Hàng trăm sinh viên ĐH bị cảnh cáo học vụ có điểm đầu vào cao, thủ khoa các trường nói gì?

L.A, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 26/11/2017

Hầu hết các bạn trẻ đều cho rằng không nên xem thường con số thống kê nhưng cũng cần phân tích để hiểu rõ vấn đề hơn. Sinh viên nghỉ học để làm gì? Bởi học ĐH không chỉ là việc học, bỏ học ĐH không chỉ là bỏ kiến thức mà còn bỏ đi rất nhiều cơ hội khác.

Hàng năm, có từ 600 đến 800 sinh viên bị các trường ĐH thuộc "top" đầu cả nước cảnh cáo học vụ, buộc thôi học. Nguyên nhân hầu hết đến từ việc bạn trẻ không đi học, chỉ thi 1 môn/học kỳ, thậm chí có những sinh viên điểm thi đầu vào cao, từng là HSGQG ở cấp phổ thông... nhưng kết quả học tập vẫn tụt dốc không phanh chỉ sau 1 năm vào trường.

Rõ ràng, việc học ĐH hoàn toàn khác so với thời phổ thông và những "ngôi sao" học đường cũng rất có thể là những người gặp-vấn-đề. Có thủ khoa nào từng muốn bỏ học sau khi vào trường? Cảnh cáo học vụ liệu có phải chỉ là liệu pháp cứng rắn dành riêng cho những sinh viên cá biệt, thủ khoa có bị rơi vào "tầm ngắm"?

Cùng theo dõi cuộc trò truyện ngắn với các bạn sinh viên, cựu sinh viên từng là thủ khoa của trường, của ngành để tìm giải đáp cho câu hỏi này.

Thủ khoa ĐH Ngoại thương từng bị trầm cảm nhẹ, nghĩ mình chọn sai ngành

Là học sinh xuất sắc của trường THPT chuyên Hà Tĩnh, từng sang Pháp dự hội thảo, Phan Thị Minh Nhân (sinh năm 1996) vẫn vô cùng xúc động khi nhận tin đỗ thủ khoa khối D3 ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Hàng trăm sinh viên ĐH bị cảnh cáo học vụ có điểm đầu vào cao, thủ khoa các trường nói gì? - Ảnh 1.

Minh Nhân, nữ thủ khoa từng trầm cảm nhẹ vì chuyện học hành.

Trước khi bước vào trường ĐH Ngoại thương với danh hiệu thủ khoa, Nhân có bề dày thành tích học tập.

Cô bạn từng đoạt giải nhất học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh môn tiếng Pháp. Năm lớp 12, cô học trò này còn đoạt giải 3 Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành Sư phạm Tiếng Pháp. Tuy nhiên, Nhân vẫn dự thi ngành Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương Hà Nội để thử sức mình.

Những ngày qua, Nhân bất ngờ khi đọc số liệu thống kê về những sinh viên bị cảnh cáo học vụ, có trường hợp rơi vào những sinh viên khá giỏi của ngành, của khoa.

"Mình đọc tin và thấy khá sốc vì số lượng sinh viên bị đình chỉ học tập khá nhiều. Sốc cũng một phần vì trường mình hiếm trường hợp nào như thế. Tuy nhiên, nhìn chung chuyện sinh viên nợ môn, thi không qua được môn là chuyện bình thường. Đặc biệt là với sinh viên Bách khoa, thi lại hay trượt môn là chuyện xảy ra nhiều cơm bữa luôn", Nhân nói.

Hàng trăm sinh viên ĐH bị cảnh cáo học vụ có điểm đầu vào cao, thủ khoa các trường nói gì? - Ảnh 2.

Bớt áp lực khiến Nhân học tốt hơn.

Liên hệ với bản thân mình, Nhân thừa nhận những ngày đầu vào ĐH mình đã rất khó khăn trong việc thích nghi dẫn đến chứng trầm cảm nhẹ. Trong hoàn cảnh chông chênh ấy, rất nhiều sinh viên nghĩ mình đã chọn sai trường. Nhân, một thủ khoa, cũng vậy.

"Thú thực là có một quãng thời gian mình bị trầm cảm nhẹ vì bị điểm thấp, không như mình mong đợi. Một vài hình ảnh về ngôi trường ĐH trong mơ sụp đổ. Tất nhiên là vì có những môn học khó và mình chưa quen với môi trường ĐH. Hầu như cả năm nhất mình đều nghĩ mình chọn sai trường, ĐH Ngoại thương không hoàn toàn dành cho mình", Nhân tâm sự.

Nhân rút ra kinh nghiệm: "Kể từ học kỳ 2 năm thứ nhất, mình quyết tâm thay đổi. Nếu như trước đây, mình không dùng Facebook vì nghĩ nó tốt cho việc học; thì sau này, mình đã tập đọc sách, đi thể dục và online Facebook thường xuyên. Mọi chuyện dần khá hơn và mình lấy lại được thăng bằng.

Khi giảm tải bớt áp lực, việc học cũng dễ dàng hơn. Nhiều khi, mình cứ sợ cái bóng trước đó của mình đã quá thành công mà cứ ngại đạp đổ nó, nhưng mà đừng sợ gì cả, cứ thoải mái thì mọi chuyện cũng tốt đẹp thôi".

"Không thể suy nghĩ tuyến tính rằng bỏ học là lười biếng"

Hàng trăm sinh viên ĐH bị cảnh cáo học vụ có điểm đầu vào cao, thủ khoa các trường nói gì? - Ảnh 3.

Minh Đức không ủng hộ chuyện bỏ ngang ĐH nhưng cậu cũng không có cái nhìn quá khắt khe với những ai chọn con đường khác.

Bùi Minh Đức (sinh năm 1993), thủ khoa đầu vào và thủ khoa đầu ra của ngành Quản trị du lịch trường ĐH Hà Nội có suy nghĩ như thế khi đọc con số thống kê số vụ sinh viên bị nhà trường cảnh cáo học vụ mỗi năm.

"Con số ấy, phải thực sự điều tra một cách kỹ lưỡng thì mới có thể nói chính xác được. Họ bỏ học vì họ đi du học? Chuyển trường khác hay đi làm? Vì nếu bỏ học để tìm được cơ hội tốt hơn thì không có gì phải lo lắng quá.

Bây giờ rõ ràng ĐH không phải con đường duy nhất. Mình không thể cứ suy nghĩ tuyến tính rằng bỏ học là lười biếng, ham chơi hay những thứ tiêu cực khác.

Ở phương diện cá nhân, mình không ủng hộ chuyện sinh viên bỏ ngang ĐH. Tuổi trẻ có hạn, làm cái gì thì làm cho xong để còn làm cái khác. Học ĐH không chỉ là việc học; bỏ học ĐH không chỉ là bỏ kiến thức mà còn bỏ đi rất nhiều cơ hội khác", Đức nói.

Hàng trăm sinh viên ĐH bị cảnh cáo học vụ có điểm đầu vào cao, thủ khoa các trường nói gì? - Ảnh 4.

Tuổi trẻ có hạn, làm cái gì thì làm cho xong để còn làm cái khác.

Đức là chàng trai khá tự tin và tham vọng. Cậu có điểm số đầu vào cao nhất ngành mình học, thiếu chút nữa là thủ khoa của trường. Đến khi ra trường, Đức vẫn không hề sụt giảm "phong độ". Dĩ nhiên, Đức không nằm trong trường hợp thủ khoa đánh mất vị trí của mình sau khi vào trường vì chưa thể thích ứng với môi trường hay cảm thấy mình đang đi sai hướng.

Tuy nhiên, khi nhìn ra bạn bè xung quanh, Đức có thể hiểu được lý do vì sao các bạn trẻ không theo kịp ở bậc ĐH, dẫn đến nản chí và bỏ cuộc.

"Trường mình, các môn chuyên ngành được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhiều bạn, nhất là các bạn sinh viên ở tỉnh, thi khối D chủ yếu là giỏi Toán, Văn, tiếng Anh thì chỉ chắc ngữ pháp nên khi vào học, các bạn không theo kịp. Mỗi năm, nhiều người không lên được chuyên ngành vì không đủ điểm IELTS. Các bạn ấy, cũng không đến nỗi là bỏ học (tỉ lệ bỏ học trường mình vốn thấp), nhưng nhìn chung cũng gặp khó khăn trong suốt những năm ĐH", Đức kể.

Thủ khoa với Đức chỉ là cái danh xưng, thậm chí không có nhiều ấn tượng. Đức luôn nói với chính mình rằng: "Mình ngủ quên thì người ta không đánh thức mình đâu, người ta chỉ tát hay dội cả xô nước vào mình cho đến khi mình tỉnh dậy thôi!".

Mọi lời khuyên chỉ để tham khảo, hãy lắng nghe chính mình!

Nguyễn Vũ Nguyên An (sinh năm 1997), sinh viên năm nhất ngành Báo chí và Truyền thông, thủ khoa trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cảm thấy hơi lo lắng về con số sinh viên bị nhà trường cảnh cáo học vụ mỗi năm.

Hàng trăm sinh viên ĐH bị cảnh cáo học vụ có điểm đầu vào cao, thủ khoa các trường nói gì? - Ảnh 5.

Nguyên An, thủ khoa đầu vào trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Cô bạn cho rằng việc thích nghi ở môi trường ĐH là do kĩ năng chứ không do điểm đầu vào quyết định. Các bạn có thể học tốt ở THPT nhưng chưa chắc đã vượt qua áp lực học tập ở môi trường mới.

Với Nguyên An, ĐH là môi trường đòi hỏi nhiều kĩ năng hơn THPT. Ở ĐH, hơn 50% sinh viên phải sống xa quê để tiện cho việc học tập. Lần đầu xa gia đình, xa sự kèm cặp của thầy cô, tâm lý bỡ ngỡ là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, phương pháp học ĐH cũng khác THPT. Ở ĐH, giảng viên chỉ cung cấp hướng tiếp cận kiến thức, còn tích lũy kiến thức đó nhiều hay ít lại là vấn đề của sinh viên.

Và khi các sinh viên năm nhất than mệt mỏi, áp lực... những người xung quanh sẽ khuyên nên cố gắng hoặc họ sẽ nói rằng: "Em/bạn/cháu không phù hợp với ngành này".

Lúc này câu chuyện sẽ xảy ra theo hai chiều hướng, thứ nhất là người trong cuộc kiên quyết theo con đường đã chọn, vững tâm gạt bỏ mọi khó khăn để vươn lên. Chiều hướng thứ hai là họ sẽ bỏ bê việc học, theo đuổi các đam mê riêng và sau một thời gian thì bỏ hẳn việc đến lớp. Hai chiều hướng này, không có cái nào sai, chỉ là bạn có quyết định đúng hay không.

"Những lời khuyên đó có thể mang tính chủ quan, tiêu cực vì người đưa ra lời khuyên chưa nhìn rõ vấn đề của những người xung quanh. Nhưng trong một số trường hợp, đúng là các bạn trẻ đã không phù hợp với ngành học đó. Bằng chứng là một số bạn học đến năm 2, năm 3 hay thậm chí năm 4 vẫn nghỉ học để thi lại hoặc chọn học văn bằng 2. Và con đường sau này họ đi cũng là con đường chọn lần sau.

Vậy nên, mọi lời khuyên chỉ để tham khảo, quan trọng nhất bạn hãy lắng nghe trái tim mình muốn gì, cần gì, phải làm gì để có được thứ mình muốn và hành động", Nguyên An chia sẻ quan điểm.