Hà Nội khuyến cáo công chức không xăm hình, dùng nước hoa phù hợp

Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 11:53 24/12/2016

Ngày 1/1/2017 tới đây, thành phố Hà Nội sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử nhắc nhở công chức Thủ đô không tranh thủ kinh doanh trong giờ hành chính, không xăm hình, sử dụng mỹ phẩm, nước hoa phù hợp và không mặc váy ngắn.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, soạn thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, báo chí, các nhà nghiên cứu… thành phố Hà Nội sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử vào ngày 1/1/2017.

Cách đây 2 năm, vào cuối năm 2014 khi dự thảo bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng đã gây ra nhiều ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của nó. Lần này, Sở VH-TT Hà Nội đã xây dựng đồng thời hai bộ quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về trang phục, quy tắc khuyến cáo công chức mặc lịch sự (áo có ống tay, cổ áo; váy dài đến gối); đầu tóc gọn gàng; không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp.

Công chức không quảng cáo, vận động, mời gọi đồng nghiệp và công dân mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ có tính chất kinh doanh trong giờ hành chính.

Hà Nội khuyến cáo công chức không xăm hình, dùng nước hoa phù hợp - Ảnh 1.

Công chức Hà Nội không được xăm hình, mặc váy ngắn... Ảnh minh họa

Khi ứng xử với người dân, công chức được yêu cầu không gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tấn công người dân. Nếu có va chạm, người liên quan cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Tại khu dân cư, công chức không tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, mừng thăng chức... linh đình, phô trương, lãng phí, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư…

Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng được áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân đang sinh sống, công tác, học tập và tham quan, lưu trú trên địa bàn Hà Nội, với mục đích chung là xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Ngoài những quy tắc ứng xử chung, bộ quy tắc này còn đưa ra nhiều nguyên tắc ứng xử ở từng nơi công cộng cụ thể như: vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; khu vực tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng; nhà ga, bến ô tô, bến tàu, sân bay; khu vui chơi giải trí…

Ông Tô Văn Động thừa nhận, mặc dù khâu soạn thảo rất chặt chẽ, công phu, có tham khảo ý kiến nhiều nhà nghiên cứu nhưng việc thực hiện bộ quy tắc này không đơn giản. Ông cũng nói, khi ban hành bộ quy tắc ứng xử này liệu có được các cán bộ công chức và người dân thành phố đón nhận và thực hiện cho tốt hay không, mới là điều quan trọng. Theo ông Động, Bộ quy tắc không phải văn bản pháp quy, mà đưa ra chuẩn mực chung, khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày