Đau buốt bên tai vì tư thế ngủ nghiêng đầu

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 29/04/2013

Liệu tư thế ngủ này có gây hại cho chúng ta không?

Đau buốt bên tai vì tư thế ngủ nghiêng đầu 1

Cách đây vài tuần em liên tục bị đau đầu, chóng mặt không rõ nguyên nhân, thỉnh thoảng kèm theo nhói buốt bên tai trái. Cho đến khoảng 4 - 5 ngày nay thì các cơn nhức ở tai xuất hiện nhiều hơn, nhất là khi nằm nghiêng về một bên. Ngoài ra còn có nước rỉ ra từ trong lỗ tai. Tuy lượng nước chảy ra không nhiều, trong suốt và không có mùi khó chịu nhưng em vẫn thấy rất lo lắng. Bình thường em hay có thói quen nằm nghiêng đầu khi ngủ, liệu điều đó có ảnh hưởng gì đến em không ạ? Mong bác sĩ giải đáp liệu em đã mắc phải bệnh gì và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (long.ng...@gmail.com).

Đau buốt bên tai vì tư thế ngủ nghiêng đầu 2

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng viêm tai giữa ứ dịch.

Đây là sự ứ dịch của tai giữa phía sau một màng tai không thủng, không có các triệu chứng viêm cấp. Dịch tai giữa có thể là thanh dịch, có thể là dịch nhầy, cũng có thể là keo.

Nguyên nhân cơ bản gây viêm tai giữa ứ dịch là đa yếu tố bao gồm: nhiễm khuẩn, rối loạn chức năng vòi, dị ứng, giảm khả năng miễn dịch và môi trường sống. Nhưng có lẽ yếu tố quan trọng nhất gây viêm tai giữa là sự chưa trưởng thành về cấu trúc, chức năng của vòi nhĩ ở lứa tuổi thiếu niên. Những rối loạn chức năng vòi nhĩ cụ thể là tắc vòi hay sự mở vòi bất thường. Cụ thể: Tắc vòi nhĩ có thể do chức năng, cơ học hoặc cả hai. Tắc vòi chức năng gây ra do vòi nhĩ xẹp kéo dài, quá mềm, cơ chế mở vòi không bình thường hoặc do tất cả. Thói quen nằm nghiêng một bên thường xuyên của em có thể gây ra tình trạng bệnh nặng và kéo dài hơn.

Viêm tai giữa ứ dịch là một bệnh đa hình thái, có nhiều dạng lâm sàng rất khác nhau. Thường gặp nhất chỉ biểu hiện bằng nghe kém, không có các dấu hiệu khác về bệnh học tai. Do vậy, bệnh thường bị bỏ qua trong nhiều tháng, nhiều năm.

Trong dạng tiềm tàng những triệu chứng khác hiếm gặp như: cảm giác đầy tai; cảm giác dịch chuyển chỗ trong tai hoặc sự thay đổi về mức độ điếc theo vị trí của đầu; đau tai (trong hoặc ngay sau giai đoạn viêm cấp).

Bệnh có thể làm nền cho những đợt bội nhiễm tai tái phát. Vì vậy, trước tất cả các trường hợp viêm tai giữa cấp cần phải thăm khám tỉ mỉ màng nhĩ, nhĩ lượng trong một thời gian dài sau viêm tai giữa cấp. Việc phát hiện ra viêm tai giữa ứ dịch cho phép chỉ định điều trị và tránh được hiện tượng này.

Nếu bệnh kéo dài, không được điều trị hoặc có khi dù đã được điều trị sẽ tiến triển đến túi co kéo, xẹp nhĩ với màng nhĩ xanh vô căn, xơ nhĩ, viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma... .

Điều trị bệnh cơ bản nhằm vào 3 mục đích: phục hồi lại thính lực; ngăn chặn sự tiến triển đến bệnh lý mãn tính không hồi phục; ngăn ngừa các viêm tai giữa cấp tái phát và biến chứng. Để đạt những mục đích này, tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể mà người bệnh có thể được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.

Các thuốc được sử dụng điều trị nội khoa bao gồm kháng sinh, kháng histamin, thuốc chống phù nề, thuốc nhỏ mũi, corticoid; bơm hơi vòi nhĩ (biện pháp này thường cho phép cải thiện thính lực ngay nhưng chỉ được một thời gian rất hạn chế, không quá 1 giờ).

Đối với điều trị ngoại khoa, người bệnh được tiến hành nạo VA; cắt amidan khi có viêm amidan và viêm mũi họng tái đi tái lại; đặt ống thông khí là giải pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để được điều trị và theo dõi nhằm phục hồi lại sức nghe đồng thời ngăn ngừa các biến chứng gây điếc nặng ở giai đoạn sau.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Đau buốt bên tai vì tư thế ngủ nghiêng đầu 3