Kể từ lúc tuyết rơi đầu mùa ở Bắc Kinh cho tới những ngả đường ở Trung Nam Hải đều đóng băng, người cao hứng nhất trong Cố Cung Thanh triều không ai khác chính là Từ Hy Thái hậu. Bởi lẽ đây cũng là thời điểm để bà bắt đầu hai thú tiêu khiển tốn kém quen thuộc của mình.
Thế nhưng, sự cao hứng của Lão Phật gia lại kéo theo nỗi sợ hãi của các cung nữ, thái giám. Vì trò tiêu khiển của Từ Hy quả thực là nỗi ám ảnh đối với họ.
Thú tiêu khiển đi trước thời đại của Tây Thái hậu
Những mẫu xe trượt tuyết thời xưa từng là thứ được Từ Hy dùng để tiêu khiển trong hoàng cung mỗi khi đông về. (Tranh minh họa).
Tiết mục giải trí mùa đông của Từ Hy chia làm hai trò. Trò thứ nhất là một loại hình giải trí không còn xa lạ với người hiện đại – trượt băng.
Thế nhưng, cái gọi là "trượt băng" được Từ Hy yêu thích lại được thực hiện bằng hình thức kéo xe trượt tuyết.
Khi mùa đông tới, mặt đường trong Tử Cấm Thành sẽ đóng băng. Bề mặt phía trên của lớp băng vô cùng trơn bóng.
Lúc bấy giờ, Từ Hy cùng các phi tần của Hoàng đế và Phúc tấn (thê tử) của các vị vương gia sẽ kéo nhau ra đó để bắt đầu trải nghiệm cảm giác phi như bay.
Những người phụ nữ cao quý ấy sẽ ngồi những chiếc xe trượt tuyết, để cho thái giám ở phía trước kéo trên mặt băng.
Vào khoảnh khắc được kéo như bay trên những mặt băng, bên tai Từ Hy chỉ nghe tiếng gió thổi. Điều đó đem lại cho bà cảm giác hưng phấn và vui vẻ khó nói nên lời.
Thế nhưng, để đem lại niềm vui cho Thái hậu, không ít thái giám, cung nữ lại vô cùng khổ sở vì phải kéo những chiếc xe nặng nề trên mặt băng trơn trượt.
Tiết mục ấy sẽ kéo dài ít nhất một giờ đồng hồ. Đến khi chơi chán, Lão Phật gia sẽ bắt đầu trò giải trí "đặc sắc" tiếp theo của mình.
Tiêu tốn cả một gia tài trong mỗi cuộc mua vui
Mùa đông là khoảng thời gian được Từ Hy đặc biệt yêu thích vì bà có nhiều trò chơi để tiêu khiển. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Khi tiết mục giải trí tiếp theo sắp sửa bắt đầu, Từ Hy sẽ hạ lệnh cho người hầu lấy ra một chiếc rương đựng mấy nghìn đồng bạc.
Chiếc rương đựng cả gia tài ấy vô cùng nặng, cần tới mấy thái giám cùng hợp sức với nhau mới có thể mang ra.
Vì sao Lão Phật gia lại yêu cầu lấy nhiều tiền như vậy? Đó là để bà thỏa mãn một thú vui tốn kém của mình bằng trò chơi ném tiền.
Trò chơi tốn kém ấy không hề có mục đích quản đãi hay giúp đỡ người khác, mà đơn giản chỉ để mua vui cho Từ Hy.
Dù cho ở thời đại nào, trò chơi ném tiền đều có những đặc điểm giống nhau: Người tung tiền thì thỏa mãn hả hê, còn kẻ nhặt tiền thì tranh cướp, vật lộn.
Mỗi cuộc vui của Lão Phật gia lại tiêu tốn cả một gia tài. (Ảnh minh họa).
Dù vậy, khi đến tay Tây Thái hậu, trò chơi tốn kém ấy đã được nâng tầm lên một đẳng cấp khác. Nếu như những bậc quân vương giàu sang khi xưa chỉ vung tiền trên mặt đất, thì Từ Hy lại ném tiền lên mặt băng.
Các nữ quyến hoàng tộc sẽ đứng ở bốn phía xung quanh, còn Từ Hy thì ngồi trên cao, khi nào hứng trí liền tung một nắm tiền vào giữa mặt băng.
Mặc dù người chơi đều là những cách cách, phúc tấn, phi tần cao quý nhưng mấy ngàn đồng bạc quả thực là con số không hề nhỏ, hơn nữa lại vì mục đích lấy lòng Thái hậu, nên những người phụ nữ "ăn sung mặc sướng" ấy không ngại thi nhau tranh cướp.
Quy tắc của trò chơi cũng hết sức đơn giản, ai cướp được thì tiền sẽ thuộc về người đó. Chỉ có điều, địa điểm họ tranh giành nhau là ở trên mặt băng trơn trượt.
Một động tác thất thố cũng đủ khiến những người phụ nữ ấy ngã sóng soài chứ chưa nói tới việc phải tranh giành nhau từng đồng bạc.
Vì thế, không khó để tưởng tượng lúc ấy, các nữ quyến hoàng tộc dù ngã sấp ngã ngửa trên mặt đất nhưng vẫn vui vẻ vì nhặt được tiền, còn Từ Hy cũng vô cùng cao hứng khi chứng kiến dáng vẻ vất vả của những người ở dưới.
Khi mấy ngàn đồng bạc đã ném hết, cuộc vui của Thái hậu sẽ kết thúc. Thế nhưng hậu quả của những cuộc tiêu khiển tốn kém ấy để lại chính là quốc khố thâm hụt, dân chúng lầm than, bách tính oán thán…