Hậu ly thân, vợ chồng Thủ tướng Canada chia sẻ quan điểm đáng suy ngẫm về việc nuôi dạy con cái

AMT, Theo Phụ nữ số 16:38 11/09/2023

Có một bài học đắt giá dành cho các cặp vợ chồng đã có con, đằng sau cuộc hôn nhân gây tiếc nuối của vợ chồng Thủ tướng Canada.

Đầu tháng 8/2023, Justin Trudeau - Thủ tướng Canada, người được mệnh danh là vị Thủ tướng đẹp trai nhất trong giới chính trị đã thông báo ly thân với phu nhân Sophie Grégoire, sau 18 năm chung sống.

Chia sẻ trên Instagram cá nhân, vị Thủ tướng viết: "Sau nhiều cuộc trò chuyện nghiêm túc và sâu sắc, chúng tôi đã quyết định ly thân. Như từ trước đến nay, chúng tôi vẫn sẽ là một gia đình với tình yêu thương và sự tôn trọng sâu sắc dành cho nhau, cũng như dành cho mọi thứ chúng tôi đã và đang tiếp tục xây dựng, vun đắp.

Vì hạnh phúc của con cái chúng tôi, chúng tôi mong nghị quý vị tôn trọng cuộc sống riêng tư của chúng tôi cũng như các con".

Hậu ly thân, vợ chồng Thủ tướng Canada chia sẻ quan điểm đáng suy ngẫm về việc nuôi dạy con cái - Ảnh 1.

Sau 18 năm chung sống, vợ chồng Thủ tướng Canada chính thức ly thân

Theo thông tin được Văn phòng Thủ tướng Canada công bố, Justin Trudeau và Sophie Grégoire đã thực hiện các thủ tục pháp lý, đúng chuẩn mực đạo đức để có thể ly thân.

Tạm để sang một bên những lý do khiến cuộc hôn nhân gần 2 thập kỷ của vị Thủ tướng tan vỡ, cách mà ông và phu nhân Sophie cùng nhau chăm sóc con cái hậu ly thân mới là điều đáng quan tâm, học hỏi.

Chúng ta chia tay chứ không "chia con"

Sau 18 năm kết hôn, Trudeau và Grégoire có 3 người con: Xavier (15 tuổi), Ella-Grace (14 tuổi) và Hadrien (9 tuổi).

Hậu ly thân, vợ chồng Thủ tướng Canada chia sẻ quan điểm đáng suy ngẫm về việc nuôi dạy con cái - Ảnh 2.

Gia đình Thủ tướng Canada

Sau thông cáo ly thân, phát ngôn viên của thủ tướng Trudeau cho biết bà Sophie Grégoire đã dọn ra khỏi dinh thự Rideau Cottage. Phu nhân 48 tuổi chuyển đến sống trong một ngôi nhà ở Ottawa, còn ông Trudeau ở lại với ba con. Tờ Globe and Mail của Canada đưa tin cả hai sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con.

Bà Sophie thường xuyên đến Rideau Cottage và sẽ ở lại đó bất cứ khi nào Trudeau phải đi công tác.

Thông thường, khi các cặp vợ chồng quyết định ly thân hoặc ly hôn, họ sẽ nghĩ tới việc phân chia quyền nuôi con. Nếu có nhiều hơn 2 người con, tụi trẻ thường sẽ phải tách nhau ra nếu bố hoặc mẹ chúng không được quyền nuôi dưỡng và chăm sóc tất cả.

Khi ấy, nếu ở với mẹ, chúng sẽ gặp bố mỗi cuối tuần; hoặc ngược lại. Hệ quả hiển nhiên của những cuộc hôn nhân tan vỡ này chính là con trẻ phải thay đổi môi trường sống. Nhưng điều tưởng chừng là hiển nhiên này lại không diễn ra với 3 người con của Thủ tướng Canada, ngay cả khi bố mẹ chúng đã ly thân.

Hậu ly thân, vợ chồng Thủ tướng Canada chia sẻ quan điểm đáng suy ngẫm về việc nuôi dạy con cái - Ảnh 3.

Justin Trudeau và Sophie Grégoire thời còn mặn nồng

Tờ Telegraph gọi cách chăm sóc con cái hậu ly thân/ ly hôn này là mô hình nuôi dưỡng tổ chim: "Thay vì tách những chú chim non ra khỏi tổ, chim bố và chim mẹ sẽ thay phiên nhau tới tổ để chăm sóc chúng".

Nói cách khác, mô hình nuôi dưỡng tổ chim đảm bảo hạn chế tối đa những thay đổi về môi trường sống có thể tác động tiêu cực tới sự phát triển tâm lý của con trẻ.

Chia sẻ với tờ Telegraph, Theresa Wright - Luật sư ly hôn hàng đầu tại công ty Britton & Time ở Brighton (Anh) đã khẳng định mô hình nuôi dưỡng tổ chim này có rất nhiều mặt tích cực với sự phát triển của trẻ: "Việc phải di chuyển giữa nhà của bố và nhà của mẹ theo cách phân chia quyền nuôi con truyền thống dồn lên con trẻ những thách thức lớn về mặt cảm xúc, trong khi chúng đang phải thích nghi với việc bố hoặc mẹ sẽ không còn sống cùng mình nữa".

Bà cũng nhấn mạnh thêm rằng trẻ em thường cảm thấy an tâm hơn khi được ở trong một môi trường cố định và quen thuộc.

"Một môi trường sống ổn định, ít thay đổi cho phép trẻ tập trung hơn vào các hoạt động hàng ngày. Những đứa trẻ thường xuyên thay đổi chỗ ở hoặc trường học thường có nhiều bất ổn về tâm lý hơn những đứa trẻ có môi trường sống và học tập ổn định" - Theresa Wright cho biết.

Mô hình nuôi dưỡng tổ chim - Cách chăm sóc con cái của những ông bố bà mẹ cấp tiến?

Thuật ngữ "Mô hình nuôi dưỡng tổ chim" (Bird's Nest Parenting) lần đầu tiên xuất hiện tại Thụy Điển vào những năm 1970s. Sau đó, mô hình này đã được lan rộng, dần phổ biến Mỹ và Anh.

Nghiên cứu của Co-op Legal Services - Một công ty Luật chuyên tư vấn ly hôn cho thấy 11% các cặp vợ chồng ly hôn hoặc ly thân đã thử phương pháp này; 16% những cặp vợ chồng đã tan vỡ khẳng định nếu có cơ hội thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc ly hôn của mình, thì đó chính là việc nuôi con theo mô hình tổ chim sau khi đường ai nấy đi.

Hậu ly thân, vợ chồng Thủ tướng Canada chia sẻ quan điểm đáng suy ngẫm về việc nuôi dạy con cái - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Anita Scorah - Luật sư tại Công ty tư vấn Luật SAS Daniels (Anh) khẳng định: "Khi một đứa trẻ lần đầu tiên biết tin cha mẹ ly hôn hoặc ly thân, câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng không phải là điều gì sẽ thay đổi, mà thường là sẽ có bao nhiêu điều được giữ nguyên".

Theo Anita, đó chính là lý do mà mô hình nuôi dưỡng tổ chim trở nên phổ biến. Bà cũng khẳng định: "Đương nhiên, không ai ép bạn phải chung sống với người bạn đời mà bạn đã không còn yêu, hay không còn phù hợp để chung sống. Nhưng đó là quyết định của riêng hai bạn, không có lý do gì để con trẻ phải chấp nhận sự thay đổi không có lợi cho chúng chỉ vì bố mẹ không còn sống với nhau".

Tuy nhiên, vị luật sư này cũng chỉ ra một vài "điểm trừ" của mô hình nuôi dưỡng tổ chim: "Không phải cặp vợ chồng nào cũng có đủ điều kiện về tài chính để không chia đôi ngôi nhà mà cả hai đứng tên. Đây gần như là "vật cản" duy nhất khiến nhiều cặp vợ chồng không thể theo đuổi mô hình nuôi con này sau khi đường ai nấy đi. Ngoài ra, con trẻ có thể nuôi hy vọng bố mẹ chúng sẽ tái hợp vào một ngày nào đó, khi bố hoặc mẹ thường xuyên đến nơi chúng ở".

Dẫu vậy, phương pháp chăm sóc con cái hậu ly hôn/ly thân này vẫn là một điều đáng suy ngẫm. Thay vì suy nghĩ đến việc liệu mình có thể duy trì cuộc hôn nhân này tới khi nào, có lẽ đã đến lúc các cặp vợ chồng nên bắt đầu tìm hiểu về mô hình nuôi dưỡng tổ chim. Bởi chúng ta đều muốn tạo cho con điều kiện sống tốt nhất.