Một cảnh tượng... thường thấy ở Hà Tĩnh
15.000 là sức chứa của SVĐ Hà Tĩnh. 22.000 là con số thống kê chính thức về lượng khán giả đến sân được BTC công bố. Chiều ngày 12/6, hàng ngàn người chen chúc ở những cánh cổng nhỏ hẹp, dẫm lên nhau để vào sân, tràn xuống cả đường piste. Rất đông trong số đó không có vé để lại hậu quả là cả ngàn người với tấm vé thật trên tay phải cam chịu đứng ngoài sân trong nỗi bức xúc.
Ngày hôm ấy chứng kiến những bà bầu cũng lặn lội đến sân, một cựu chiến binh cụt chân vượt gần 20 cây số để không lãng phí tấm vé mời được gửi tặng, có cả đám trẻ nhỏ mồ hôi nhễ nhại bám chặt lấy người thân, vượt qua đám đông vào sân bằng cách leo trèo. "Tại sao người dân Hà Tĩnh phải khổ đến thế?" là câu hỏi mà không phải ai cũng thấu hiểu.
Cảnh tượng hỗn loạn ở cổng vào sân Hà Tĩnh. Ảnh: Hiếu Lương.
Có người nói Hà Nội FC với nhiều tuyển thủ quốc gia nổi tiếng tạo nên sức hút. Đúng nhưng chưa đủ. Đất Hà Tĩnh không có nhiều điểm vui chơi cho đến tận bây giờ, bóng đá vì thế như một hình thức giải trí còn sân Hà Tĩnh là địa điểm để người người kéo về. Năm 2020 còn đặc biệt hơn khi Hà Tĩnh lần đầu tiên có một đội bóng thi đấu tại V.League. "Cơn đói" bóng đá kéo dài hàng chục năm nay đã có cách chữa.
Cựu giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn kể: "Thời những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước hay những năm đầu thế kỷ này, khi tôi mới nghỉ trọng tài đi làm giám sát, sân Hà Tĩnh cũng chỉ mới đăng cai vòng loại rồi đến VCK mấy giải U16, U18,… Cũng vỡ sân và khán giả tràn xuống đường chạy đông hơn thế này nhiều.
Anh bí thư đến trao đổi, có phần năn nỉ với giám sát để cho trận đấu được tiến hành. Bà con rất mong mỏi được xem bóng đá, hiền lành lắm, không phá phách gì đâu. Rồi, diễn ra đúng như thế. Tiếc cho vùng đất dân mê bóng đá thế, mà mãi chưa có được một đội đại diện… cho đến tận bây giờ".
"Vỡ" sân Hà Tĩnh được gắn với danh từ tiêu cực "sự cố" nhưng cũng là cách để nhìn thấy tình yêu bóng đá của một nhóm người trên lãnh thổ Việt Nam, ở đây là người dân Hà Tĩnh. Nó không phải cảnh tượng chưa từng thấy mà thường thấy tại nơi này. Nó cũng cho thấy tiềm năng phát triển của một mảnh đất giàu có tài nguyên CĐV mà nếu tận dụng tốt sẽ trở thành tài sản vô giá của CLB đại diện cho địa phương – Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Những hình ảnh này có thể gây sốc nhưng là phát pháo báo hiệu về một tài nguyên quý giá của bóng đá Hà Tĩnh. Ảnh: Hiếu Lương.
Sân Hà Tĩnh "vỡ" bởi sức hút của Hà Nội FC là thực tế không thể phủ nhận. Người dân Hà Tĩnh lần này được nhìn thấy tận mắt những ngôi sao như Quang Hải, Hùng Dũng, Văn Quyết thay vì phải đi sang tỉnh lân cận "xem nhờ", hay như năm 2018, lặn lội hàng trăm cây số qua cửa khẩu Cầu Treo sang đất Lào xem đội tuyển Việt Nam đá vòng bảng AFF Cup.
Không có một cuộc khảo sát quy mô lớn nhưng khi hỏi những người có mặt tại sân Hà Tĩnh chiều 12/6, họ nói đến đây để gặp những cầu thủ nổi tiếng. Mỗi lần Quang Hải đá phạt góc, những đứa trẻ đứng bật dậy hô vang tên anh. Một đứa trẻ khác khi được bắt tay Quả bóng vàng Đỗ Hùng Dũng đã nắm chặt không muốn buông rời.
5 năm trước cảnh tượng ở Hà Tĩnh, sân Pleiku đối mặt tình huống tương tự khi HAGL đối đầu CLB Khánh Hoà ở vòng 1 V.League 2015. Ngày ấy, lứa 1 lò đào tạo HAGL JMG lần đầu được đôn lên đá chính với Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, những người vừa khiến trăm ngàn CĐV nức lòng ở các giải U19 quốc tế. Ngày ấy, bầu Đức xuống tận sân, mời những người già lên khán đài ngồi, còn lại là cả ngàn người đứng sát đường biên.
Sau sự kiện ấy, HAGL được gọi là "đội bóng quốc dân" – một cụm danh từ mang tính biểu tượng. Trước HAGL, Thể Công huyền thoại cũng từng được gắn với biệt danh ấy và đến năm 2020, Hà Nội FC dường như trở thành phiên bản 3.0 của danh xưng ấy. Từ chỗ đau đáu trong việc thu hút khán giả đến sân, Hà Nội FC bắt đầu thu trái ngọt.
Người hâm mộ này vẫn vui khi được chứng kiến những ngôi sao của nền bóng đá thi đấu.
Thế nhưng, nhìn sâu hơn vào câu chuyện, sức hút lại nằm ở những tuyển thủ quốc gia danh tiếng như lần Viettel hành quân vào An Giang đá vòng 1/8 Cúp quốc gia 2020 tại một sân khấu đầy ắp khán giả. Vì thế, không riêng Hà Nội FC, những sự mường tượng bắt đầu xuất hiện về cơn sốt vé ở Hà Tĩnh khi HAGL, CLB TPHCM hay Viettel hành quân đến nơi đây.
Chung cuộc, "đội bóng quốc dân" chỉ là một danh xưng, rồi cũng biến mất như Thể Công hay mai một như HAGL. Giá trị đích thực là những khán đài kín đặc khán giả, là những sân khấu đầy ắp người xem kích thích sự hưng phấn của cầu thủ, của người làm bóng đá.
Trợ lý Nguyễn Công Tuấn của Hà Nội FC khi được hỏi về danh xưng "đội bóng quốc dân" đã nói rằng: "Một đội bóng đón nhận sự yêu quý của khán giả không chỉ ở địa phương mình mà còn ở nơi khác thì đó là niềm hạnh phúc. Các CLB trên thế giới và cả Việt Nam đều khao khát giá trị đích thực đến từ khán giả như vậy.
Với tôi, câu hỏi có hay không việc thay HAGL trở thành đội bóng quốc dân thì không nên so sánh. Hà Nội FC không muốn so sánh với HAGL hay CLB nào khác. Chúng tôi muốn cống hiến để khán giả đến sân nhiều hơn. Suy cho cùng, khán giả chính là giá trị khiến bóng đá đẹp lên".
Một thực tế phi lý đã xảy ra khi lượng khán giả dành tình cảm cho cầu thủ đội khách còn lớn hơn đội chủ nhà. Một thực tế phi lý nhưng lại rất hợp lý trong bối cảnh cụ thể, để rồi một thực thể giàu sức hút kết hợp với "cơn đói" của người bản địa đã tạo nên cảnh tượng hấp dẫn nhất bóng đá Việt Nam từ đầu năm 2020.
Khán giả tràn xuống sân làm trận đấu giữa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Hà Nội FC bị gián đoạn. T/H: PH - Hiếu Lương.