nền tảng nhất định”, một chuyên gia Openspace cho biết.

FOMO

Khi thị trường bùng nổ, tâm lý sợ bị bỏ lỡ xuất hiện. Các nhà đầu tư phi truyền thống như Vision Fund của SoftBank Group - vốn cũng đầu tư vào Grab và Tokopedia và Tiger Global Management đã rót hàng triệu USD vào các kỳ lân của khu vực. Nhiều công ty khởi nghiệp chưa được biết tới rộng rãi cũng không ngoại lệ.

Lượng tiền mặt dồi dào cho phép các công ty khởi nghiệp tiếp tục nhận thêm vốn đầu tư dù thua lỗ nặng. Họ chỉ tập trung mở rộng thị phần thay vì tăng trưởng bền vững và tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận, theo Asia Nikkei.

Dẫu vậy, trong quá khứ, việc giành thị phần là một nước đi hợp lý, và gần như là "quy luật của trò chơi", theo Muramatsu của GMO Venture Partners.

Hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á bắt đầu thoái trào: Nhiều startup còn phụ thuộc vào công ty mẹ, đa phần tăng trưởng nhanh nhưng thua lỗ - Ảnh 5.

Lazada cho đến nay vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn từ Alibaba

"Ngày xưa, bạn chỉ cần đạt được điều đó thật nhanh. Tốc độ theo đó được ưu tiên hơn cả hiệu quả sử dụng vốn. Họ không thể làm điều này trong cả cuộc đời, vì vậy giờ đây các startup cần tập trung vào lợi nhuận. Đó là cách phát triển tự nhiên”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, với mục tiêu dân số 680 triệu áp dụng kỹ thuật số, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Đông Nam Á và tiếp tục gây quỹ. Họ đang chuyển hướng dần ra khỏi thị trường Trung Quốc sau khi nền kinh tế này tăng trưởng chững lại.

"Tốc độ tăng trưởng của các công ty công nghệ, sự sẵn lòng của khách hàng và hỗ trợ của chính phủ sẽ giúp hệ sinh thái kỹ thuật số lớn mạnh", một chuyên gia cho biết.

Theo: Nikkei Asia